“Siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân, bồi thường hơn 433 tỷ đồng

14:42 24/03/2023

Ngày 24/3, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Về dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo bồi thường 47,5 tỷ đồng cho NCB, 49,4 tỷ đồng cho PVComBank và gần 273 tỷ đồng cho VAB. Ngoài ra, phải trả tiền cho một số cá nhân mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Sau nhiều ngày nghị án, sáng 24/3, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)và 25 bị cáo liên quan trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVCombank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB).

Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành có hành vi chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của ba ngân hàng và nhiều cá nhân.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (áo trắng, hàng trên) và các bị cáo khác nghe tuyên án ngày 24/3.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Hội đồng xét xử tuyên phạt: Nguyễn Thị Hà Thành tù chung thân; Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) và  Nguyễn Thị Thu Hương (cựu Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô - VAB) cùng 18 năm tù.

Bị cáo Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô - VAB) 17 năm tù; bị cáo Nguyễn Mai Phương (cựu Kiểm soát viên Phòng Giao dịch Đông Đô VAB) 14 năm tù; bị cáo Trịnh Trung Kiên (Giám đốc công ty xây dựng) 5 năm 6 tháng tù và bị cáo Nguyễn Thanh Bình (kế toán công ty xây dựng) 6 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”, Hội đồng xét xử tuyên phạt:

Trần Thị Hoa (Giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội) 5 năm tù; Đặng Thị Thu Hoà (nhân viên NCB) 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Phạm Thị Ngọc Lan (nhân viên NCB) 24 tháng tù, cho hưởng án treo và Đỗ Minh Đức (kiểm soát viên VAB) 6 năm tù.

Bùi Văn Tuấn (nhân viên PVComBank) 5 năm tù; Nguyễn Thị Hồng Nhung (giao dịch viên VAB) 36 tháng tù, cho hưởng án treo; Trịnh Phương Ngân (giao dịch viên VAB) 36 tháng tù, cho hưởng án treo;

Phạm Thu Hiền (giao dịch viên VAB) 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Lê Thị Hiên (giao dịch viên VAB) 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Thị Liên (thủ quỹ VAB) 30 tháng tù, cho hưởng án treo và Bùi Thị Na (thủ quỹ VAB) 30 tháng tù, cho hưởng án treo.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, Hội đồng xét xử tuyên phạt: Triệu Đình Hoan (Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Linh) 30 tháng tù; Nguyễn Thị Là (nhân viên Công ty Hải Linh) và Triệu Thị Hạnh (nhân viên Công ty Hải Linh) cùng 18 tháng tù; Phạm Thế Tuấn (giao dịch viên NCB) 12 tháng tù; Nguyễn Thị Hồng Hạnh (lao động tự do) 12 tháng cải tạo không giam giữ và Nguyễn Giang Hoà (lao động tự do) 15 tháng tù, cho hưởng án treo.

Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Phòng giao dịch Đông Đô, VAB) 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”. Tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB) 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”, 1 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Tổng hợp hình phạt là 6 năm tù.

Hội đồng xét xử khẳng định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm vào quy định hoạt động của ngân hàng, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Hà Thành do kinh doanh thua lỗ đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.

Thành còn câu kết với 17 cựu cán bộ ngân hàng để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các “đại gia”, hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, Nguyễn Thị Hà Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.

Các cựu cán bộ ngân hàng là bị cáo trong vụ án này bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo, chưa qua thẩm định... , qua đó giúp Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác. Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, PVComBank 49,4 tỷ đồng, VAB hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Hà Thành còn vay nặng lãi một số người. Những người liên quan cũng bị phạt tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Về dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành bồi thường 47,5 tỷ đồng cho NCB, 49,4 tỷ đồng cho PVComBank và gần 273 tỷ đồng cho VAB. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành còn bị tuyên phải trả tiền cho một số cá nhân mà bị cáo đã chiếm đoạt. Những những người gửi tiền tại ngân hàng được Hội đồng xét xử yêu cầu ngân hàng không phong tỏa tiền gốc và lãi.

Đối với tổng số tiền 122 tỷ đồng mà ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án) gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng nhưng bị Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt, Hội đồng xét xử tuyên tạm giao cho ba ngân hàng quản lý cho đến khi cơ quan thi hành án giải quyết xong. Biện pháp này cũng được Hội đồng xét xử yêu cầu đối với những người đồng sở hữu khác.

Hội đồng xét xử tuyên giành quyền khởi kiện dân sự trong một vụ án khác cho ông Đặng Nghĩa Toàn và một số người liên quan đến số tiền bị Nguyễn Thị Hà Hà Thành chiếm đoạt.

Nguyễn Hưng

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文