Nhiều chủ cửa hàng sập bẫy lừa từ biên lai chuyển khoản giả

08:33 11/04/2024

Thời gian qua, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến giao dịch, chuyển khoản, thanh toán tiền mua hàng hóa qua mạng Internet.

Tuy nhiên, vì sự chủ quan, mất cảnh giác và nhẹ dạ cả tin nên vẫn có nhiều người bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng, bị chiếm đoạt từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Mới đây, chị Nguyễn Thị H. (SN 1996, trú tại phường Tây Lộc, TP Huế), chủ một cửa hàng kinh doanh ổ khóa các loại đến Công an TP Huế trình báo sự việc bị một đối tượng gọi điện thoại đặt mua hàng, sau đó dùng thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền lớn của chị H.

Nhieuchucuahang-1712799207740.jpg
Chị Nguyễn Thị H. (ngồi giữa) bị kẻ gian lừa đảo, trình báo tại Công an TP Huế.

Theo trình báo của chị H, đối tượng này gọi điện và tự xưng là cán bộ của một cơ quan đóng trên địa bàn TP Huế và cho biết cần đặt mua 100 bộ khóa. Để lấy lòng tin của chị H, đối tượng cung cấp địa chỉ cụ thể của cơ quan và chuyển khoản đặt cọc trước cho chị H số tiền 1,5 triệu đồng. Do cửa hàng chị H không có loại khóa mà đối tượng cần mua nên đối tượng này nhờ chị H đặt mua một số sản phẩm và nói sẽ chuyển khoản trước cho chị H 100 triệu đồng để nhờ chị H mua hàng.

Đối tượng còn cung cấp cho chị H số điện thoại của người bán loại mặt hàng mà đối tượng yêu cầu. Ngay sau đó đối tượng chuyển cho chị H hình ảnh biên lai đã chuyển khoản thành công 100 triệu đồng. Lúc này, tài khoản ngân hàng chị H chưa nhận được tiền nhưng đối tượng liên tục gọi điện thoại thuyết phục với lý do "Việc chuyển tiền của ngân hàng vào ngày cuối tuần có thể bị chậm".

Do tin tưởng đối tượng đã chuyển thành công 100 triệu đồng nên chị H. gọi vào số điện thoại mà đối tượng cung cấp để mua hàng và đặt cọc 80 triệu đồng theo yêu cầu. "Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, tôi gọi điện đến các số điện thoại do các đối tượng cung cấp trước đó thì không còn liên lạc được nữa. Lúc này tôi mới nhận ra là mình đã bị lừa. Qua kiểm tra lại thì phát hiện biên lai chuyển tiền 100 triệu đồng của đối tượng là biên lai giả", chị H trình bày.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế cho biết, sau khi tiếp nhận vụ việc của chị H, đơn vị đã cắt cử cán bộ tiến hành điều tra để làm rõ. Qua điều tra xác định, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo chị H không mới và đã được cơ quan Công an tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các đối tượng thường nhắm đến là chủ các cửa hàng kinh doanh, chủ nhà hàng, đại lý vật liệu xây dựng… thường xuyên có hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, chuyển khoản thanh toán để thực hiện gọi điện đặt hàng, nhờ mua hàng. Sau đó các đối tượng này sử dụng hình ảnh biên lai chuyển tiền thanh toán thành công được làm giả gửi đến chủ cửa hàng để tạo lòng tin.

"Bằng thủ đoạn này, có nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị sập bẫy lừa đảo, mất số tiền lớn do tin tưởng vào các hình ảnh biên lai giao dịch chuyển khoản được làm giả tinh vi", Trung tá Lê Ngọc Minh cho biết thêm.

Cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã lừa đảo bà Trần T.T.H, chủ nhà hàng S.H. (đóng ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhiều triệu đồng thông qua việc đặt tiệc. Trước đó bà H nhận được cuộc gọi của một người lạ về việc đặt bàn tiệc khoảng 40 người, mỗi suất ăn 400 nghìn đồng, chưa kể nước uống với tổng giá trị bàn tiệc khoảng 16 triệu đồng.

