Siêu lợi nhuận khiến cát tặc… khó trị

07:45 12/08/2023

Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép hiện được đánh giá là siêu lợi nhuận, kinh phí đầu tư không nhiều, vì vậy các đối tượng khai thác cát trái phép dùng mọi thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng.

Việc khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp

Vào lúc 23h ngày 30/7/2023, Trạm Cảnh sát đường thủy Long Hưng, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một ghe gỗ số hiệu LA-065.28 do ông Võ Thành Vinh (SN 1990) quê tỉnh Tiền Giang vận chuyển khoảng 28m3 cát trong khoang thuyền. Ông Vinh không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát đang vận chuyển.

Trước đó, rạng sáng 28/7/2023, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã phát hiện phương tiện ghe vỏ gỗ số hiệu TG 13822 (chưa rõ công suất, trọng tải) do ông Võ Hoàng Nhanh (SN 1974, quê tỉnh Tiền Giang) điều khiển vận chuyển khoảng 30m3 cát tại km 13, tuyến sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch. Ông Nhanh cũng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát, không xuất trình được giấy tờ chứng nhận phương tiện, chứng nhận chuyên môn điều khiển phương tiện…

Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang các đối tượng khai thác cát trái phép.

Đồng Nai và các tỉnh lân cận đang trong giai đoạn phát triển mạnh về hạ tầng giao thông, đô thị và công nghiệp, trong đó có các dự án rất lớn như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4... Từ đó, phát sinh nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về cát, sỏi, đá xây dựng, đất san lấp.

Sông Đồng Nai với đoạn chính chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 85km và sông La Ngà, một trong những phụ lưu quan trọng của sông Đồng Nai, ngoài việc thuận lợi cho lưu thông phương tiện thủy nội địa, còn mang lại một lượng tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn là cát chất lượng rất tốt.

Tuy nhiên, quá trình khai thác cát một cách ồ ạt đã nảy sinh nhiều hệ lụy, gây suy thoái môi trường sống, mất ổn định về an ninh trật tự. Thủ đoạn khai thác lậu tinh vi, hoạt động vào ban đêm, bố trí cảnh giới để né tránh tuần tra, rút “lù”, đánh chìm ghe bơm hút cát khi bị phát hiện…

Giai đoạn 2019-2022, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện, xử lý tổng số 590 vụ/638 cá nhân, 12 tổ chức vi phạm pháp luật về các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoảng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính trên 5,5 tỷ đồng, buộc nộp lại số tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu trên 10,7 tỷ đồng; tịch thu 76 ghe gỗ gắn thiết bị bơm hút và số lượng lớn tang vật vi phạm.

Tại TP Hồ Chí Minh, lúc 2h20 ngày 21/5/2023, Tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Cần Giờ phát hiện phương tiện vỏ sắt, mang số HD 9988, đang hành trình hướng từ biển vào TP Hồ Chí Minh, nên yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Vũ Tuấn Chung (sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) là thuyền trưởng, đã không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc về số cát  khoảng 100 m3 có trên phương tiện.

Trước đó, vào lúc 1h sáng 20/5/2023, Tổ công tác Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhà Rồng tuần tra phát hiện một số phương tiện đang hút cát trái phép dưới sông Đồng Nai, khu vực giáp ranh giữa xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và phường Long Trường, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Các đối tượng trên ghe tải đã tháo chạy theo nhiều hướng vào các rạch không tên của tỉnh Đồng Nai trốn thoát. Truy đuổi, Tổ tuần tra đã bắt giữ một ghe tải LA 01618, công suất 15CV, tải trọng 10 tấn, do Lê Văn Phượng (sinh năm 1981, ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển, trên ghe tải có 2m3 cát sông nước ngọt. Ông Phượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số cát có trên ghe…

Thủ đoạn rất manh động và tinh vi

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho biết từ năm 2019 đến 9 tháng năm 2022 đã bắt và xử lý hơn 300 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 6 tỷ đồng, tịch thu hơn 200 phương tiện và khoảng 40.000 m3 cát.

Tại Tiền Giang, ông Giang Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay (tháng 7/2023), lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức hơn 600 cuộc kiểm tra, phát hiện và xử lý 208 vụ/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ, phạt gần 18 tỷ đồng, tịch thu 12 phương tiện, hàng ngàn mét khối cát san lấp. Trong đó, số vụ xử lý trên biển Cần Giờ và vùng giáp ranh biển Cần Giờ là 62 vụ/42 đối tượng với tổng số tiền xử phạt gần 1,6 tỷ đồng.

Giai đoạn 2019 - 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra xử phạt 54 trường hợp vận chuyển, mua bán khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, tịch thu 23.887 m3 cát nhiễm mặn, xử phạt hành chính hơn 900 triệu đồng…

Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng thường khai thác cát từ 21h hôm trước đến 4h hôm sau, chọn những vùng biển xa bờ 6-10 hải lý, giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang, Bến Tre nên rất khó truy bắt…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, việc thiếu, chậm đầu tư các hệ thống giám sát tự động (AIS) đã hạn chế khả năng phát hiện sớm các hoạt động khai thác cát trái phép trên biển...

Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục rà soát những quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tế để tham mưu thành phố kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật.

Đồng thời, Công an các đơn vị cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế, Sở TN&MT thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và việc kê khai nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp liên quan đến việc cung cấp cát san lấp, cát xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng, bến bãi kinh doanh cát trên địa bàn thành phố... Đó là những biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép.

Phú Lữ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã làm rõ sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) trong việc: Khai thác quặng titan vượt nhiều lần trữ lượng, công suất theo Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp; Khai thác, xuất bán quặng titan nguyên khai không qua chế biến, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.

Như Báo CAND đưa tin, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá băng nhóm tội phạm do đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cầm đầu. 16 đối tượng trong băng nhóm phạm tội gì, hoạt động phạm tội cụ thể của băng nhóm này như thế nào, chúng tôi tiếp tục thông tin cùng bạn đọc...

Liên quan đến vụ việc một nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngày 7/11, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng 141 và công tác phòng, chống tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe gây rối trật tự công cộng. Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP, chủ trì hội thảo.

Ngày 7/11, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm có kháng cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo thuộc đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, bị cáo Nguyễn Cao Trí và bị hại…

Đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, là đối tượng giang hồ cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, từng cầm đầu băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm trước đây. Bình có bản tính lỳ lợm, côn đồ, sử dụng vũ khí quân dụng gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước.

Nhắc lại vụ Công ty Pharos của FLC nâng vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ trong 3 năm 2014-2016; vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần "phù phép" tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu để tránh "sự đánh tráo" với các nhà đầu tư.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文