Vì sao cơ quan điều tra chọn CDC Hải Dương làm điểm đột phá vụ Việt Á

18:42 20/08/2023

Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, chính là đối tượng cơ quan điều tra chọn làm điểm đột phá trong chuyên án này, bởi hành vi chuyển tiền chiết khấu của Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á cho Phạm Duy Tuyến trong 5 gói thầu mua kit xét nghiệm COVID-19 trị giá hơn 150 tỷ đồng tại Trung tâm CDC Hải Dương...

Trong đại án Việt Á mà cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có bản kết luận, đơn vị này đã đề nghị truy tố bị can Phạm Duy Tuyến, nguyên giám đốc CDC Hải Dương về tội "Nhận hối lộ" với số tiền lên đến 27 tỉ đồng. Phạm Duy Tuyến chính là đối tượng cơ quan điều tra chọn làm điểm đột phá trong chuyên án này bởi hành vi chuyển tiền chiết khấu của Phan Quốc Việt cho Phạm Duy Tuyến trong 5 gói thầu mua kit test COVID-19 trị giá hơn 150 tỷ đồng tại Trung tâm CDC Hải Dương.  

Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương. 

Thời điểm xảy ra vụ án, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng có nhiều thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, Phan Quốc Việt lập gần 40 công ty khác nhau; ký hợp đồng, xuất hóa đơn mua bán lòng vòng với nhau nhằm tạo dòng tiền ảo, nâng khống giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư y tế đầu vào phục vụ sản xuất kit xét nghiệm COVID - 19 trước khi bán cho các cơ sở y tế công (CDC, bệnh viện công các tỉnh, thành phố). Sau nhiều ngày nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, cơ quan điều tra đã phát hiện dấu hiệu nghi vấn khi một số công ty của Phan Quốc Việt chuyển tiền cho 1 tiệm vàng ở Hải Dương, trong khi chủ tiệm vàng này có quan hệ thông gia với ông Phạm Duy Tuyến. Qua nghiên cứu, cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định, Tuyến rút tiền tư túi dưới hình thức này nên đã khởi tố, bắt giam đối tượng để đấu tranh.

Kết luận điều tra nêu rõ, Phạm Duy Tuyến được bổ nhiệm làm Giám đốc CDC Hải Dương ngày 24/8/2018. Để Việt được phép cung cấp kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương, Tuyến đã thỏa thuận tỉ lệ ăn chia 20-25% với Phan Quốc Việt và nhận 27 tỉ đồng. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, Phan Quốc Việt chủ động gọi điện thoại cho Phạm Duy Tuyến đề nghị cho Công ty Việt Á vào tỉnh Hải Dương thực hiện việc xét nghiệm hỗ trợ chống dịch. Tuy nhiên, Phạm Duy Tuyến nói việc này phải do lãnh đạo tỉnh quyết định. Do đó, Việt đã liên hệ nhờ ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, tác động đến ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. 

Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến.

Ông Long giới thiệu với ông Thăng về năng lực, kinh nghiệm chống dịch và đề nghị cho Công ty Việt Á về tỉnh Hải Dương hỗ trợ, phối hợp xét nghiệm chống dịch. Sau khi có sự đồng ý của ông Thăng, Công ty Việt Á đưa nhân công, máy móc, thiết bị về CDC Hải Dương lắp đặt, thực hiện công tác xét nghiệm để tiêu thụ kit xét nghiệm do Việt Á sản xuất.

Trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm tại địa phương này, ngày 20/2/2021, Việt đến phòng làm việc của ông Thăng, đề nghị ông Thăng tạo điều kiện cho công ty được xét nghiệm diện rộng cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Tại buổi gặp này, bị can Việt đưa cho ông Thăng 100.000 USD (khoảng 2,3 tỉ đồng).

Ngày 1/2/2021, Việt thỏa thuận, thống nhất với ông Phạm Duy Tuyến cho Công ty Việt Á ứng kit xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế cho CDC Hải Dương sử dụng trước, hợp thức hoá hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền sau theo đơn giá của Công ty Việt Á. Phan Quốc Việt thỏa thuận với Phạm Duy Tuyến rằng, Công ty Việt Á sẽ chi 20-25% ngoài hợp đồng cho CDC Hải Dương, đổi lại Tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc CDC Hải Dương mua, thanh quyết toán tiền kit xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế.

Cơ quan điều tra xác định, CDC Hải Dương và Công ty Việt Á đã thông đồng, gian lận trong đấu thầu, giúp Công ty Việt Á trúng thầu theo đơn giá mà doanh nghiệp này đưa ra. CDC Hải Dương sau đó ký thanh toán gần 148 tỉ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại gần 74 tỉ đồng. Sau các đợt thanh toán, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới tính toán, xác định số tiền phần trăm chi cho CDC Hải Dương theo tỉ lệ 20-25%, tương đương hơn 27 tỉ đồng.

Công ty Việt Á đã 3 lần chuyển tiền theo các số tài khoản do Phạm Duy Tuyến cung cấp. Trong đó, lần đầu Việt chỉ đạo bị can Vũ Đình Hiệp - Phó Giám đốc Công ty Việt Á liên hệ với Phạm Duy Tuyến để thống nhất hình thức chuyển tiền. Hai lần sau, đích thân Việt và Hiệp đến nhà ông Tuyến chơi và báo với Tuyến ''đã nhận được tiền của CDC Hải Dương, sẽ chuyển lại tiền % ngoài hợp đồng cho Tuyến". 

Nhận tiền xong, Phạm Duy Tuyến đã đưa cho Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD; đưa ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, 7 tỉ đồng; đưa một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương với tổng số tiền 2,12 tỉ đồng; số còn lại Phạm Duy Tuyến sử dụng cá nhân (khoảng 16 tỉ đồng).

Cơ quan điều tra xác định, tổng cộng ông Thăng đã nhận 4 tỉ đồng và ông Thăng thừa nhận việc này. Ngoài ra, Phạm Duy Thăng thừa nhận việc kết luận, chỉ đạo liên quan đến Công ty Việt Á là không đúng thẩm quyền, không đúng quy chế, quy định pháp luật, dẫn đến việc Phan QuốcViệt và Phạm Duy Tuyến lợi dụng để phạm tội.

Cơ quan điều tra đánh giá, bị can Phạm Xuân Thăng, Phạm Duy Tuyến đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác để làm rõ bản chất vụ án, có thành tích xuất sắc trong công tác.  Phạm Duy Tuyến và gia đình đã nộp khắc phục hơn 12 tỉ đồng, còn Phạm Xuân Thăng nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận. 

Ngày 11/7/2023, cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Xuân Thăng từ tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" sang tội "Nhận hối lộ". 

Thu Thuỷ - Hoàng Phong

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文