Ai hưởng lợi từ việc Mỹ rút quân khỏi Syria?

16:33 08/10/2019
Việc Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria sẽ để lại khoảng trống quyền lực tại khu vực và cho thấy vai trò ngày càng mờ nhạt của Washington ở Trung Đông. Đây được cho là tin vui với Nga, Iran, Syria và cả Thổ Nhĩ Kỳ.


Nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 với sự xuất hiện của hàng chục phe phái đối lập, khiến chế độ của Tổng thống Bashar al- Assad nhiều phen chao đảo. Tháng 6-2014, khối u Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông bùng phát ở cả Iraq và Syria với sự xuất hiện đẫm máu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tháng 9-2014, nhân danh liên minh quốc tế chống IS, quân đội Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama khởi động chiến dịch không kích có hệ thống nhằm vào các mục tiêu ở Syria và Iraq.

Binh sĩ Mỹ rút khỏi Bắc Syria trên xe bọc thép. Ảnh: Getty Images

Washington quảng cáo mục đích cho hoạt động này là để tiêu diệt IS, song các chuyên gia nhận định Mỹ cũng muốn lợi dụng các hoạt động quân sự để trợ giúp phiến quân chống chính phủ ở Syria đánh vào lực lượng của Tổng thống Assad.

Tháng 9-2015, với sự xuất hiện đầy bất ngờ của Nga ở Syria, chế độ của Tổng thống Assad không những thoát cảnh bị phiến quân uy hiếp mà còn liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường chống IS. Cả hai phe từ đó tiến hành các chiến dịch chống IS riêng rẽ và cơ bản đẩy lùi tổ chức khủng bố này vào năm 2018.

Về phần Tổng thống Donald Trump, người luôn tin mình đắc cử một phần nhờ lời hứa đưa Mỹ thoát khỏi "những cuộc chiến tranh bất tận vô lý" ở Syria, Iraq và Afghanistan, tháng 12 năm ngoái tuyên bố IS đã bị đánh bại và rút quân, song duy trì trên dưới 100 chuyên gia trợ giúp Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd, phòng khi IS trỗi dậy. 

Bản đồ thể hiện tình hình Syria, trong đó phần gạch chéo là vùng đệm an toàn Thổ Nhĩ Kỳ muốn YPG rút khỏi, vùng màu đỏ do phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, vùng màu xanh lá do dân quân người Kurd kiểm soát còn vùng màu xanh nước biển đã được quân đội Syria giải phóng.

Hôm 7-10, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Trump một lần nữa khẳng định Mỹ đã đánh bại IS và lệnh rút lập tức toàn bộ chuyên gia khỏi Bắc Syria.

Các chuyên gia nhận định, bước đi trên, vẫn chưa rõ nguyên nhân sâu xa là gì, có thể phá hủy mọi mục tiêu Washington đặt ra ở Trung Đông và khiến vai trò của Mỹ ở khu vực nhanh chóng bị các thế lực khác khỏa lấp. Việc Mỹ rút đi cũng sẽ mang lại lợi ích cho không ít bên trên chiến trường Syria.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này từ lâu coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) – lực lượng nòng cốt của SDF, là khủng bố và dọa tấn công nhóm vũ trang này trên đất Syria, nên việc Mỹ rút đi chắc chắn mở ra cơ hội không thể tốt hơn cho Ankara.

Vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, truyền thông Syria cho biết chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã dội đợt hỏa lực đầu tiên vào sở chỉ huy của SDF ở miền Bắc. Giới chuyên gia cho rằng cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không dễ dàng bởi dân quân người Kurd rất kỷ luật và tận tụy, đã được rèn luyện qua nhiều năm chiến tranh đô thị với IS. 

Trận địa pháo do Thổ Nhĩ Kỳ triển khai đến biên giới Syria hôm 6-10. Ảnh: AMN

Tuy nhiên, Ankara cũng hiểu rõ điều đó và không đặt mục tiêu hiện diện lâu dài trên lãnh thổ quốc gia láng giềng mà chỉ muốn YPG phải rút xa khỏi đường biên giới.

Theo Washington Post, quyết định rút khỏi Syria của Mỹ được coi là tin tốt cho Chính phủ Syria. Lâu nay Damascus vẫn luôn phản đối sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ của mình. 

Thêm vào đó, việc Mỹ rút quân sẽ nhanh chóng khiến SDF, nhóm phiến quân lớn nhất, suy yếu và đây là cơ hội để Syria hoặc là chiến đấu giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng gần 30.000km2 ở bờ Đông sông Euphrates với sự hỗ trợ của các đồng minh, hoặc là thúc ép người Kurd kí một thỏa thuận chính trị có lợi.

