Ngang nhiên rao bán văn bằng, tài liệu giả

07:37 11/05/2023

Những ngày qua, nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tục nhận được tin nhắn từ các số điện thoại lạ gửi đến về việc "quảng bá" làm các loại giấy tờ như: bằng lái xe, bằng trung cấp, bằng đại học, giấy chứng nhận đăng ký xe, CCCD, CMND...

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, làm giả văn bằng, tài liệu với độ chính xác cao gây khó khăn cho cơ quan điều tra, ảnh hưởng xấu tới uy tín của các cơ sở đào tạo, gây bức xúc trong dư luận và làm phức tạp trong việc tuyển dụng lao động…

Chị Nguyễn Vân Anh (trú TP Huế, Thừa Thiên_Huế) bức xúc, thắc mắc: "Không hiểu vì sao họ lại có số điện thoại của tôi và thường xuyên gửi tin nhắn đến mời chào như: Bên em nhận làm nhanh bằng xe máy, ôtô, bằng cao đẳng, đại học, căn cước công dân… và các loại hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu và để lại số điện thoại khi người mua có nhu cầu thì liên lạc". Theo lời chị Vân Anh, một số tin nhắn từ các số điện thoại khác nhau khi gửi tới "quảng cáo" về chuyện làm văn bằng, tài liệu, giấy tờ giả còn cam kết "đây là địa chỉ uy tín, bảo mật và giống thật 100%".

Phạm Tấn Huy cùng đồng phạm đăng quảng cáo làm giả bằng cấp, chứng chỉ trên Zalo vừa hầu tòa về tội danh "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức".

Sau khi nhận được phản ánh của nhiều người dân, chúng tôi nhập từ khóa "mua bằng giả" trên Google. Chưa đầy 1 giây sau đã cho ra hàng ngàn kết quả tìm kiếm. Trên các website, các đối tượng rao bán, các loại giấy tờ giả, các văn bằng giả với nhiều mức giá khác nhau, trong đó, giấy khám sức khỏe có giá 600 nghìn đồng, CCCD có giá 900 nghìn đồng; giấy phép lái xe (kèm hồ sơ) là 1,4 triệu đồng; sổ đỏ có giá dao động từ 1,5 đến 4 triệu đồng; các loại văn bằng đại học có giá dao động từ 3 triệu đến 7 triệu đồng (tùy theo trường và kèm bảng điểm)…

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, cũng từ việc ngang nhiên "quảng bá" trên tài khoản Zalo về việc nhận làm giấy tờ giả, văn bằng cho người có nhu cầu, cuối tháng 4/2023, Phạm Tấn Huy (SN 1984, trú quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cùng 6 đồng phạm gồm: Võ Thành Long (SN 1968), Nguyễn Công Chức (SN 1988) cùng trú tại tỉnh Quảng Ngãi; Nguyễn Văn Tuân (SN 1994), Lê Văn Chung (SN 1993), Trần Văn Minh (SN 1984), Hồ Văn Thuận (SN 1993, cùng trú tại tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã hầu tòa về tội danh "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức".

Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2020, Huy tìm hiểu trên mạng internet cách làm giả các loại giấy tờ và đặt mua trên mạng các loại máy móc, thiết bị như: máy in màu, máy scan, máy photo, máy dập chữ, máy in thẻ nhựa, máy ép nhiệt, máy cắt và các vật liệu phục vụ cho việc làm giả. Để thực hiện, Huy thuê nhà tại tầng 2 nhà 457/25 đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) để bố trí lắp đặt máy móc phục vụ vào việc phạm tội. Sau đó, Huy cùng với các đồng phạm đăng bài nhận làm giả các loại giấy tờ, con dấu của các cơ quan, tổ chức lên mạng xã hội với giá công khai để các cá nhân có nhu cầu thì liên hệ. Các giấy tờ giả khi làm xong sẽ được gửi tới khách hàng thông qua công ty chuyển phát như: J&T, Viettel Post… Nhận hàng xong thì khách thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Với phương thức thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021, Huy cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi làm giả 665 giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo đơn đặt hàng của các cá nhân trên địa bàn toàn quốc. Ngoài ra, Huy tự mình làm giả 1.214 loại giấy tờ, tài liệu của các cơ quan tổ chức. TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tuyên phạt Phạm Tấn Huy 5 năm tù; Võ Thành Long, Nguyễn Công Chức cùng mức án 4 năm tù; Nguyễn Văn Tuân 3 năm tù; Lê Văn Chung, Trần Văn Minh cùng mức án 2 năm tù; Hồ Văn Thuận 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Điều đáng nói, qua vụ này, cơ quan điều tra đã xác định nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hành vi mua bán giấy tờ, tài liệu giả. Tuy nhiên, qua đấu tranh, điều tra các đối tượng này chưa sử dụng nên đã chuyển hồ sơ cho Công an các địa phương xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, Công an xác định các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả cũng sinh sống tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ủy thác điều tra cho Công an các đơn vị địa phương phối hợp.

Căn cứ các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, xét thấy các đối tượng có hành vi đặt mua, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có dấu hiệu cấu thành tội: "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an các đơn vị, địa phương khác nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Công an các đơn vị, địa phương để tiếp tục giải quyết và xử lý theo thẩm quyền.

Công an tỉnh Thừa Thiên_Huế cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đối tượng đặt mua sổ đỏ giả để nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của các bị hại. Kết quả là có nhiều đối tượng đã bị cơ quan điều tra xử lý hình sự. Điển hình vụ Phạm Tấn Quang (SN 1974, trú xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên_Huế) nhận tiền đặt cọc bán lô đất cho một người trú tại TP Huế với số tiền 70 triệu đồng. Theo thỏa thuận, sau 1 tháng hai bên sẽ ra văn phòng công chứng để sang tên nhưng đến ngày hẹn công chứng, Quang nảy sinh ý định nhờ người khác làm chứng nhận quyền sử dụng đất giả để đưa cho nạn nhân rồi tiếp tục nhận thêm tiền bán đất là 115 triệu đồng. Sau đó, Quang và người mua đến UBND huyện Phú Vang để ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Quang cung cấp có dấu hiệu làm giả nên văn phòng đăng ký đất đai đã gửi cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Vang trưng cầu giám định và xác nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giả. Quang đã bị truy tố về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo cơ quan điều tra, việc sử dụng tài liệu, con dấu giả là hành vi vi phạm pháp luật, không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, lợi ích của cơ quan, tổ chức khi bị làm giả mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT, công bằng xã hội. Để ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả, bằng giả, chứng chỉ giả; các đơn vị tuyển dụng khi tiếp nhận các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ cần thẩm tra văn bằng, chứng chỉ, truy xuất nguồn gốc thông qua các cơ quan chức năng, lực lượng Công an hay bộ phận tổ chức hoặc các đơn vị đào tạo.

Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức đấu tranh với loại tội phạm này. Các đơn vị tuyển dụng cũng cần nâng cao trách nhiệm, có quy định cũng như cần xác minh chặt chẽ trong khâu tuyển lựa…

Hải Lan

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文