Cảnh báo vòng xoáy bạo lực mới tại Venezuela
- Venezuela: Tổng thống sẽ bị phế truất bởi một cuộc trưng cầu dân ý?
- Khủng hoảng ở Venezuela: Bom hẹn giờ sắp nổ?
- Venezuela cáo buộc Tham tán sứ quán Mỹ làm gián điệp
Động thái của phe đối lập đưa ra sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) Venezuela tuyên bố đình chỉ việc thu thập chữ ký của 20% cử tri nước này (4 triệu chữ ký) để mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý phế truất Tổng thống Maduro, người đang có chuyến công du nước ngoài.
Cáo buộc Chính phủ của Tổng thống Maduro tiến hành “đảo chính” được Quốc hội Venezuela do phe đối lập chiếm đa số đưa ra trong một phiên họp bất thường nhằm thúc đẩy một phiên tòa chính trị xét xử người đứng đầu nhà nước, diễn ra hôm 23-10 (giờ địa phương).
Tại phiên họp, các nghị sĩ đối lập tố cáo tuyên bố của CNE “làm đổ vỡ trật tự Hiến pháp” và rằng, ông Maduro đã rời bỏ vị trí tổng thống khi thực hiện chuyến công du Trung Đông mà không được sự đồng ý của Quốc hội. Đại diện đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền tại Quốc hội đã tố cáo phe đối lập âm mưu tiến hành đảo chính.
Một phiên họp của Quốc hội Venezuela. |
Bên cạnh đó, các nghị sĩ kêu gọi người dân Venezuela “chủ động bảo vệ” hiến pháp bằng cách biểu tình và tuyên bố sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế “kích hoạt các cơ chế” để khôi phục hệ thống dân chủ tại quốc gia Mỹ Latinh này.
“Các cuộc đảo chính liên miên đã và đang xảy ra tại Venezuela mà đỉnh cao quyết định tước bỏ của chúng ta một cuộc trưng cầu dân ý. Chúng tôi ở đâu để chính thức tuyên bố về sự sụp đổ một cách đáng tiếc và đau đớn của hiến pháp” - lãnh đạo phe đối lập đa số tại Quốc hội Julio Borges cho biết.
Bên cạnh đó, ông Borges còn kêu gọi tổ chức một phiên tòa chính trị và pháp lý chống lại Tổng thống Maduro về các hành vi “vi phạm dân chủ, nhân quyền và phá hoại tương lai đất nước”.
Các nghị sĩ đảng đối lập cũng đã tạm hoãn việc bỏ phiếu để đưa ông Maduro ra xét xử như những lời đe dọa mà họ từng đưa ra trước đây. Tuy nhiên, những chính trị gia ủng hộ Tổng thống Maduro lại cho rằng, đây chỉ là “một màn kịch” của phe đối lập.
Cụ thể, phe đối lập đang gian lận cũng như đang có ý định đảo chính để giành quyền kiểm soát kho dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. “Đừng cố gắng lợi dụng tình cảnh khó khăn này để kết liễu đất nước” - nghị sĩ Earle Herrera tỏ ra bất bình.
Trong khi đó, phát biểu từ Trung Đông, Tổng thống Maduro kêu gọi các bên bình tĩnh. “Tôi kêu gọi mọi người giữ hòa bình, đối thoại, tôn trọng pháp luật và trật tự, không làm bất cứ điều gì điên rồ” - ông Maduro nhấn mạnh.
CNE thì kêu gọi các bên tiến hành các cuộc đối thoại nhằm duy trì hòa bình và ổn định đất nước. Tháng trước, cơ quan này cho biết đã loại trừ khả năng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trong năm nay và chỉ có thể diễn ra đầu năm tới sau khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Hiến pháp Venezuela.
Theo cuộc thăm dò mới nhất, có tới 80% số người được hỏi nói rằng, Tổng thống Maduro có thể sẽ bị bãi nhiệm nếu nước này tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân. Nền kinh tế Venezuela lâm vào khủng hoảng đã dẫn đến bất ổn chính trị.
Theo hãng tin Reuters, sau khi ông Maduro lên giữ chức Tổng thống thay người tiền nhiệm Hugo Chavez, mâu thuẫn bùng nổ khi các nhóm nghị sĩ Quốc hội cho rằng, ông Maduro điều hành chính phủ không hiệu quả khiến nền kinh tế Venezuela suy thoái, dẫn đến đời sống người dân xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Vào thời điểm hiện tại, nền kinh tế Venezuela vẫn tiếp tục lao dốc trong bối cảnh giá dầu thế giới chưa tăng. Nước này đang đối mặt với tình trạng lạm phát 475% và theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tăng lên 1.660% trong năm tới.
Giữa lúc căng thẳng chính trị gia tăng tại Venezuela, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero, nhà trung gian hòa hòa giải đối thoại giữa hai bên cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp với phe đối lập chính phủ vào cuối tuần này ở thủ đô Caracas.
Trước đó, trong thông cáo ngày 21-10, hơn 10 nước ở Tây bán cầu, trong đó có Mỹ, Chile, Uruguay... tuyên bố việc đình chỉ tiến trình tổ chức trưng cầu dân ý và ngăn chặn các thủ lĩnh đối lập rời khỏi đất nước ảnh hưởng đến nỗ lực đối thoại, tìm giải pháp hòa bình cho những bất đồng chính trị tại Venezuela. Còn giới quan sát thì cảnh báo về một vòng xoáy bạo lực mới tại quốc gia 30 triệu dân này.