Năm ngoái, sau tuyên bố rút đi của Mỹ, SDF từng để ngỏ khả năng đàm phán với phe chính phủ để binh sĩ trung thành với Tổng thống Assad cùng kiểm soát vùng Đông Bắc Syria, song chưa rõ các cuộc đàm phán này tiến triển đến đâu.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: SANA

Với Nga, một trong những đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Assad, việc binh sĩ Mỹ không còn hiện diện ở Syria, Moscow có thể dễ dàng mở rộng vai trò ở Syria. Dù rằng các nỗ lực quân sự của Moscow đã lật ngược hoàn toàn thế trận theo hướng có lợi cho Tổng thống Assad, song việc Mỹ rút quân sẽ giúp Nga không phải kiêng dè bất cứ đối tượng nào trong khu vực.

Hơn nữa, khi cuộc chiến ở Syria đã ngã ngũ, Nga đang hậu thuẫn một giải pháp chính trị toàn diện cho quốc gia Trung Đông, nên sự rút đi của Mỹ sẽ giúp Moscow tăng cường tiếng nói với các bên đối địch ở Syria.

Trong khi đó, đối với Iran, việc Mỹ rút quân càng là một tin tốt lành. Dù Mỹ chỉ duy trì lượng nhỏ binh sĩ ở Syria, song các hoạt động giám sát trên không đi kèm với nó đóng vai trò như một chốt chặn đối với Tehran, gần như khóa chặt đường di chuyển từ biên giới Iran tới các đồng minh ở Lebanon.

Việc Mỹ rời đi là cơ hội để Iran tăng cường hơn nữa hiện diện ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, bất chấp những tuyên bố ngăn chặn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực của chính quyền Tổng thống Trump.

Trên CNN, chuyên gia Nick Paton Walsh bày tỏ lo ngại sự rời đi của Mỹ mang lại lợi ích cho khủng bố IS. Walsh cho rằng khi phải bận rộn chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ chính mình, nhiệm vụ kiềm chế IS chắc chắn sẽ trở thành thứ yếu đối với dân quân người Kurd. Tuy nhiên, khả năng này sẽ khó xảy ra bởi tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã cam kết không để IS trỗi dậy ở khu vực bằng mọi giá.

Thiện Nhân

Chiều 4/5, ngày nghỉ cuối của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lực lượng CSGT Thủ đô đã chủ động ứng trực 100% quân số tại tất cả các cửa ngõ ra vào thành phố cũng như điểm nóng giao thông để điều tiết phân luồng, đón người dân trở về Hà Nội. Khu vực cửa ngõ phía Nam của Thủ đô không xảy ra ùn tắc, người dân đi lại thuận lợi, an toàn.

Một tên lửa do phiến quân Houthi tại Yemen bắn về phía Israel đã rơi xuống gần sân bay Ben Gurion, sân bay quốc tế chính của đất nước toạ lạc giữa Tel Aviv và Jerusalem, khiến nhiều hành khách hoảng loạn.

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ ngày 30/4 - 4/5), ngành Du lịch phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách có lưu trú. Đáng chú ý, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt khoảng 70% trên phạm vi toàn quốc, một số điểm đến ven biển và TP Hồ Chí Minh đạt đến 90-95%.

Qua điều tra truy xét, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoàng Triều (SN 1978, ngụ xã Trung An, thành phố Mỹ Tho) để điều tra về hành vi giết người.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí tại Họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV chiều 4/5, liên quan đến việc xem xét trình Quốc hội rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thuỷ cho biết, nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu. Theo bà, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và việc này đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước đây.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé bị xe ba bánh tự chế cán qua ở Nam Định đã được phẫu thuật cấp cứu, hiện đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực ngoại để tiếp tục hồi sức và theo dõi sát các chức năng sống. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Nam Định kiểm tra, xác minh ngay quy trình tiếp nhận, xử trí cấp cứu cho cháu bé.

Trước tình trạng cả nước còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ biên chế được giao; không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên.

Ngay trong những ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4, từ thân nhân bệnh nhân (BN), Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã tiếp nhận được thông tin về nguyện vọng được hiến tạng của một người hiến. Với tinh thần luôn sẵn sàng, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận trường hợp hiến tạng và tiến hành song song các bước từ pháp lý đến chuyên môn để đảm bảo tạng hiến được tiếp nhận tốt nhất.

Một nhóm nhà nghiên cứu Australia đã sử dụng siêu máy tính và máy mô phỏng khí hậu nhanh nhất Nam bán cầu - Gadi để giải mã sự chậm lại của dòng hải lưu vòng Nam Cực (ACC) và nguy cơ gây ra hậu quả thảm khốc, bao gồm cả sự biến đổi khí hậu lớn hơn và sự nóng lên toàn cầu diễn ra nhanh hơn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.