Tuyên án tử hình nữ thủ quỹ tham ô hơn 180 tỷ đồng tại Trường ĐHBK Đà Nẵng

19:18 23/07/2024

Sau 2 ngày xét xử, chiều 23/7, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt 5 bị cáo liên quan đến vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa- Đại học Đà Nẵng (gọi tắt là Trường ĐHBK Đà Nẵng).

Trong số này, bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973), nguyên thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa bị tuyên phạt mức án tử hình; bị cáo Hoàng Quang Huy (SN 1989) nguyên Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng bị tuyên phạt mức án tù chung thân cùng về tội “Tham ô tài sản”.

Bị cáo Đoàn Quang Vinh (SN 1962), cựu Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị cáo Phạm Thị Huỳnh Như (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) bị tuyên phạt mức án tù chung thân; Nguyễn Khánh Dương (SN 1997, trú quận Cẩm Lệ) bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 23/7.

Theo cáo trạng, đầu tháng 2/2023, thấy có hiện tượng chậm chi trả tiền lương cho cán bộ viên chức và tiền học bổng cho sinh viên, tân hiệu trưởng Trường ĐHBK- ĐH Đà Nẵng (vừa được bổ nhiệm 1 tháng trước đó) đã tổ chức kiểm tra và phát hiện sai phạm về công tác quản lý tài chính tại trường trong một thời gian dài, gây thất thoát số tiền lớn.

Công an Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra, xác định trong khoảng thời gian từ ngày 15/7/2020 đến ngày 10/2/2023, thủ quỹ của trường là Lâm Thị Hồng Tâm đã cùng Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng Hoàng Quang Huy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi lấy tiền của nhà trường từ quỹ tiền mặt, từ tài khoản ngân hàng (thông qua rút séc) chiếm đoạt số tiền hơn 186,2 tỷ đồng của Trường ĐHBK Đà Nẵng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Để che giấu hành vi chiếm đoạt, Lâm Thị Hồng Tâm và Hoàng Quang Huy hợp thức hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán để hợp thức hóa.

Cụ thể, các đối tượng  lập hồ sơ thanh toán khống để tăng số tiền chi, giảm số tiền tồn quỹ cho phù hợp với số tiền tồn quỹ thực tế sau khi đã bị chiếm đoạt; đăng nhập vào điều chỉnh số liệu của tài khoản tiền gửi ngân hàng trên phần mềm quản lý kế toán của trường; hợp thức các biên bản kiểm quỹ hàng tháng vào cuối năm (trên thực tế không có tổ chức kiểm tra). Các đối tượng cũng điều chỉnh số dư trong phiếu đối chiếu tài khoản ngân hàng rồi đưa vào hồ sơ quyết toán; lập báo cáo tài chính năm trên cơ sở số liệu đã được chỉnh sửa, không công khai tài chính.

Hành vi tham ô của Tâm và Huy được thực hiện trót lọt trong một thời gian dài mới bị phát hiện, liên quan đến trách nhiệm buông lỏng quản lý của ông Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng trong giai đoạn từ 1/7/2020 đến 31/12/2022. Cụ thể, ông Vinh đã ký séc chi không ghi số tiền cụ thể, không tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị, ký hợp thức các biên bản kiểm tra quỹ hàng tháng của trường vào cuối năm...

Bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm đã sử dụng số tiềm tham ô, chiếm đoạt của Trường ĐHBK Đà Nẵng, cộng thêm với tiền cá nhân lên đến trên 203 tỷ đồng đã bị Phạm Thị Huỳnh Như lừa đảo, chiếm đoạt toàn bộ.

Theo đó, từ tháng 12/2018 đến ngày 10/2/2023, với ý định chiếm đoạt tài sản, Phạm Thị Huỳnh Như đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối mở tiệm nail, đầu tư chứng khoán, nuôi tôm, buôn gỗ, thắng đánh bạc… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Lâm Thị Hồng Tâm. Theo yêu cầu của Như, Tâm đã chuyển vào tài khoản của Nguyễn Khánh Dương gần 192 tỷ đồng và chuyển vào tài khoản của Trần Tấn Hùng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên tòa.

Kết quả xét hỏi tại phiên tòa cũng làm rõ, Nguyễn Khánh Dương có mối quan hệ quen biết với Phạm Thị Huỳnh Như. Biết Như đưa ra các thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của Lâm Thị Hồng Tâm nhưng Dương vẫn đồng ý thực hiện các hành vi gian dối và đóng giả đối tượng tên Hùng nhắn tin để Tâm tin tưởng chuyển tiền cho Như qua tại khoản của Dương, giúp Như chiếm đoạt tiền của Tâm. Còn ông Trần Tấn Hùng nhận tiền sau đó chuyển lại cho Như, đồng thời không biết đó là tiền mà Như lừa đảo nên không bị buộc tội.

Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo Đoàn Quang Vinh đã khắc phục số tiền hơn 9 tỷ đồng, Huy và Tâm đã tác động gia đình bồi thường, khắc phục số tiền 70 triệu đồng. Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cũng đã kê biên nhiều tài sản của các bị cáo để khắc phục hậu quả vụ án. Tại phiên tòa, đại diện Trường ĐHBK Đà Nẵng yêu cầu Lâm Hồng Tâm, Hoàng Quang Huy, Đoàn Quang Vinh liên đới bồi thường số tiền còn lại bị chiếm đoạt là hơn 177 tỷ đồng.

Thân Lai

Những ngày này, đường phố, giao thông Hà Nội đang bị đảo lộn do một số tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng luôn ứng trực giúp người dân đi lại được thuận tiện, an toàn.

Việc tìm kiếm người mất tích tại 2 điểm sạt lở đất gây thương vong lớn tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vẫn đang được gấp rút thực hiện với 350 người trực tiếp tham gia, trong đó có hơn 100 CBCS công an.

Trưa 12/9, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại các khoa điều trị, những người dân vô cùng may mắn đã sống sót sau cơn lũ dữ ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai đang được điều trị tích cực. Nỗi bàng hoàng, đau đớn vẫn vương trên những gương mặt thất thần…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.

Để đưa thi thể nạn nhân về huyện Nguyên Bình bàn giao an toàn cho gia đình, CBCS Công an huyện Bảo Lạc phải trực tiếp đi bộ hơn 20km, khiêng thi thể vượt qua nhiều tuyến đường nguy hiểm, do quãng đường di chuyển từ Bảo Lạc sang Nguyên Bình đang bị ách tắc nghiêm trọng vì đất đá sạt lở và mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文