Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo có đầy đủ năng lực và khả năng nhận thức hành vi
Ngày 20/3, phiên tòa xét xử “đại án Vạn Thịnh Phát" tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và phần tự bào chữa của các bị cáo.
Trước đó, ngày 19/3, Trương Mỹ Lan và các bị cáo đã bị đại diện VKS đề nghị các mức án khác nhau. Bị cáo Trương Mỹ lan bị đề nghị mức án tử hình.
Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Trương Mỹ Lan cho rằng cần xem xét bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, khi tham gia bị cáo có vai trò là cố vấn ban hợp nhất. Quá trình hợp nhất suốt 10 năm trải qua nhiều giai đoạn đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng, theo luật sư thì không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn…
Các luật sư của bà Lan nêu quan điểm và đề nghị VKS làm rõ và xem xét một số cơ sở pháp lý trong đó có việc sử dụng kết quả thẩm định giá của Hoàng Quân, đồng thời xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản” của bị cáo Trương Mỹ Lan…
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng việc tách hành vi của bị cáo Lan ra làm 2 giai đoạn truy tố thành 2 tội danh khác nhau là không phù hợp dấu hiệu đặc trưng trong cấu thành tội phạm và không đúng nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Theo luật sư Thiệp, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan ở cả hai giai đoạn đều là hành vi chỉ đạo lập khống hồ sơ vay vốn nhưng lại bị truy tố ở 2 tội danh là “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Luật sư Thiệp đề nghị HĐXX xem xét lại
Về tội “Tham ô tài sản” luật sư của bà Lan, luật sư Thiệp cho rằng “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Trong khi đó, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và cáo trạng cũng xác định “bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB”. Vì vậy, theo luật sư Thiệp, bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người quản lý, điều hành SCB.
Vì vậy, tài sản của SCB bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn không có trách nhiệm quản lý. Nếu có căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tiền của SCB cũng không thể coi đó là dấu hiệu trong cấu thành tội “Tham ô tài sản”. Về tội danh “Đưa hối lộ”, luật sư Thiệp cho rằng lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn và Đỗ Thị Nhàn mâu thuẫn nhau.
Tuy nhiên trong quá trình xét hỏi, các bị cáo là những người có vị trí quan trong, là những lãnh đạo như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc … Ngân hàng SCB đều khai nhận làm việc dưới sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan.
Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB trong đó có hoạt động cho vay.
Cáo trạng cũng nêu, từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng Đệ nhất, Tín Nghĩa và SCB (cũ). Sau khi hợp nhất thành Ngân hàng SCB, bà Lan tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,5%.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.