Phá đường dây sản xuất, buôn bán nước giặt, nước rửa bát giả nhãn hiệu Thái Lan

17:10 02/05/2024

Sau một thời gian điều tra, xác minh, làm rõ, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan.

Theo đó, 10 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” gồm: Trần Văn Sơn (SN 1999), Trần Văn Tỉnh (SN 1997), Trần Văn Thà (SN 1975), đều ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh; Lê Văn Sơn (SN 1993), Nguyễn Quốc Dung (SN 2001), đều trú ở xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn; Lê Sỹ Thái (SN 1976),  trú tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn; Lê Gia Xuân (SN 2000), Nguyễn Văn Chiến (SN 2001), đều ở huyện Triệu Sơn; Phạm Thị Thu Hương (SN 1991), ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh và Lê Bá Minh (SN 1984), ở xã Hà Hải, huyện Hà Trung.

Đối tượng cầm đầu Trần Văn Sơn và số nước giặt, nước rửa bát giả.

Theo kết quả điều tra, xác minh, Trần Văn Sơn là đối tượng cầm đầu đường đây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan. Lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng chuộng dùng hàng ngoại là hàng Thái Lan, Trần Văn Sơn đã rủ các đối tượng còn lại thuê nhà xưởng, thành lập công ty để sản xuất hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan để tung ra thị trường tiêu thụ.

Để sản xuất hàng giả, vào khoảng cuối tháng 2/2022, Trần Văn Sơn đã thuê nhà xưởng ở địa chỉ Lô số 5, khu công nghiệp Đình Hương Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, sau đó đặt mua các loại máy móc, thiết bị như: Bồn chứa, phi nhựa, máy bơm, mô tơ điện, thiết bị trộn…với mục đích sản xuất hàng Thái Lan giả là nước giặt nhãn hiệu “D-nee”, “Fineline”, “Hi Class”, nước rửa bát đĩa nhãn hiệu “Lipon” (thường gọi tiếng Việt là Talau), nước tẩy nhãn hiệu “Okay”.

Thời gian đầu, Trần Văn Sơn cùng với anh họ của mình là Trần Văn Tỉnh, Nguyễn Văn Chiến và một số người khác do Sơn thuê để lắp ráp các loại máy móc, thiết bị hoàn chỉnh mô hình sản xuất. Đến khoảng tháng 4/2022, sau khi hoàn thiện mô hình sản xuất, Trần Văn Sơn bắt đầu đặt mua các loại hóa chất, hương liệu, các loại phụ gia, can, chai nhựa, tem, nhãn mác, thùng bìa cát tông,...để thử nghiệm làm nước tẩy, nước giặt, nước rửa bát đĩa.

Sau khi thử nghiệm thành công, Sơn cùng đồng bọn bắt đầu tiến hành việc sản xuất các sản phẩm nước giặt nhãn hiệu “D-nee”, “Fineline”, “Hi Class”, nước rửa bát đĩa nhãn hiệu “LIPON”, nước tẩy “OKAY” giả của Thái Lan để bán cho khách hàng.

Đến khoảng tháng 6/2022, Trần Văn Sơn rủ Lê Văn Sơn cùng điều hành hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả tại nhà xưởng nêu trên. Để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, hai đối tượng này đã thuê nhiều người khác nhau như: pha chế hóa chất, ghi sổ sách giấy tờ, dán tem nhãn, đóng thùng hàng, sang chiết hóa chất, vận chuyển hàng giả cho khách, vận chuyển nguyên vật liệu về xưởng để sản xuất hàng giả…

Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ tại xưởng sản xuất và các đại lý tiêu thụ của Trần Văn Sơn trên 10 nghìn can, chai nước giặt, nước rửa bát giả các loại; hơn 1 tấn tem, nhãn, vỏ; hơn 10 bộ máy đóng gói; gần 1 tấn hóa chất để sản xuất hàng giả.

Tại cơ quan Công an, 10 đối tượng nói trên đã thừa nhận hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan rồi bán ra thị trường với giá rẻ và thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng.

Qua vụ việc này, cơ quan Công an khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm nước giặt, nước rửa bát cần lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu và mua tại các địa điểm tin cậy. Khi sử dụng, nếu phát hiện nước giặt, nước rửa bát có mùi và có màu sắc khác biệt cần nhanh chóng loại bỏ, không tiếc của mà sử dụng tiếp vì nước giặt này có thể gây hại tới sức khỏe.

Thái Thanh

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文