Ngăn chặn cướp giật trên đường: Phòng hơn chống

08:42 10/01/2022

Cướp giật tài sản lộng hành trên đường không còn là chuyện mới. Càng gần Tết càng xuất hiện những vụ việc liều lĩnh, táo tợn hơn. Dẫu vậy, hạn chế rủi ro bằng cách tự bảo vệ mình theo phương châm “phòng hơn chống”, là điều ai cũng có thể áp dụng.

Vụ cướp giật túi xách của một phụ nữ ở  quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh mới đây, khiến chị này dù không mất tài sản nhưng bị ngã sấp dưới nền đường. Sự an toàn sức khỏe, tính mạng khi ra đường mới là vấn đề cần quan tâm nhất.

Tuần trước, một số đối tượng còn ngang nhiên xông vào nhà người dân, bịa chuyện dàn cảnh đòi nợ, đánh đập chủ nhà để cướp đi nhiều tài sản có giá trị. Điều này dấy lên mối lo ngại rằng tội phạm giờ đây không chỉ rình rập giật dọc ngoài phố, mà ngay cả khi ở trong nhà vẫn chưa thể yên tâm bởi kẻ gian đã dám vào tận nơi tấn công.

Nhiều vụ việc manh động khác vừa xảy ra ngay sau khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách. Từ chuyện “đập hộp” điện thoại Iphone 13, bỏ chạy và kéo lê chủ cửa hàng trên đường, đến những hành động trói cả nhân viên cửa hàng Điện máy Xanh để “quơ” nhiều điện thoại đắt tiền.

Còn nhớ trong thời gian thành phố thiết lập các điểm quét mã QR cho người đi đường dùng điện thoại thông minh. Các đối tượng nhanh chóng nghĩ ra thủ đoạn giả làm người khai báo y tế để giật lấy điện thoại. Lợi dụng mọi cơ hội để ra tay là công thức chung của kẻ xấu.

Tất nhiên, khi đã làm liều, kẻ cướp không ngần ngại chống trả các nạn nhân chỉ với hai mục đích: chiếm đoạt tài sản và tẩu thoát an toàn. Cũng đã có một số vụ cướp giật bị quần chúng hợp sức bắt được đối tượng gây án. Tuy nhiên, chiếm tỉ lệ khá thấp, chưa kể những rủi ro cho những người tham gia truy đuổi tội phạm khi không được trang bị kỹ năng, phương tiện cần thiết.

Nhiều đối tượng trộm, cướp đồng thời là con nghiện ma túy. Khi “cơn ghiền” nổi lên sẽ bằng mọi giá tìm kiếm nguồn “thu nhập” bất hợp pháp để giải quyết nhu cầu mua thuốc. Mức độ nguy hiểm sẽ càng tăng nếu chúng bị phát hiện và truy bắt lúc đang “ngáo đá”. Liên tưởng đến các vụ kẻ phạm pháp dám tấn công cả lực lượng chức năng, thì những người dân bình thường phải càng hết sức cẩn trọng.

Tỉ lệ nạn nhân của các vụ trộm, cướp là phụ nữ thường chiếm tỉ lệ khá cao. Rất dễ hiểu bởi nữ giới phản ứng chậm hơn, ít khi dám kháng cự, hầu hết là hoảng sợ nên không nhớ được đặc điểm nhân dạng của kẻ gian. Cùng với đó chúng luôn tìm thấy ở phái đẹp nhiều yếu tố dễ thực hiện hành vi hơn: đeo nữ trang, mang túi xách một bên vai, hay cầm điện thoại trên tay… Thế nên, hầu như chúng ra tay là thành công.

Công an TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức ra quân đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông từ nay đến hết Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Công tác tuần tra, kiểm tra được thực hiện quyết liệt hơn. “Quả đấm thép” đã được tung ra đúng thời điểm, hi vọng mang đến sự yên tâm cho nhân dân.

Dẫu vậy, cũng không thể thiếu ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mỗi người. Địa bàn rộng, người đông, lực lượng chấp pháp chưa thể quán xuyến hết. “Phòng trộm hơn chống trộm”, là lời nhắc nhở hay đọc được trên nhóm (group) Zalo của tổ dân phố, do Cảnh sát khu vực lập ra. Không ai bảo vệ bản thân mình tốt bằng chính mình. Hạn chế thói quen mang tính chủ quan, lơ là sẽ có tác dụng khiến kẻ gian thất vọng vì rơi vào tình thế “ba không”:  “không buồn để ý” do không tìm thấy được sơ hở nên không thể chiếm đoạt.

Người trong nhà nhắc nhau ra đường cũng cần nhớ “ba không”: không vừa chạy xe vừa nghe điện thoại. Không cầm hoặc đeo ba lô, túi xách hớ hênh ngoài đường. Không để sợi dây chuyền “lồ lộ” trên cổ mà khéo léo “ẩn” trong lớp áo khoác, khẩu trang. Đừng tự trở thành “con mồi” trong mắt kẻ xấu. Chủ tiệm vàng, cửa hàng thiết bị di động cần đề phòng với khách lạ, đóng vai người đi mua, vờ xem hàng rồi… bỏ chạy. Không “quơ đũa cả nắm”, không nghi ngờ tất cả, song bài học cảnh giác sẽ không bao giờ thừa.

Ban ngày khóa cửa đi làm nhờ hàng xóm tốt bụng trông chừng. Ở cùng con hẻm cần biết chủ động lên tiếng hỏi thăm “khách lạ” đến tìm nhà bạn bè. Quan tâm đến nhau vừa là tình đoàn kết lại vừa có tác dụng hình thành khu dân cư an toàn, bất khả xâm phạm.

Chẳng may bị chiếm đoạt tài sản, rất cần giữ tâm lý bình tĩnh. Nhớ được dung mạo, phương tiện kẻ gây án và trình báo cơ quan Công an sở tại là điều cực kỳ ý nghĩa. Thực tế cho thấy ngành chức năng bắt được nhiều đối tượng cướp giật, nhưng lại gặp khó khăn trong khâu xử lý cũng chỉ vì không tìm ra… người bị hại.

Thanh Bình

Có 9 cán bộ trẻ của Công an TP Hồ Chí Minh và các quận huyện trong số 263 điển hình trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong nhiều lĩnh vực dự Đại hội “Thanh niên tiên tiến TP Hồ Chí Minh làm theo lời Bác” lần thứ VIII được tuyên dương.

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý, tuyến đường xảy ra tai nạn tập trung nhiều trên các quốc lộ (chiếm tới 35%). Thời gian xảy ra tai nạn nhiều nhất trong khung giờ 18h-24h. Giải pháp nào để giảm TNGT trên các tuyến quốc lộ, là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Thạc sĩ - bác sĩ nội trú Dương Thị Trà Giang (SN 1992), Khoa Đẻ thường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu như: Giải Nhất lĩnh vực Y - Dược trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Hà Nội (2022-2023); giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022-2023)... Không chỉ cứu nhiều sinh mệnh sản phụ và trẻ sơ sinh bên bờ “cửa tử”, nữ bác sĩ (BS) còn đam mê nghiên cứu khoa học, mang lại lợi ích to lớn cho các bà mẹ. Nữ BS vừa được vinh danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023 vào sáng 11/5.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文