Cẩn thận với chiến thuật pháp lý mới của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông

08:37 09/08/2019
Leo thang các hành động đơn phương trên Biển Đông từ tháng 5 đến đầu tháng 8, Trung Quốc được cho là đang sử dụng một loạt chiến thuật pháp lý mới nhằm hiện thực hóa yêu sách "Tứ Sa". Tuy nhiên, Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) không cho phép Trung Quốc đơn phương khảo sát tài nguyên hay nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác.


Từ tuyên bố về tập trận

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, phản ứng từ các quốc gia trong khu vực và tuyên bố quan ngại về tình hình Biển Đông của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, hôm 5-8, Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) vẫn ngang nhiên thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Các cuộc tập trận này diễn ra tại khu vực gần đảo Phú Lâm, bãi Thủy Tề và nhóm Lưỡi liềm. Đáng chú ý là Trung Quốc còn bất chấp luật pháp quốc tế, tuyên bố cấm tàu bè vào khu vực tập trận chung. Hành động này được thực hiện song song với hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Trung Quốc thường xuyên có hành động gây hấn đơn phương trên Biển Đông. Trong ảnh là một tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam năm 2015.

Theo GS Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales thì đây là hành động đơn phương nhằm biến cái không thể thành có thể; sử dụng chiến thuật "sự đã rồi" hòng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" trên Biển Đông.

"Rõ ràng, Trung Quốc đang vi phạm Thỏa thuận của những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký năm 2011.

Trong thỏa thuận này, hai nước đã nhất trí tôn trọng lẫn nhau, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán, tuân theo luật quốc tế, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình. Diễn biến này cũng khiến lòng tin vào Trung Quốc của Việt Nam, ASEAN và cộng đồng quốc tế trở nên suy giảm.

Đã đến lúc các quốc gia trong khu vực phải cảnh giác hơn nữa bởi Bắc Kinh thường nói một kiểu và hành động một kiểu. Dù nước này cam kết không làm phức tạp hóa tình hình Biển Đông, không quân sự hóa các đảo... nhưng hình ảnh ghi được từ vệ tinh do các nước công bố lại cho thấy Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự lớn trên vùng biển này", GS Carl Thayer nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, TS Zach Abuza thuộc Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ thì cho rằng, mục đích của Trung Quốc là quốc tế hóa các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác rồi sau đó sẽ dùng phương pháp khác để độc chiếm vùng biển đó. Với các quốc gia láng giềng, Trung Quốc thường dùng chiêu bài "đánh úp" và "dùng lớn ức hiếp bé"... Vì thế, đã đến lúc các quốc gia trong khu vực mà hạt nhân là ASEAN cùng cộng đồng quốc tế phải đoàn kết để chống lại nguy cơ "Trung Quốc tự viết luật trên Biển Đông".

Đến những toan tính ở bãi Tư Chính

Trong bài báo được đăng tải trên trang Maritim Issues, Swee Lean Collin Koh, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc trường S.Rajaratnam về Nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đã nhấn mạnh, hành vi hiện nay của Trung Quốc dường như khá khó hiểu với nhiều người.

"Câu hỏi được đưa ra là tại sao Trung Quốc lại tiến hành một hoạt động bất hợp pháp kể trên tại Việt Nam cũng như cản trở các hoạt động năng lượng hợp pháp của Malaysia tại bãi Luconia khu vực Sarawwak? Nếu Trung Quốc thành công trong việc phổ biến luận điệu của mình về việc tình hình Biển Đông đang hoàn toàn hoà bình và ổn định, nước này sẽ không vấp phải bất kỳ can thiệp nào từ phía bên ngoài. Và liệu rằng va chạm tại bãi Tư Chính sẽ có khả năng đảo lộn ưu thế này của Bắc Kinh hay không?", ông Swee Lean Collin Koh cho biết, đồng thời lý giải rõ, bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nằm trong đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc.

