Phòng ngừa trộm cổ vật tại các nhà thờ, đình làng
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, hiện nhiều đình làng, nhà thờ dòng họ ở các địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế đang lưu giữ những tài liệu, hiện vật như sắc phong, chuông đồng, đồ tự khí, tam bảo vô cùng quý giá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do công tác quản lý, bảo vệ lỏng lẻo nên đã xảy ra không ít vụ mất trộm những cổ vật này.
Đình làng Dạ Lê (ở phường Thủy Vân, TP Huế) được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), là công trình kiến trúc cổ kính. Khuôn viên đình rộng hơn 2.000m2 với tòa đại đình được xây dựng theo kiểu nhà rường ba gian, hai chái. Trên các nghi môn, liên ba của đình chạm khắc các họa tiết đặc trưng nghệ thuật triều Nguyễn. Ngôi đình này là di tích tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc truyền thống, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm 2001, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) có quyết định công nhận đình Dạ Lê là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.
Ông Lê Đình Hợi, người quản lý, trông coi đình Dạ Lê cho biết, trải qua gần 200 năm tồn tại, hiện đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, trong đó có các câu đối và những bức hoành phi. Chính về thế, đình làng luôn bị các đối tượng trộm cắp "nhắm" đến. Theo ông Hợi, mới đây, vào khoảng 19h ngày 24/11, kẻ gian đột nhập vào đình làng bẻ khóa trộm 16 bức liễn gỗ quý giá. "Sau khi đến quét dọn đình, phát hiện đình bị mất trộm tài sản nên tôi đã trình báo sự việc đến Công an phường Thủy Vân với hy vọng cơ quan Công an sớm bắt được kẻ gian để tìm lại được tài sản quý cho làng", ông Hợi bày tỏ.
Trước đó, vào tối 12/11, nhà thờ họ Trần (ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, TP Huế) cũng bị kẻ gian lẻn vào lấy trộm 2 tủ thờ, 2 bàn kinh. Chiều 17/11, nhà thờ họ Huỳnh ở thôn Mậu Tài cũng bị mất trộm 2 bức liễn, 1 hộp đựng gia phả, 1 bức hoành. Ông Trần Khoái (62 tuổi), người quản lý nhà thờ họ Trần cho biết, dù khuôn viên nhà thờ được xây dựng tường rào, cổng và cửa đều được cài khóa cẩn thận nhưng kẻ trộm đã dùng dụng cụ bẻ khóa để lấy trộm các tài sản giá trị khiến con cháu trong dòng họ rất bức xúc.
Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế cho biết, trước sự việc liên tiếp các đình làng, nhà thờ dòng họ trên địa bàn xảy ra nhiều vụ mất trộm tài sản quý khiến người dân lo lắng, đơn vị đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ huy Công an TP Huế xác lập chuyên án để đấu tranh. Chỉ sau thời gian ngắn vào cuộc điều tra, xác minh, các trinh sát Đội CSHS phát hiện đối tượng Trần Đại Tường Nguyên (35 tuổi, trú thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, TP Huế) có thời gian bất minh, thường lai vãng đến các nhà thờ, đình làng nên tiến hành theo dõi và bắt giữ.
Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, Nguyên là đối tượng có 2 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản" và "Cướp tài sản", vừa mới thi hành xong án tù giam trở về địa phương. Lợi dụng ban đêm, Nguyên sử dụng xe mô tô BKS 75H1-088.80 đi từ nhà đến các nhà thờ, đình làng rồi đột nhập vào bên trong, sau đó phá khóa và mang tài sản trộm cắp đi tiêu thụ. Trong đó, vụ trộm 16 bức liễn gỗ quý tại đình Dạ Lê, Nguyên bán lấy 16 triệu đồng; số tài sản 2 tủ thờ, 2 bàn kinh trộm được tại nhà thờ họ Trần thôn Mậu Tài, Nguyên bán lấy 10 triệu đồng; riêng số tài sản trộm được ở nhà thờ họ Huỳnh, Nguyên bán được 7,5 triệu đồng. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyên về hành vi "Trộm cắp tài sản" để điều tra mở rộng vụ án; đồng thời thu giữ toàn bộ tang vật các vụ trộm do Nguyên gây ra để trao trả cho các nhà thờ, đình làng.
Trung tá Lê Ngọc Minh còn cho biết, ngoài các vụ việc nói trên, trước đây trên địa bàn TP Huế và các địa phương lân cận cũng xảy ra các vụ mất trộm tài sản tại các đình làng, nhà thờ dòng họ, cổ tự. Ví như cuối năm 2019, đình làng Xuân Hòa (phường Hương Long, TP Huế) bị mất trộm 10 bức liễn quý bằng gỗ được treo trong đình. Đình làng Hiền Sỹ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) bị kẻ trộm lấy 2 cổ vật quý giá gồm một lục bình và một ché cổ từ thời vua Tự Đức. Tháng 2/2020, kẻ gian đột nhập vào phủ thờ Quốc Uy Công tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy lấy cắp chiếc chuông cổ (đại hồng chung) được đúc vào thời vua Tự Đức năm 1877 và sau đó được Công an thị xã Hương Thủy điều tra làm rõ, thu hồi chuông cổ trao trả cho phủ thờ…
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, lợi dụng thời điểm cuối năm, các đình làng, nhà thờ không có người trông giữ nên các đối tượng trộm cắp thường đột nhập lấy trộm tài sản mang đi tiêu thụ. Vì thế, ngoài công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân chú trọng hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ những tài sản quý giá được lưu giữ tại các nhà thờ, đình làng, Công an tỉnh còn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp vào dịp cuối năm để bảo đảm ANTT địa bàn.