Ấn Độ kỳ vọng gì khi đảm nhiệm chiếc ghế Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ?

10:41 10/01/2021
Trong bài phân tích đăng trên trang mạng của Vivekananda India Foundation - một tổ chức chuyên gia tư vấn hàng đầu có trụ sở ở New Delhi (Ấn Độ), Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc (LHQ) Asoke Mukerji đã đề cập tới những kỳ vọng của Ấn Độ khi đảm nhiệm chiếc ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ lần thứ 8, nhiệm kỳ 2021-2022, từ ngày 1/1.


Theo đó, những ưu tiên được New Delhi xác định khi vận động tranh cử vào HĐBA là chống khủng bố bằng cách thực thi các nghị quyết của HĐBA LHQ, sử dụng hiệu quả các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ.

Ấn Độ đã đề xuất theo đuổi các ưu tiên trên trong khi kêu gọi “chủ nghĩa đa phương được cải cách”, về cơ bản có nghĩa là cho phép tất cả các thành viên của HĐBA tham gia một cách bình đẳng trong việc đưa ra các quyết sách. 

Theo Đại sứ Asoke Mukerji, “Chủ nghĩa đa phương được cải cách” đòi hỏi phải kết hợp cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ nhằm cải tổ HĐBA, được Thủ tướng Narendra Modi một lần nữa đề cập tại Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9/2020, với các hành động của Ấn Độ trong HĐBA như kêu gọi ứng phó với những thách thức ngày càng đa chiều đối với hòa bình và an ninh quốc tế. 

Khi đó, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định rằng, nhu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay với tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh là cải cách trong các phản ứng, quy trình và đặc điểm của LHQ. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một bài phát biểu tại Liên hợp quốc.

Ông Narendra Modi cũng đặt câu hỏi rằng Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của 1,3 tỷ người hiện vẫn đang nằm ngoài các cơ cấu ra quyết định tối cao của LHQ. Quá trình ra quyết định trong HĐBA LHQ chịu sự chi phối của quyền phủ quyết của 5 Ủy viên thường trực HĐBA (Nhóm P5 gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc), đã được sử dụng 293 lần kể từ năm 1946. Bế tắc trong việc ra quyết định do sử dụng quyền phủ quyết thường khiến con người phải trả giá đắt. 

Ví dụ gần đây nhất là sự đối đầu Mỹ-Trung hồi đầu năm 2020 đã ngăn cản việc thông qua kịp thời một nghị quyết của HĐBA nhằm hỗ trợ về mặt chính trị để LHQ đối phó với đại dịch COVID-19. Cách Ấn Độ - quốc gia không có quyền phủ quyết với tư cách là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ - giải quyết các quyền lợi của họ như thế nào nếu bị các thành viên Nhóm P5 phủ quyết sẽ là một phép thử cho khát vọng của nước này trở thành cường quốc mới nổi.

Đây là lần thứ 8 Ấn Độ được bầu vào vị trí thành viên không thường trực HĐBA LHQ. Và trong tất cả những lần được giữ vị trí này, Ấn Độ luôn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ để ủng hộ các nước đang phát triển, dân chủ, pháp quyền, chủ nghĩa đa phương, hòa bình và an ninh và sự phát triển. Trong tất cả 8 lần Ấn Độ trúng cử vào chiếc ghế Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đều nhờ những lá phiếu ủng hộ của hơn 2/3 số thành viên LHQ.

Đối với cuộc chiến chống khủng bố, Ấn Độ phải tìm kiếm một vai trò trong quá trình ra quyết định của HĐBA LHQ khi cân nhắc về “điểm nóng” của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu xuất phát từ khu vực Afghanistan-Pakistan. 

Năm 2013, Afghanistan đã đứng sang một bên ủng hộ Ấn Độ cho cuộc bầu cử vào HĐBA LHQ năm 2020. Ngày nay, cả Ấn Độ và Afghanistan đều phải đối mặt với viễn cảnh tài trợ cho khủng bố được hồi sinh từ khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. 

Với tư cách đối tác hỗ trợ phát triển chính của Afghanistan, Ấn Độ phải lồng ghép các mối quan tâm của Afghanistan vào bất kỳ sáng kiến nào của Ấn Độ để thực thi các nghị quyết của HĐBA, bao gồm cả việc yêu cầu Pakistan tuân thủ các quy tắc của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) được đề cập trong các nghị quyết của HĐBA về chống khủng bố. 

Thành công của Ấn Độ đòi hỏi sự ủng hộ của Nhóm P5, vốn đang bất đồng ở các mức độ khác nhau trong việc truy quét các nhóm khủng bố ở khu vực Afghanistan-Pakistan do lợi ích địa chính trị và khu vực của họ.

Để việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ hiệu quả hơn, Ấn Độ phải trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo các quy định về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ cho các phái bộ ở châu Á và châu Phi, nơi hiện phần lớn trong số 6.000 lính gìn giữ hòa bình của Ấn Độ đang được triển khai. 

Kinh nghiệm tiên phong của Ấn Độ trong việc gửi các nữ binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Liberia và Nam Sudan có thể trở thành hình mẫu cho các sứ mệnh của HĐBA trong việc phản ánh các vấn đề liên quan phụ nữ, hòa bình và an ninh và bảo vệ dân thường. 

Trong quá trình này, Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho HĐBA LHQ thực hiện cải cách, kết hợp gìn giữ hòa bình với xây dựng hòa bình, đặc biệt là tăng cường thể chế quản trị quốc gia. 

Trong lĩnh vực thứ ba là sử dụng công nghệ kỹ thuật số để trao quyền và phát triển con người, Ấn Độ có vị thế tốt nhờ kinh nghiệm của nước này trong lĩnh vực nền tảng kỹ thuật số để dẫn dắt các cuộc thảo luận của HĐBA LHQ về vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông đối với hòa bình, an ninh và phát triển. 

Việc Ấn Độ ủng hộ một cách tiếp cận toàn diện, biến Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trở thành khuôn khổ cho các hành động của HĐBA về các vấn đề mạng có thể bù đắp cho sự chia rẽ của Nhóm P5 về các vấn đề an ninh mạng hiện nay. 

Nếu không được kiểm soát, sự phân cực một chiều như vậy có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc, thậm chí là đối đầu, của trật tự thế giới kỹ thuật số đang nổi lên, gây phương hại cho các nỗ lực phát triển bền vững.

Là đại diện được bầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữ ghế ủy viên không thường trực trong HĐBA LHQ, Ấn Độ được cho là sẽ hoạt động tích cực trong các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương đã có trong chương trình nghị sự của HĐBA gồm vấn đề Afghanistan, Iran, Yemen, Syria và vấn đề Palestine. 

Vai trò, chiến lược rõ ràng và mang tính xây dựng của Ấn Độ sẽ tạo sự cân bằng sức mạnh trong nhiều vấn đề, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, nước hiện là thành viên thường trực duy nhất của châu Á-Thái Bình Dương trong HĐBA LHQ. Do đó, nhiệm kỳ lần thứ 8 của Ấn Độ phải nêu bật lợi ích hiện hữu trong việc đưa Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ.

Minh Hải (tổng hợp)

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文