Nhiều cựu lãnh đạo tỉnh hầu tòa trong vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn

10:30 24/06/2025

Sáng 24/6, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cùng 40 bị cáo khác trong vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và nhiều địa phương liên quan.

Giữ quyền chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trần Nam Hà. Thành phần Hội đồng xét xử còn có Thẩm phán Trương Thành Trung và ba hội thẩm nhân dân. Tám kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử.

60 luật sư tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong phần thủ tục phiên tòa, chủ tọa cho biết, bị cáo Nguyễn Doãn Khánh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) có đơn xin xét xử vắng mặt. Lý do bị cáo Khánh trình bày trong đơn là đang bị bệnh, phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Trước khi phiên tòa diễn ra, Hội đồng xét xử đã gửi giấy triệu tập đại diện nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan đến vụ án đến tham dự phiên tòa. Trong phần thủ tục, toàn bộ những thành phần được triệu tập đều có mặt.   

Nhiều cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch UBND tỉnh hầu tòa trong vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn  -0
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 24/6.

Trong số 41 bị cáo bị đưa ra xét xử thì 18 bị cáo được áp dụng biện pháp tại ngoại. Bị cáo duy nhất không mời luật sư bào chữa là Đặng Trung Hoành (cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long). Bị cáo Hoành bị xét xử về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) bị xét xử về các tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hậu bị cáo buộc đã thực hiện hành vi đưa hối lộ với tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng cho các cá nhân là cựu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ngành thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Quảng Ngãi.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc).

Vụ án xảy ra ở Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn có số lượng cựu Bí thư Tỉnh ủy bị truy tố nhiều nhất từ trước tới nay, trong đó 5 người ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ngãi. Ngoài ra, còn nhiều cựu Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy…

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, do đã “lo lót” nên Hậu chỉ đạo cấp dưới cấu kết các cá nhân liên quan để thực hiện hành vi gian lận hồ sơ năng lực trong đấu thầu, dùng “quân xanh”, “quân đỏ” để đảm bảo Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu hàng loạt dự án. Tuy nhiên sau đó, công ty của Hậu thường không thi công mà bán lại cho đơn vị khác để hưởng % chênh lệch dẫn tới thiệt hại của Nhà nước hơn 459 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và để có tiền sử dụng mục đích khác, Hậu yêu cầu nhân viên khai man, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán. Hành vi này gây thiệt hại của Nhà nước hơn 504 tỷ đồng tiền thuế.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu.

Trong vụ án, ngoài bị cáo Hậu, còn có 40 bị cáo khác cũng bị xét xử do liên quan các sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, trong đó có nhiều cựu Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ngãi.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và bị cáo Lê Viết Chữ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.  

Bị cáo Ngô Đức Vượng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) và bị cáo Nguyễn Doãn Khánh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, cáo trạng xác định, từ 2017 đến 2022, Lan được Nguyễn Văn Hậu đưa hối lộ ba lần với tổng số tiền là 25 tỷ đồng và 1 triệu USD.

Bị cáo Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc).

Lần 1 vào tháng 7/2017, Hậu đưa Lan 20 tỷ đồng để nhờ tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường, vốn đang trong diện bị thu hồi. Lan đồng ý và chỉ đạo các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc giúp đỡ, tạo điều kiện cho công ty của Hậu được phê duyệt làm chủ đầu tư và còn giảm số tiền sử dụng đất phải thu.

Lần 2 xảy ra ngày 19/3/2021, khi Lan “giơ một ngón tay”, Hậu đưa 1 triệu USD. Sau việc này, Lan giúp đỡ công ty của Hậu trong việc triển khai thực hiện Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường.

Lần 3 xảy ra vào đầu năm 2022, Hậu đưa Lan 5 tỷ đồng để xin thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Dự án Khu đô thị Vĩnh Tường, Dự án Tề Lỗ và Dự án Khu đô thị Kim Long. Lan đồng ý và chỉ đạo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp thông qua để giúp công ty của Hậu.

Hội đồng xét xử.

Tại Quảng Ngãi, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ bị cáo buộc 6 lần nhận tiền từ Hậu thông qua Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).

Theo đó, năm 2011, Hậu thông qua các mối quan hệ đã gặp bị cáo Cao Khoa và bị cáo Lê Viết Chữ, khi đó là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Hai người đã trao đổi, nói sẽ ủng hộ Hậu tới địa phương mình đầu tư.

Sau đó, trong một lần ra công tác Hà Nội, đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi do Cao Khoa dẫn đầu có tới thăm và ăn cơm tại nhà Hậu tại Vĩnh Phúc. Và qua đây, Hậu quen biết Đặng Văn Minh.

Thông qua những mối quan hệ với lãnh đạo Quảng Ngãi, công ty của Hậu trúng gói thầu số 12 Dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, trị giá 619 tỷ đồng.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa. 

Tuy nhiên sau đó, công ty của Hậu không thi công mà bán lại cho các đơn vị khác thực hiện rồi ăn tiền chênh lệch vật tư, tiền % khối lượng công trình để hưởng lợi bất hợp pháp 93,7 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận trước khi ký hợp đồng, Hậu chi cho Đặng Văn Minh 5% số tiền được nghiệm thu thanh, quyết toán để cảm ơn Minh và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi. Số tiền cụ thể là 22 tỷ đồng và 200.000 USD.

