Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và đồng minh “phủ bóng đen” Hội nghị G7 2018

08:57 09/06/2018
Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ tiếp tục tranh luận trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về mức thuế mới nhằm vào các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ các nước đồng minh của Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm 2018 diễn ra trong một thời điểm hết sức khó khăn, đó là nhận định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như nhiều chuyên gia, sau khi Mỹ thẳng tay áp thuế nhập khẩu một số mặt hàng với cả những đồng minh và đối tác quan trọng, động thái khiến nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự khác cũng có thể bị lu mờ.

Canada, nước chủ tịch của G7 năm 2018, đã thiết lập chương trình nghị sự, đồng thời tổ chức Hội nghị thượng đỉnh cùng các cuộc họp cấp Bộ trưởng và các sự kiện liên quan khác. 

Năm nay, Hội nghị G7 diễn ra trong hai ngày 8 và 9-6 tại vùng Charlevoix thuộc tỉnh Quebec của Canada, tập trung vào 5 chủ đề chính, bao gồm: Đầu tư vào tăng trưởng phù hợp với mọi người; chuẩn bị cho công việc của tương lai; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và sử dụng năng lượng sạch; xây dựng một thế giới yên bình và an toàn hơn. 

Tuy vậy, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và đồng minh đang leo thang, nhiều khả năng chủ đề chính của Hội nghị G7 năm nay sẽ bị các thành viên “tạm gác qua một bên” để tập trung vào vấn đề nóng là thuế quan. 

Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp trong chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau dự đoán rằng cuộc thảo luận về kinh tế toàn cầu trong ngày đầu tiên có khả năng sẽ bị lu mờ và nhanh chóng biến thành tranh cãi về vấn đề thương mại.

Nguyên thủ các nước G7 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 43 tại Taormina, Italy tháng 5-2017.

Hôm 31-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với nhôm và 25% lên thép nhập khẩu từ các nước đồng minh, chấm dứt hai tháng miễn trừ. 

Quyết định này khiến EU, Canada và Mexico, những nước trước đó được hưởng miễn trừ tạm thời khỏi quyết định áp thuế, phản ứng mạnh mẽ, làm nghiêm trọng hóa căng thẳng thương mại trong khu vực Bắc Mỹ và bên kia bờ Đại Tây Dương. 

Nhiều chuyên gia nhận định, quyết định này của Tổng thống Mỹ không chỉ đẩy người dân nước này vào cảnh phải đối mặt với tình trạng nhiều mặt hàng khi chúng đột ngột tăng giá theo nhôm và thép mà nó cũng có thể đẩy Mỹ vào tình thế tranh chấp thương mại trên nhiều mặt trận. 

EU, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo rằng khu vực này sẽ có biện pháp trả đũa thích đáng, như áp thuế 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như xe máy, vải bò, thuốc lá, nước ép việt quất và bơ đậu phộng... 

Lệnh áp thuế này của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình tái đàm phán Hiệp định NAFTA mà Mỹ từng là thành viên cùng với Canada và Mexico. 

Ngay sau khi lệnh áp thuế của Mỹ được công bố, Thủ tướng Canada Trudeau đã bày tỏ rằng quan điểm của ông về các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn “nhất quán và rõ ràng” trong Hội nghị G7. 

Ông Trudeau từng bày tỏ sự thất vọng khi Canada bị Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilber Ross cho là “mối đe dọa tới an ninh quốc gia”. 

“Thử tưởng tượng thép của Canada được sử dụng trong quân đội hay các phương tiện quân sự của Mỹ, hay nhôm do Canada sản xuất được sử dụng trong máy bay, mà là máy bay của Mỹ giờ lại bị coi là một mối đe dọa? Thẳng thắn mà nói, điều này rất mỉa mai và không thể chấp nhận được”, NBC trích lời Thủ tướng Canada trong một buổi phỏng vấn. 

Ngay sau quyết định áp thuế của Nhà Trắng, Canada, quốc gia xuất khẩu thép số một sang Mỹ, đã tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa lên hàng hóa xuất khẩu trị giá 13 tỷ USD bao gồm bia, rượu whisky và giấy vệ sinh. 

Canada đồng thời quyết định kiện Mỹ lên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Lệnh áp thuế của Tổng thống Mỹ cũng làm mất lòng đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương, trong đó có Pháp, cũng là thành viên của G7. 

Phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo nước chủ nhà G7 tại thủ đô Ottawa ngày 6-6, người đứng đầu nước Pháp thừa nhận, Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong một thời điểm khó khăn. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới sẽ gây sức ép đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump về các mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm thép và nhôm của các đồng minh, song vẫn giữ thái độ mềm mỏng để thuyết phục ông Trump thay đổi suy nghĩ. 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo, sẽ có các cuộc thảo luận thẳng thắn quanh bàn G7, đặc biệt là với Tổng thống Mỹ về vấn đề thương mại, cũng như các mức thuế quan mà chính quyền Mỹ đã áp đặt với nhiều nước, trong đó có các đồng minh Liên minh châu Âu, Canada và Nhật Bản. 

Tuyên bố của lãnh đạo Canada và Pháp đã phần nào phản ánh căng thẳng liên quan đến thương mại đang đe dọa, phủ bóng đen lên Hội nghị G7 năm nay. 

Giới chuyên gia cũng không loại trừ khả năng, Hội nghị G7 cũng sẽ không đưa ra được tuyên bố chung như Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 diễn ra một tuần trước cũng tại Canada.

Tuần trước, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 đã diễn ra hết sức căng thẳng, thậm chí là biến thành cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Mỹ và các đồng minh trong nhóm về quyết định áp thuế nhập khẩu nhôm và thép của phía Washington. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, đại diện Mỹ tham dự Hội nghị đã phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ Bộ trưởng Tài chính của các nước G7 khác. Kết quả là sau 3 ngày làm việc “căng như dây đàn”, cuộc thượng đỉnh bế mạc mà không đưa ra được bản tuyên bố chung. 

“Chúng tôi không che giấu việc các nhà lãnh đạo chưa có được tiếng nói chung trong một số vấn đề. Tuy nhiên, giá trị của G7 nằm ở việc họ có thể tranh luận thẳng thắn”, quan chức Canada tham dự hội nghị nói. 

Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ tiếp tục tranh luận trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về mức thuế mới nhằm vào các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ các nước đồng minh của Mỹ. 

Các chuyên gia nhận định rằng, động thái này của Mỹ, không chỉ sẽ đẩy cao nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác, mà sẽ trở thành bóng đen bao trùm Hội nghị G7 năm nay.

Duy Tiến

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文