TAND TP Hồ Chí Minh sẵn sàng cho phiên xử “đại án” Vạn Thịnh Phát

18:07 04/03/2024

Theo ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TP Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thinh Phát đã hoàn tất. Các luật sư, nhà báo, phóng viên tham gia phiên xử sẽ được tòa án bố trí máy tính để sử dụng...

Ngày mai, 5/3, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát. Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ cùng 84 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội danh: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cá nhân bà Trương Mỹ Lan bị xét xử 3 tội: "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng" và "Tham ô tài sản". Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Ông Phạm Ngọc Duy chia sẻ với phóng viên các báo đài về công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hồ Chí Minh). Giữ quyền công tố tại phiên tòa là các kiểm sát viên thuộc VKSND tối cao và VKSND TP Hồ Chí Minh là các ông: Cao Anh Đức, Đặng Như Vĩnh, Vũ Mạnh Long, Vũ Tất Ba, Nguyễn Thị Hồng Vân, Đặng Thị Hồng Thủy, Lưu Hoàng Tuấn, Nguyễn Đức Long, Ngô Phạm Việt, Nguyễn Hồng Hiệp.

Bảo vệ quyền lợi cho bà Trương Mỹ Lan là các Luật sư Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh và Trương Thanh Đức.

Hơn 2.400 người liên quan gồm: các cá nhân thuộc nhóm cán bộ Ngân hàng SCB, nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp, rút tiền, nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB, nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước và nhóm người liên quan khác.

Ngoài ra tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch cho bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan) quốc tịch nước ngoài.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Để phiên tòa kéo dài từ ngày 5/3 đến ngày 29/4 diễn ra thuận lợi, an toàn, theo ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TP Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất đã hoàn tất.

Về việc tác nghiệp đưa tin phiên xử, ông Duy cho biết các phóng viên sẽ được tòa bố trí phòng tác nghiệp riêng. Phóng viên một số báo đài được phép vào tác nghiệp đầu giờ. “Sau đó tòa đề nghị phóng viên, nhà báo tập trung về phòng báo chí để tác nghiệp tiếp tục. Các luật sư, nhà báo, phóng viên tham gia phiên xử sẽ được tòa án bố trí máy tính để sử dụng”, ông Duy thông tin.

Ông Duy cho biết phiên tòa này là giai đoạn 1 của vụ án. Giai đoạn này tập trung điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi tội tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... để tập trung thu hồi tài sản…

Đại diện TAND TP Hồ Chí Minh bổ sung, do trụ sở tòa án đang trùng tu nên cơ sở vật chất hiện tại chỉ đủ bố trí cho các bị cáo, luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các cơ quan báo chí và lực lượng bảo vệ phiên tòa. Do đó, không thể bố trí chỗ ngồi cho người thân của các bị cáo tham dự phiên tòa.

Chánh Văn phòng TAND TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý do vụ án có số lượng bị cáo lớn nên người tham dự phiên tòa hạn chế thấp nhất việc sử dụng ôtô. Người dân tránh tập trung trước trụ sở tòa án để tránh ảnh hưởng đến giao thông.

Ngoài ra ông Duy còn cho biết, người dân liên hệ công tác ở tòa án vẫn hoạt động bình thường vì phiên xử có khu riêng. Tuy nhiên khi đến liên hệ công tác phải đúng nơi, đúng chỗ, theo sự hướng dẫn của cán bộ Tòa án, không gây khó khăn cho công tác an ninh phiên tòa.

Trụ sở TAND TP Hồ Chí Minh, nơi diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ tại SCB, là cổ đông chính đã sử dụng SCB như một kênh huy động vốn cá nhân, lợi dụng tình hình để rút tiền từ tài khoản gửi của người dân và khách hàng.

Hậu quả từ các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại Cục II, NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Tổ Giám sát đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động cho vay lũy tiến từng năm. Hành động này nhằm mục đích để bà Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng cá nhân, trả nợ cho các khoản vay trước đó nhằm che giấu thực trạng hoạt động tín dụng xấu của Ngân hàng SCB. Thiệt hại tính đến ngày 17/10/2022 với số tiền đặc biệt lớn, dư nợ của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm Trương Mỹ Lan là 677.286 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng cho biết, bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, SCB mất không chỉ số tiền gốc mà phải trả thêm hơn 129.372 tỷ đồng tiền lãi.

Theo cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn và nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì họat động “hệ sinh thái” doanh nghiệp khổng lồ này, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng này thành “công cụ” tài chính của mình.

Bùi Thanh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文