Mặc dù Toà trọng tài thường trực vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 đã có phán quyết với nội dung vô hiệu hoá yêu sách đường 9 đoạn nhưng Trung Quốc vẫn không dừng bước trước các tính toán ở Biển Đông. Bắc Kinh vừa không công nhận vừa không tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài thường trực.

Một nhà nghiên cứu khác ở Anh thì chỉ ra rằng: "Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã gây áp lực với Việt Nam trong hoạt đông khai thác dầu ở vùng biển của nước này trên Biển Đông. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2019, với một sự leo thang lấn lướt kép, Trung Quốc vừa điều tàu cảnh sát biển Hải Cảnh 35111 uy hiếp các tàu tiếp tế giàn khoan hoạt động tại mỏ Lan Đỏ trong Lô 06-01, vừa điều tàu Hải Dương 8, với một đội tàu hộ tống hùng hậu đến khảo sát các lô 130, 131, 132, 133, 154, 155, 156 và 157 trên một diện tích 31.000 km² trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

UNCLOS không cho phép Trung Quốc đơn phương khảo sát tài nguyên hay nghiên cứu khoa học biển trong EEZ của nước khác. Nhưng những động thái mới này những bước tiến trong một quá trình có chủ đích và sẽ không phải là những bước cuối cùng. Phân tích kỹ hơn về âm mưu của Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Bộ Ngoại giao Nguyễn Trường Giang cho hay, những hành động mới này là để giành giật về quyền lợi kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau đó là băng cháy.

Việc Trung Quốc triển khai các tàu hải cảnh và tàu thăm dò địa chấn đến bãi Tư Chính, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chính là nhằm ngăn chặn Việt Nam khẳng định các quyền lợi hợp pháp của mình trước khi các bên đạt được một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Trong khi đó, nhiều học giả Mỹ nhận định, đây là một chiến thuật mới của Trung Quốc, “chiến thuật pháp lý Tứ Sa”. Thủ đoạn này hình thành sau phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS, bác bỏ tuyên bố “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn.

"Trung Quốc muốn sử dụng “chiến thuật pháp lý Tứ Sa” để thay thế cho cái gọi là "đường 9 đoạn" của họ đã bị hầu hết dư luận khu vực và quốc tế lên án và bị Tòa trọng tài thường trực phủ nhận phủ nhận. Ý đồ mới nhất của Bắc Kinh là chiến tranh pháp lý trở thành một trong ba công cụ trong chiến tranh thông tin của Trung Quốc. Hai công cụ kia là chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý", ông Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Viện Hudson, Giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc nói.

Một số tờ báo phương Tây đưa tin, "Tứ Sa" mà Trung Quốc nhắc đến là 4 cấu trúc giữa Biển Đông bao gồm: quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; quần đảo Trường Sa của Việt Nam; bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa; khu vực bãi Pratas mà Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa.

Do đó, đã đến lúc cộng đồng quốc tế, không chỉ là các quốc gia ASEAN, cùng nỗ lực chung để đảm bảo an ninh hàng hải, hòa bình và sự tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Và ngay từ bây giờ, theo ông Swee Lean Collin: "Nếu không có một phản ứng cứng rắn từ phía cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc, nhất là hành động tại bãi Tư Chính, các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại trong những năm tới. Lý do đơn giản là Bắc Kinh rất hào hứng nhận ra rằng các hành động cưỡng ép của họ đã mang lại hiệu quả.

Từ đó, điều này sẽ trở thành một động lực không chỉ cho Trung Quốc mà còn là các nước khác trong và ngoài khu vực đang nhen nhóm ý định bình thường hoá các hành vi cưỡng ép trở thành bộ công cụ tiêu chuẩn trong cách hành xử quốc gia khi mà lẽ phải sẽ thuộc về kẻ nắm quyền. Như lịch sử đã chỉ ra, nhân nhượng sẽ chỉ gây ra nhiều hành động gây hấn hơn bởi những kẻ hung hăng cường quyền biết rằng sẽ không có giới hạn nào cho các hành động của họ".

Huyền Chi (tổng hợp)

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文