Tiếp đó, người đặt tiệc nhờ bà H mua loại rượu có nhãn hiệu là Chateau Armaichal và Lé Bécases để phục vụ khách. Khi bà H thông báo nhà hàng và trên thị trường ở Huế không có 2 loại rượu trên thì vị khách này chuyển số điện thoại người cung cấp rượu để nhờ bà H đặt mua. Bà H chuyển hơn 4,3 triệu đồng tiền mua rượu và sau đó yêu cầu vị khách chuyển lại tiền mua rượu kèm tiền cọc bàn tiệc.

Lúc này đối tượng thông báo đã chuyển thành công cho bà H. số tiền 15 triệu đồng kèm hình ảnh biên lai chuyển tiền qua zalo. Do không biết hình ảnh biên lai giao dịch chuyển khoản được làm giả nên bà H vẫn cho nhân viên làm tiệc. Đến giờ hẹn không thấy khách đến, gọi điện thoại vào số của người đặt tiệc thì "thuê bao không liên lạc được", lúc này bà H mới hay mình trúng quả lừa và mất luôn số tiền đã chuyển tiền đặt mua rượu nên mới vội vàng trình báo đến cơ quan Công an.

Theo Công an TP Huế, trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao sử dụng hình ảnh biên lai giao dịch chuyển khoản được làm giả để lừa đảo các chủ cửa hàng, chủ nhà hàng được cơ quan Công an tiếp nhận điều tra. Do các biên lai chuyển khoản có giao diện rất khó phân biệt với đầy đủ thông tin và phông chữ như thật nên Công an TP Huế khuyến cáo người dân, chủ cửa hàng, doanh nghiệp cần cẩn trọng trong các giao dịch mua bán hàng hóa, chuyển khoản thanh toán.

Để tránh bẫy lừa đảo này, cơ quan Công an yêu cầu người dân cần nâng cao cảnh giác trước các đối tượng có đề nghị mua hàng hóa số lượng lớn. Khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng cho bất kỳ ai nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công.

Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email cho bất kỳ ai, kể cả khi đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp bị lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo nhằm được xử lý theo đúng quy định pháp luật.      

Anh Khoa

Ngày 17/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án; khởi tố 32 bị can về các hành vi “Mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc; Mua bán trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra tại tỉnh Tiền Giang và Long An do đối tượng Nguyễn Công Huân cầm đầu.

Chiều 18/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp lực lượng chức năng phát hiện hơn 11.000 hộp thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ việc cho thấy những thủ đoạn ngày càng tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm "thổi phồng" công dụng, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc tế Tài Lộc (viết tắt là Công ty Tài Lộc), Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng khu vực II (viết tắt là Chi cục Hải Quan II) và các đơn vị liên quan.

Như Báo CAND đã thông tin về tình trạng xung đột quyền lợi gay gắt giữa cư dân sinh sống tại các chung cư hạng sang và chủ sở hữu căn hộ chung cư tham gia ứng dụng Airbnb cho thuê căn hộ ngắn ngày để phục vụ người dân có nhu cầu. Trong khi Bộ Xây dựng khẳng định pháp luật không cấm hoạt động này, nhưng đỉnh điểm của tình trạng mâu thuẫn lợi ích tiếp tục diễn ra sau văn bản của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trả lời đơn vị quản lý, vận hành, khai thác chung cư Hà Đô trên đường 3/2 quận 10 vào ngày 1/4 vừa qua…

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Ngọc Linh và bị can Nguyễn Thành Ngôn (hai cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận) và 24 đồng phạm trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

Tự quảng cáo mình là kế toán, có kinh nghiệm làm kế toán thuế cho nhiều doanh nghiệp, chuyên giúp các cá nhân, doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế GTGT được hưởng lợi cao, tin vào lời “chém gió” của Nguyễn Thị Thu, nhiều bị hại đã chuyển tiền cho Thu để nhờ làm thủ tục hoàn thuế GTGT và bị chị ta chiếm đoạt.

Ngày 18/5, Công an TP Hà Nội cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết mưa gió, địa hình trơn trượt, dốc cao và sự phối hợp, hỗ trợ của người dân địa phương, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã kịp thời giải cứu nhóm 5 người mắc kẹt tại núi Hàm Lợn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.