Báo chí quốc tế tiếp tục lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông

08:26 07/04/2016
Ngày 6-4, báo chí nước ngoài đồng loạt đăng tải thông tin về việc Trung Quốc bắt đầu vận hành trạm hải đăng trên đá Xu Bi, một trong những đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bài báo đều gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.


Là một trong hãng thông tấn đăng tải thông tin sớm nhất về việc này, hãng Reuters cho biết, việc khánh thành này được Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc thực hiện hôm 5-4. Đây là ngọn hải đăng thứ 3 mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng tại Biển Đông. 

Trạm hải đăng trên đá Xu Bi cao 55m, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý và được xây dựng từ tháng 10 năm ngoái. Trước đó, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng khác ở đá Châu Viên và Gạc Ma. Bài báo đăng tải trên trang web của hãng Reuters còn khẳng định, đá Xu Bi là khu vực chìm dưới nước khi thủy triều dâng cao. 

Theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) thì các quốc gia không được phép thiết lập khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh những đảo nhân tạo được xây dựng từ những bãi đá vốn chìm dưới nước kiểu như vậy. 

Mỹ cũng đã phản ứng khá mạnh trước những hành động này của Trung Quốc bằng việc đưa tàu khu trục USS Lassen tiến hành tuần tra trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Xu Bi.

Một số hãng thông tấn khác thì cho hay, trong một vài năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất và xây dựng phi pháp trên ít nhất 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện tham vọng bành trướng trên biển của nước này. 

Hiện tại, công tác bồi lắp cơ bản hoàn tất, Trung Quốc đang xây dựng nhiều công trình dân sự và quân sự trái phép trên các đảo đá này nhằm mục đích quân sự hóa tại Biển Đông. Vì thế, cùng với bài phản ánh việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các ngọn hải đăng, một số tờ báo ở châu Á còn dẫn những lời phản đối mạnh mẽ, gay gắt của một số quốc gia trong khu vực như Philippines, Indonesia, Malaysia. 

Một bức ảnh về hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm xây dựng đảo nhân tạo. Ảnh: CSIS.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng mà nước này cố tình lắp đặt trên những đảo nhân tạo ở Biển Đông. Những hành động này rõ ràng có mưu đồ thay đổi tình hình thực tế nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương này như là sự đã rồi”. Còn giới chức Malaysia thì gọi hành động của Trung Quốc là “sự khiêu khích phi pháp không thể chấp nhận”.

Nhiều chuyên gia phân tích, nhà ngoại giao và quan chức hải quân nước ngoài đều cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng 3 ngọn hải đăng là nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông. 

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lập luận của chính quyền Bắc Kinh về các ngọn hải đăng sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải và giảm nhẹ thiên tai chỉ là ngụy biện bởi hiện nay, việc sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS giúp tàu chiến và các tàu thương mại dễ dàng xác định vị trí của mình trên biển và giảm bớt sự phụ thuộc vào hải đăng. 

Bởi vậy, hải đăng ngày càng xuất hiện ít hơn trên thế giới. Nhưng khi tiến sát đến các hòn đảo, bãi đá ngầm, thiết bị GPS có thể không hoạt động, và tàu bè vẫn phải dựa vào các hải đăng để xác định vị trí và dĩ nhiên những hải đăng đó sẽ xuất hiện trong nhật ký hành trình của họ. Vì thế, ông Trevor Hollingsbee, cựu chuyên gia phân tích tình báo hải quân Anh, cho rằng việc xây dựng hải đăng trên hai bãi đá bồi đắp này của Trung Quốc là một động thái "khá gian xảo”. 

Trong khi đó, TS Collin Koh Swee Lean, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) thì nhận định: “Trung Quốc đang tiến hành những bước chuẩn bị cho việc "thực sự" áp đặt một ADIZ trên Biển Đông. 

Trước khi Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) - vốn được cho là sẽ "trói tay" Trung Quốc được ký kết, Bắc Kinh sẽ tận dụng thời gian còn lại để củng cố sức mạnh ở Biển Đông và tìm cách kéo dài quá trình đàm phán COC. Đây là lý do tại sao mọi hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông cần phải được giám sát chặt chẽ”. 

Còn học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thì cảnh báo: “Nếu tàu chiến và tàu buôn các nước khác, trong đó có Mỹ, buộc phải sử dụng và ghi những hải đăng này vào nhật ký hành trình, nó có thể được coi là sự thừa nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc. Những ngọn hải đăng này củng cố chiến lược "dần dần thay đổi hiện trạng trên biển" của Bắc Kinh”.

Huyền Chi

Phát biểu trong lễ công bố nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 30/6 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”...

Dự báo, từ tối và đêm 10/7 đến ngày 12/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 300mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 150mm/3 giờ. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, khu công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986) ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (nay xã Phước An, tỉnh Đồng Nai) về các tội: “Giết người” và “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất độc”…

Sáng 10/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.