Nhiều người vẫn "dính bẫy" lừa đảo, bị mất tiền tỷ

07:39 15/08/2024

Theo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mặc dù cơ quan Công an có nhiều cảnh báo nhưng gần đây nhiều người trên địa bàn tỉnh này vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt khoảng 7 tỷ đồng bằng nhiều hình thức…

Bà N.T.H.Y (SN 1979; HKTT: khu phố Bến Đình, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lên mạng xã hội Facebook và nói chuyện với một tài khoản tên "Kết nối yêu thương" với mục đích để kết bạn với nhiều người khác. Người chủ tài khoản trên tự xưng là Ngọc, người này tạo một chương trình Game show cho bà Y. tham gia và đề nghị bà Y. đóng phí 100 ngàn đồng. Tiếp đó Ngọc yêu cầu bà Y. nạp thêm 1 triệu đồng để quay lấy quà. Sau khi bà Y. nạp tiền thì quay trúng thưởng được phần quà 200 ngàn đồng.

Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng cho người dân.

Ngọc tiếp tục nói bà Y. nếu muốn chơi tiếp vào vòng trong thì phải đóng phí 20 triệu đồng và sẽ được một chuyến du lịch. Bà Y. nghe vậy đồng ý và chuyển khoản cho Ngọc vào số tài khoản 393569xxx tại một ngân hàng TMCP với số tiền 20 triệu đồng để tham gia.

Tuy nhiên, lúc này Ngọc nói bà Y. đã nhập sai nội dung và cú pháp nên yêu cầu bà Y. gửi thêm số tiền hơn 34,4 triệu đồng để được hoàn lại số tiền 20 triệu đồng. Sau khi nạp tiền, Ngọc vẫn yêu cầu bà Y. chuyển tiền tiếp thì mới có thể lấy tiền ra được… Ngày 26/7, bà Y. phát hiện mình bị lừa nên đến cơ quan Công an trình báo.

Bà Đ.T.K (SN 1985; HKTT phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ) tham gia nhóm Zalo tên "H28_Phát Triển Ngọn Nến Xanh", thông qua nhóm này bà K. có liên lạc với một tài khoản Zalo tên Đoàn Minh Thiện và Bùi Ngọc Hà.

Quá trình nói chuyện thì bà K. được tư vấn tham gia đầu tư chứng khoán. Ban đầu, bà K. có đầu tư và được lợi nhuận từ việc đầu tư này. Sau đó, bà K. đã chuyển số tiền tổng cộng hơn 1 tỷ đồng vào hai số tài khoản 9856108xxx và 000009334xx tại các ngân hàng TMCP…

Trường hợp bà N.T.T.H (SN 1982; HKTT thị xã Phú Mỹ) đã chủ động tham gia vào trang Facebook với nội dung "Bán hàng trên nền thương mại điện tử Alibaba" và được mời tham gia vào ứng dụng Telegram. Lúc này người dùng ứng dụng có tên "Phạm Bá Hiệp" giới thiệu là chuyên viên của sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba. Đối tượng hướng dẫn bà H. tải ứng dụng Alibaba và nạp tiền thanh toán tiền gốc của sản phẩm trước, sau đó từ 3-5 ngày sẽ nhận được tiền gốc và tiền lãi. Khi bà H. nạp tiền và được lợi nhuận từ việc này.

Ngày 14/7, sau khi bà H. nạp tiếp tiền vào App Alibaba khoảng gần 5 tỷ đồng nhưng không rút tiền ra được nên bà H. đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của ứng dụng nhưng không được giải quyết và đồng thời còn yêu cầu bà H. nạp thêm tiền với nhiều lý do.

Tương tự, ông L.X.B (SN 1970; HKTT huyện Long Điền) truy cập mạng xã hội Facebook thì được một tài khoản tên "Thùy Linh" làm quen và hướng dẫn ông B. kiếm tiền bằng việc thực hiện nhiệm vụ mở cửa hàng trên Công ty Ebay và bán hàng online để kiếm lời.

