Nữ bị án trong vụ “Chuyến bay giải cứu” lại bị truy tố vì chiếm đoạt tài sản
Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.
Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phạm Bích Hằng (SN 1969, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Vinamichi về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trước khi gây ra vụ án này, ngày 28/7/2023, Hằng đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 20 tháng tù về tội “Đưa hối lộ” trong vụ “Chuyến bay giải cứu”.
Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng cho bị án Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần Thái Hòa) để Trần Minh Tuấn xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” giúp Hằng. Sau đó, Hằng bị Tuấn chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng.
Năm 1999, Hằng cũng đã bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bị truy tố lần này, Viện KSND TP Hà Nội xác định, năm 2009, Hằng thành lập Công ty cổ phần Vinamichi đứng danh là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty. Công ty này kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh doanh thuê xe ô tô dài hạn của nhiều người, sau đó cho người khác thuê lại để hưởng chênh lệch.
Từ tháng 5/2022 đến tháng 6/2022, do cần tiền chi tiêu cá nhân nên Hằng đã bán những chiếc xe thuê cho người khác. Đến khi hết thời hạn thuê xe, Hằng không lấy lại xe ô tô để trả cho chủ xe mà tự ý bán 4 xe ô tô đi thuê của người khác với tổng giá trị 1,8 tỷ đồng.
Theo đó, tháng 6/2022, chị Lê Thị N (ở Hà Nội) có chiếc xe Toyota Camry không sử dụng đến và cho Hằng thuê với giá 20 triệu đồng một tháng. Sau khi ký hợp đồng, chị N giao xe và giấy tờ xe cho Hằng.
Khoảng một tháng sau, do cần tiền chi tiêu nên Hằng đã tìm cách bán chiếc xe của chị N với giá 520 triệu đồng. Hai bên lập hợp đồng mua bán, phía người mua trả trước 350 triệu đồng và hẹn sau 15 ngày Hằng có trách nhiệm rút hồ sơ gốc, làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Hết hạn 15 ngày, không thấy Hằng làm thủ tục sang tên nên người mua liên hệ trả xe. Ngày 16/11/2022, người mua mang xe đến một quán cà phê ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để trả xe và nhận lại tiền. Ngay trong ngày, chiếc xe được bên môi giới bán cho người mua mới với giá 390 triệu đồng.
Hết thời hạn cho thuê xe, chị N liên hệ với Hằng để nhận lại xe nhưng không được. Do đó, chị N đã gửi đơn tới cơ quan công an tố cáo Hằng. Đến nay, người đang sử dụng chiếc xe này đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan điều tra.
Cũng với thủ đoạn trên, Hằng đã thuê chiếc xe Kia Sedona của chị Lê Thị Phương T (ở Hà Nội) từ năm 2019 với giá thuê 1,5 triệu đồng một ngày, 3 ngày thanh toán tiền thuê một lần. Sau khi nhận xe, Hằng cho một người khác thuê lại và yêu cầu họ đặt cọc 350 triệu đồng.
Tháng 9/2022, người thuê chiếc xe này từ Hằng mang trả xe và lấy lại tiền đặt cọc. Do không có tiền trả nên Hằng nảy sinh ý định bán xe cho người khác để lấy tiền trả tiền cọc.
Qua mối quan hệ xã hội, Hằng bán xe ô tô cho một người chuyên mua xe cũ với giá 620 triệu đồng và nhận trước 500 triệu đồng, sau khi làm thủ tục sang tên đổi chủ mới thanh toán nốt.
Tháng 10/2022, chị T không thấy Hằng trả tiền thuê xe như thỏa thuận nên liên lạc nhưng không được. Vì thế, chị T làm đơn gửi cơ quan công an tố cáo Hằng.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND quận Bắc Từ Liêm xác định, tổng giá trị 4 chiếc xe Hằng thuê rồi chiếm đoạt là hơn 1,8 tỷ đồng.