Bước đi quan trọng hướng tới tiến trình hòa bình toàn diện cho Afghanistan

08:57 02/03/2020
Ngày 29-2, tại Thủ đô Doha của Qatar, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử sau một tuần cam kết giảm bạo lực, đặt nền móng cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh 18 năm hao tiền tốn của Mỹ tại Afghanistan.

Bày tỏ hoan nghênh đối với thỏa thuận này, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng, đây là bước quan trọng tiến tới giải pháp chính trị lâu dài ở Afghanistan.

Trong một phát biểu, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres hoan nghênh các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp lâu dài ở Afghanistan. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giảm bạo lực vì lợi ích của người dân Afghanistan đồng thời khuyến khích nỗ lực của tất cả các bên nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan cũng như tiến trình hòa bình toàn diện tại đây.

Liên minh châu Âu (EU) đánh giá thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Taliban, cũng như tuyên bố chung giữa Mỹ và Chính phủ Afghanistan nêu trên là “những bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới một tiến trình hòa bình toàn diện” ở Afghanistan.

Ông Zalmay Khalizad và ông Mullah Abdul Ghani ký kết thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Mỹ và Taliban.

Trong tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nhấn mạnh không nên bỏ lỡ cơ hội hướng tới hòa bình hiện nay và EU hy vọng “các cuộc thương lượng do người Afghanistan làm chủ và do người Afghanistan đứng đầu sẽ bắt đầu không chậm trễ và có sự tham gia của tất cả các thành phần nhằm đạt được hòa bình lâu dài”.

Cũng theo quan chức trên, EU sẵn sàng hỗ trợ một tiến trình hòa bình ở Afghanistan mà trong đó “tất cả các phe phái chính trị, nữ giới và cộng đồng thiểu số cũng như xã hội dân sự đều được đại diện theo một cách có ý nghĩa”.

Đang có chuyến thăm tới Kabul, Tổng thư kí NATO Jens Stonltenberg cũng không quên chúc mừng người dân Afghanistan: “Thật vinh dự khi tôi ở đây vào thời điểm bắt đầu một chương mới cho Afghanistan. Tất cả các nước NATO hoan nghênh bước đi hướng đến hòa bình này. Thỏa thuận giữa Mỹ và Afghanistan, giữa Mỹ và Taliban hứa hẹn về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm qua”.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng nhấn mạnh, thỏa thuận lịch sử này sẽ dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài cho hòa bình tại Afghanistan, trong khi Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho rằng, thỏa thuận sẽ biến Afghanistan thành vùng đất của hòa bình và thịnh vượng. Còn đối với hàng triệu người dân Afghanistan, thỏa thuận này sẽ thắp lên hi vọng về một tương lai hòa bình mà họ khao khát bấy lâu nay.

“Chúng tôi hi vọng việc giết hại người dân vô tội sẽ chấm dứt. Một thỏa thuận hòa bình lâu dài được ký kết và người dân Afghanistan sẽ bắt đầu một cuộc sống yên ổn hơn”, một người dân ở Thủ đô Kabul bày tỏ.

Với việc ký kết thỏa thuận này, các lực lượng Mỹ tại Afghanistan sẽ tiến hành đợt rút quân đầu tiên nếu các điều kiện được đáp ứng và tiến tới rút toàn bộ binh sĩ, trong trường hợp thuận lợi có thể diễn ra trong vòng 1 năm, qua đó chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm của Mỹ ở Afghanistan. Thỏa thuận được ký bởi Đặc phái viên của Mỹ về Hòa giải ở Afghanistan Zalmay Khalizad, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ với Taliban, và ông Mullah Abdul Ghani Baradar, Trưởng đoàn đàm phán của Taliban. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chứng kiến lễ ký kết.

Phát biểu tại đây, ông Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ việc Taliban thực hiện các cam kết của mình để cân nhắc việc rút quân đội Mỹ tùy theo mức độ tuân thủ của Taliban. Theo ông Mike Pompeo, đây là cách để đảm bảo lãnh thổ Afghanistan sẽ không bao giờ được sử dụng cho các mục đích khủng bố quốc tế. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng có mặt ở Thủ đô Kabul của Afghanistan và ra tuyên bố chung với Tổng thống Ashraf Ghani.

Theo Cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib, bản tuyên bố chung Mỹ-NATO-Afghanistan bao gồm việc rút quân đội nước ngoài khỏi nước này trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, theo ông cho rằng, thời hạn này sẽ được thay đổi nếu các điều kiện trong thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban không được đáp ứng.

Trong khi đó, ông Mark Esper cảnh báo “nếu Taliban không tuân thủ cam kết, họ sẽ đánh mất cơ hội đàm phán với Chính phủ Afghanistan và thảo luận về tương lai của đất nước”, “khi đó Mỹ sẽ không ngần ngại hủy bỏ thỏa thuận”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nếu Taliban và chính phủ Afghanistan tuân thủ các cam kết của mình, Mỹ sẽ đưa quân đội về nước và sớm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, các cam kết trong thỏa thuận Mỹ-Taliban là một bước quan trọng hướng tới hòa bình lâu dài ở Afghanistan mà không có sự hiện diện của Al Qaeda và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như bất kỳ nhóm khủng bố nào khác.

Việc Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban chính là để thực hiện cam kết tranh cử năm 2016 của ông Donald Trump nhằm chấm dứt sự tham gia của Mỹ đối với các cuộc chiến ở nước ngoài.

Theo một số nguồn tin, Mỹ có thể giảm số lượng binh sỹ tại Afghanistan từ 13.000 xuống còn 8.600 trong vòng 135 ngày. Tiếp theo thỏa thuận Mỹ-Taliban, các thành phần trong xã hội Afghanistan bao gồm chính phủ nước này sẽ tiến hành đối thoại với Taliban và đây sẽ là lần đầu tiên diễn ra các cuộc đàm phán như vậy nhằm đạt được hòa giải trong thời gian tới.

Thỏa thuận lịch sử với Taliban lần này có thể là cú hích cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới, sau một loạt các vấn đề khác chưa đạt được tiến triển như Triều Tiên, Iran hay Venezuela… Tuy nhiên, con đường để thực hiện thỏa thuận này đối mặt với không ít rào cản, trong đó có khả năng nội bộ Taliban bất đồng chính kiến hay các cuộc đàm phán phức tạp sắp tới giữa các phe phái tại Afghanistan.

Bộ trưởng Mark Esper cũng thừa nhận, thỏa thuận này là một bước đi tích cực, nhưng con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Đạt được hòa bình lâu dài cho Afghanistan đòi hỏi sự kiên nhẫn và thỏa hiệp giữa các bên.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bắt đầu diễn ra từ năm 2018 và đã ít nhất 2 lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sĩ Mỹ hồi tháng 9 và tháng 12 năm ngoái. Cuộc chiến tại Afghanistan là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ. Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi bắt đầu triển khai quân đội tại quốc gia Nam Á này năm 2001, đến nay số binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại đây đã vượt quá 2.400 người.

Khổng Hà (tổng hợp)

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đã cận kề. Góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm là 11 khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND (9 khối đi và 2 khối đứng). Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ Công an giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức tuyển chọn hơn 1.300 CBCS tham gia luyện tập, trong đó đoàn viên, thanh niên các học viện, trường CAND là nòng cốt, phối hợp Công an một số đơn vị, địa phương, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文