Trong số này, Đặng Văn Minh đưa lại cho Lê Viết Chữ 6 tỷ đồng. Cao Khoa cũng nhận trực tiếp từ Hậu một lần và nhận từ Minh 4 lần với tổng số tiền 20.000 USD và 6 tỷ đồng.

Tại tỉnh Phú Thọ, bị cáo Ngô Đức Vượng, với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thống nhất với Hậu về việc tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn tham gia các gói thầu tại Dự án Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Vượng biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn dù không đủ năng lực và kinh nghiệm nhưng vẫn giúp công ty này trúng thầu và thực hiện 3 gói thầu gồm: Bãi đỗ xe số 02, Đường trục hành lễ, Nhà làm việc, nhà đón tiếp thuộc Dự án Trung tâm lễ hội Đền Hùng giai đoạn 2, qua đó gây thiệt hại của Nhà nước hơn 33 tỷ đồng.

Vượng được Hậu chi tổng số tiền 500 triệu đồng vào dịp lễ, tết các năm 2009, 2010.

Đối với bị cáo Nguyễn Doãn Khánh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, sau đó là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Phú Thọ), bị cáo buộc đã thống nhất với Ngô Đức Vượng về chủ trương để Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn tham gia thi công, thực hiện các gói thầu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Khánh là người trực tiếp ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện chỉ định thầu các gói thầu dù không có căn cứ pháp luật, đồng thời chỉ đạo cán bộ cấp dưới tạo điều kiện để Tập đoàn Phúc Sơn được chỉ định trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 55 tỷ đồng. Qua đây, Khánh được Hậu chi 1,5 tỷ đồng vào các dịp lễ, tết các năm 2009, 2010, 2011, 2012...

Nguyễn Hưng

Phạm Đình Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) đã chỉ đạo anh trai và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lời hứa đổi đất của chính quyền địa phương không trở thành hiện thực, một hộ dân ở xã Triệu Sơn và ba hộ dân khác ở xã Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã xây tường rào ngăn cách, đòi lại đất của mình…

Ngày 15/7/2025 (giờ địa phương), tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu, Cảnh sát quốc gia Nam Sudan, khóa đào tạo “Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo mật và quản lý cơ sở dữ liệu trong thực thi pháp luật” do sĩ quan công an Việt Nam tổ chức dành cho cán bộ Trung tâm Cơ sở dữ liệu, cảnh sát quốc gia Nam Sudan đã bế mạc sau 1 tuần triển khai. Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng quốc khánh nước Cộng hoà Nam Sudan (9/7/2025).

Liên quan đến chủ trương di dời nhà trên và ven kênh, rạch của TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên từng nêu ra phương án: Để đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, trước hết là để cân đối nguồn vốn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội, thành phố đã chia thành 3 nhóm dự án. Trong đó 52 dự án di dời, chỉnh trang kênh, rạch, quy mô 13.827 căn; kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng được dự kiến chi từ ngân sách.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở phía Nam khi số ca mắc và tử vong tăng vọt, có tỉnh tăng tới hơn 340% so với cùng kỳ, nhiều trường hợp nhập viện biến chứng nặng phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương. Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết trên cả nước khi thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.

Sau khi chém vợ nhiều nhát bị người dân phát hiện và điện báo Công an, đối tượng đã khoá trái cửa nhà. Tiếp nhận tin báo, Công an phường Thành Vinh, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, dùng dụng cụ chuyên dụng phá khoá cửa sắt, một mặt khống chế đối tượng, thu giữ tang vật. Đồng thời nhanh chóng gọi xe cứu thương đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời...

Ngày  14 /7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Phạm Viết Công (SN 10/1/1957, quê quán, HKTT: thôn Cồn Soi, xã Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017. Các quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê chuẩn theo quy định.

Liên quan đến đường dây giết mổ, buôn bán lợn chết nhiễm bệnh, VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố đối với 5 đối tượng về tội "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm", trong đó có 2 chủ hàng thịt lợn ở chợ tạm Phùng Khoang, phường Đại Mỗ là Dư Đình Hợi và Nguyễn Viết Chiếm, Báo CAND đã có bài phản ánh về tình trạng đìu hiu tại chợ Phùng Khoang sau vụ thịt lợn bệnh, lợn chết được 2 đối tượng Hợi, Chiếm bán tại chợ tạm bị phanh phui. Đặc biệt, sau khi vụ việc gây chấn động này, tại chợ tạm Phùng Khoang cũng không còn bóng dáng quầy thịt lợn nào hoạt động.

Tối 14/7, tại Hội trường Bộ Công an, Hà Nội đã diễn ra Chương trình gặp mặt, biểu dương con CBCS đạt giải quốc gia, quốc tế, con thương binh, con liệt sĩ Công an, con đỡ đầu, con nuôi Công an đạt thành tích cao trong học tập năm học 2024-2025.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (15/7), khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa có nơi trên 25mm như: trạm Làng Mô (Lai Châu) 33,2mm; trạm Mường Thín (Điện Biên) 25,6mm; trạm Du Già (Tuyên Quang) 28,8mm…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.