Những ai đã cảnh báo nhằm ngăn chặn hậu quả đại án Vạn Thịnh Phát?

14:21 06/03/2024

Có hàng loạt cán bộ ngân hàng, thanh tra, kiểm toán “dính chàm” và bị truy tố trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, cũng có những người liên quan nhưng được Cơ quan điều tra, VKSND tối cao không đưa vào diện phải xem xét trách nhiệm hình sự...

Cáo trạng được VKS công bố vào buổi chiều ngày xét xử thứ 2 vụ án Vạn Thịnh Phát thể hiện, nhóm 7 thành viên của Đoàn thanh tra ngân hàng Nhà nước đã tham gia thanh tra ngân hàng SCB gồm: Phạm Quốc Thịnh, Chuyên viên Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (TTGSNH); Phạm Hồng Linh, Thanh tra viên Cơ quan TTGSNH; Nguyễn Lan Hương, Thanh tra viên Cơ quan TTGSNH; Lại Văn Bách, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII; Bùi Vũ Hồng Trang, Phó Trưởng Phòng giám sát lĩnh vực ngân hàng, Ban giám sát tổng hợp (Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia); Phạm Thị Thùy Linh, Chuyên viên Phòng giám sát lĩnh vực ngân hàng, Ban giám sát tổng hợp (Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia); Nguyễn Hà Linh, Thanh tra viên Vụ II, Thanh tra Chính Phủ.

Đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng trong phiên xét xử ngày thứ 2

Những người này đã có sai phạm trong quá trình thanh tra và nhận tiền từ Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, quá trình tham gia đoàn thanh tra, họ chỉ tham gia một phần việc do Tổ trưởng giao. Các báo cáo gửi Tổ trưởng và Trưởng đoàn đã phản ánh nội dung, kết quả thanh tra. Khi ký biên bản họp Đoàn chỉ được tham gia ý kiến đối với phần việc được tham gia. Một số nội dung thanh tra đã bị Tổ tổng hợp do Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh biên tập, cắt gọt, chỉnh sửa theo chỉ đạo của Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử ngày 6/3

Xét tính chất, mức độ phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra; quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, những người này đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ SCB (từ trước khi khởi tố vụ án), hợp tác tích cực giúp Cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án; quá trình công tác có nhiều thành tích được Cơ quan chủ quản khen thưởng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 7 cá nhân này mà đề nghị xử lý về Đảng và chính quyền là phù hợp.

Các cá nhân liên quan đến việc đưa hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn là Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, người trực tiếp đưa tiền cho Nhàn theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, tố giác hành vi của Nhàn (từ trước khi khởi tố vụ án), hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án. Căn cứ quy định của pháp luật, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Võ Tấn Hoàng Văn về tội “Đưa hối lộ”.

Các bị cáo nghe VKS công bố bản cáo trạng luận tội

Nguyễn Nam Tuấn (lái xe cho Võ Tấn Hoàng Văn) là người trực tiếp nhận các thùng xốp từ SCB và đi cùng với Võ Tấn Hoàng Văn đến nhà riêng đưa cho Đỗ Thị Nhàn nhưng không biết các thùng này đựng tiền và không biết nội dung thỏa thuận, làm việc giữa Văn và Nhàn, nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của Nguyễn Nam Tuấn.

Riêng ông Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB, có hành vi đưa tiền cho Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra phụ trách cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, ngân hàng Nhà nước nhưng đã bỏ trốn, xuất cảnh đi nước ngoài từ ngày 15/11/2020, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra còn có nhóm 11 cá nhân là thành viên Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022 (Ngân hàng Nhà nước) gồm: Trần Thị Hứng; Trần Thị Tuyết Mai; Phạm Công Hòa; Trần Thế Quỳnh; Nguyễn Thị Tâm Thương; Đoàn Phương Thảo; Phạm Thế Khải; Hoàng Minh Thắng; Lê Thị Thanh Nhàn; Nguyễn Hạnh Linh và Ngô Trần Kiến Quốc.

Phiên tòa truyền hình trực tuyến về Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh

Quá trình thực hiện công tác giám sát SCB từ năm 2016 đến tháng 9/2022, các thành viên Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra, thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được cấp trên là Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung và Nguyễn Tín chấp thuận.

Trong thời gian tham gia công tác giám sát, 10/11 thành viên Tổ giám sát được Ngân hàng SCB đưa quà vào các dịp lễ, tết với giá trị không lớn và đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra; đã chủ động khai báo rõ sai phạm trong công tác giám sát đối với Ngân hàng SCB, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này mà kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.

Ngọc Thiện - Văn Hào - Đức Mừng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文