Chẳng mảy may nghi ngờ, ông B. đã tham gia thực hiện các giao dịch bán hàng online như các đối tượng quảng cáo, hướng dẫn. Các đối tượng tạo lập cho ông B. ví điện tử Ebay để chuyển tiền lời mà ông kiếm được từ việc bán hàng.

Ban đầu, ông B. chuyển số tiền hơn 1,2 triệu đồng vào ví và nhận được tiền lời, số tiền thể hiện trên ví điện tử Ebay. Tuy nhiên, sau đó trong khoảng thời gian từ ngày 6/7 đến ngày 29/7, ông B. nhiều lần chuyển tiền vào ví điện tử Ebay theo yêu cầu của các đối tượng với tổng số tiền hơn 850 triệu đồng nhưng các đối tượng vẫn yêu cầu nộp thêm tiền thì mới có thể rút số tiền đã đóng trước đó…

Trước đó, chị T.T.T.H (SN 2003, HKTT huyện Long Điền) cũng đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt số tiền hơn 30 triệu đồng. Ban đầu, chị T.T.T.H bị các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 5 triệu đồng với hình thức giả danh người thân nhắn tin mượn tiền qua tài khoản mạng xã hội Facebook. Sau đó, một tài khoản Facebook "LS H.Q" kết bạn Facebook với chị H. Người này này tự xưng là luật sư và hướng dẫn chị H. lấy lại số tiền 5 triệu đồng đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trước đó. Đối tượng "LS H.Q" mời chị H. vào một nhóm trên ứng dụng Telegram để thực hiện các nhiệm vụ, nhóm này do một đối tượng sử dụng tài khoản "Tài vụ L.N" hướng dẫn.

"Tài vụ L.N" yêu cầu chị H. thực hiện các lệnh tương ứng với những số tiền mà bên đó đưa ra thì mới giải ngân được số tiền 5 triệu đồng mà chị H. bị mất ban đầu. Vì tin tưởng nên chị H. đã thực hiện các nhiệm vụ và chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng vào các tài khoản ngân hàng với tổng số tiền hơn 31 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền thì chị H. vẫn không rút ra được…

Theo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Cơ quan Công an đã điều tra khám phá 15/19 vụ. Thực tế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động có tính chuyên nghiệp, xuyên quốc gia, có kịch bản sẵn, tấn công vào mọi thành phần, lứa tuổi, kể cả cán bộ đang công tác trong các cơ quan nhà nước, người có kiến thức, trình độ, hiểu biết về tài chính; với nhiều cách thức khác nhau như chuyển tiền trực tuyến qua ứng dụng của hệ thống ngân hàng, thu thập thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản…

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm tới công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Một số người thích việc nhẹ lương cao nên dễ rơi vào bẫy lừa đảo, dụ dỗ của đối tượng; một số người kém hiểu biết vì tiền mà mua bán tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân, đứng tên sim điện thoại tiếp tay cho hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng…

Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường công tác phối hợp giữa Công an với các cơ quan có liên quan như: các tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ viễn thông đặc biệt là thực hiện định danh các tài khoản ngân hàng, các số điện thoại (gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) để hạn chế các đối tượng sử dụng tài khoản không chính chủ, sim rác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, có quy chế phối hợp nhanh, hiệu quả để điều tra, phát hiện đối tượng phạm tội để ngăn chặn việc nhận, chuyển tiền và xử lý triệt để tội phạm.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ tổ chức nắm chắc tình hình an ninh, trật tự trên không gian mạng, chủ động xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội…

Phú Lữ

Tối 30/12, tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), Huyện uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gò Công Đông tổ chức chương trình văn nghệ và tặng quà "Tết vì người nghèo" - Xuân Ất Tỵ 2025. Chương trình văn nghệ và các phần quà do Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng (tỉnh Bắc Ninh) tài trợ.

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương với lực lượng vũ trang năm 2024. 

Liên quan đến nội dung của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, trao đổi với PV Báo CAND ngày 30/12, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT đã giải thích các quy định liên quan đến điểm và trừ điểm GPLX.

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Thanh tra Bộ Công an.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文