Tổng thống Mỹ thăm Cuba: Chuyến thăm lịch sử và cơ hội lịch sử

09:12 22/03/2016
Đó là tuyên bố đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay khi đặt chân tới La Habana trong chuyến thăm chính thức Cuba kéo dài từ ngày 20 đến 23-3. Chuyến thăm chính thức Cuba đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ trong gần 90 năm qua được dư luận đánh giá là một dấu ấn quan trọng, mở ra hy vọng chấm dứt hơn nửa thế kỷ lạnh nhạt và đối địch giữa hai bên...


Phát biểu trước các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, Tổng thống Obama khẳng định: “Thật tuyệt vời khi tôi có mặt trên quốc đảo này. Đây là một chuyến thăm lịch sử và cơ hội lịch sử để kết nối trực tiếp với người dân Cuba, thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới, xây dựng mối quan hệ giữa người dân hai nước. Đối với bản thân tôi, đây cũng là cơ hội để đưa ra tầm nhìn về một tương lai sáng hơn so với quá khứ giữa hai nước”.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đón Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân tại sân bay quốc tế José Martí.

Chuyến thăm này được đánh giá là “lịch sử” vì là lần thứ hai một nguyên thủ Mỹ tới đảo quốc Caribe này sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge hồi năm 1928. Chuyến thăm cũng là “cơ hội lịch sử” bởi nó diễn ra vào thời điểm quan trọng, không chỉ giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại kinh tế song phương mà còn củng cố chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama khi ông còn chưa đầy một năm nữa là hết nhiệm kì.

Trước tiên, chuyến thăm sẽ mang lại lợi thế không nhỏ cho ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Thực tế cho thấy, khối cử tri Mỹ quan tâm nhất tới quan hệ Mỹ - Cuba chính là những người gốc Cuba. 

Theo một số kết quả thăm dò ý kiến, có tới 90% cử tri trẻ người Mỹ gốc Cuba ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trong khi số lượng cử tri gốc Cuba ủng hộ Đảng Cộng hòa đã giảm xuống 47% so với 64% cách đây một thập kỷ. Những cử tri trẻ tuổi này là những người không vướng mắc gì với quá khứ và chiếm số đông so với nhóm cử tri lớn tuổi người Mỹ gốc Cuba vốn vẫn còn bất mãn và định kiến sâu sắc với chính quyền La Habana.

Trên mặt trận ngoại giao, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện quan hệ giữa Mỹ và khu vực Mỹ Latin vốn đang rạn nứt trong nhiều năm qua. Cho tới nay, chính sách cấm vận đối với Cuba chính là rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin, khiến Mỹ trở nên lạc lõng trong khu vực.

Chuyến thăm lần này là bước đi quan trọng tiếp theo trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba mà ông Obama đang tích cực thúc đẩy thông qua chính sách tương tác và khuyến khích, thay vì các biện pháp mang tính áp đặt và can thiệp mà Mỹ sử dụng không chỉ đối với Cuba mà còn một số quốc gia khác trong nhiều năm qua. 

Quan hệ ấm lên với Cuba sẽ tạo cơ hội để Mỹ có cách tiếp cận hiệu quả hơn trong vấn đề Venezuela, nước đang rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, qua đó tiếp tục gây ảnh hưởng tới các quốc gia Mỹ Latinh khác vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu mỏ của Venezuela.

Về kinh tế, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ được coi là đòn bẩy cho đầu tư, thương mại, khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Mỹ với sự góp mặt của đại diện một số tập đoàn lớn trong đoàn tháp tùng ông Obama. Các công ty nông sản Mỹ coi đây là sự kiện bước ngoặt để giành lại thị phần đã mất tại Cuba nhờ lợi thế về chất lượng và giá thành sản phẩm cũng như chi phí vận tải thấp.

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama tới Cuba sau 88 năm là bước đi quan trọng trong nỗ lực hàn gắn quan hệ ngoại giao song phương. Tuy nhiên, để mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba tiếp tục đi đúng hướng như mong muốn phải cần một tiến trình lâu dài, đòi hỏi cần phải giải quyết những vấn đề then chốt chất chứa qua hơn 5 thập kỷ, chứ không thể giải quyết được chỉ trong một chuyến thăm. Vấn đề lớn nhất hiện nay là lòng tin giữa hai nước vẫn chưa đủ vững chắc.

 Báo Granma, cơ quan của Đảng Cộng sản Cuba khẳng định lập trường của Chính phủ Cuba rằng, để bình thường hóa quan hệ, điều quyết định là việc Mỹ phải xóa bỏ cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính, đã và đang ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của nhân dân Cuba cũng như là rào cản chính đối với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới chủ quyền của Cuba cũng phải được giải quyết để bình thường hóa quan hệ hai nước, như việc trao trả phần lãnh thổ bị Washington chiếm đóng trái phép trên Vịnh Guantanamo; loại bỏ các chương trình mang tính can thiệp và có mục đích khuấy động bất ổn và thay đổi trật tự chính trị, kinh tế và xã hội tại Cuba. Tương tự, Mỹ phải từ bỏ âm mưu tạo dựng một phe chính trị đối lập tại Cuba. 

Ngoài ra, chính quyền Washington cần phải chấm dứt hành vi xâm phạm về phát thanh và truyền hình chống lại Cuba, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và việc sử dụng trái phép các phương tiện viễn thông cho các mục đích chính trị, song song với đó là việc ngừng các chính sách cũ không còn phù hợp với giai đoạn mới mà chính phủ Mỹ đang bắt đầu gây dựng với Cuba.

Về phía Mỹ, diễn biến chính sách đối với Cuba sẽ phụ thuộc nhiều vào ai sẽ là Tổng thống nhiệm kỳ tới, khi mà quan điểm về Cuba của ứng cử viên các đảng vẫn còn khá khác biệt. Trong khi phe đảng Dân chủ mong muốn tiếp nối thành quả của ông Obama thì các ứng cử viên của đảng Cộng hòa hoặc phản đối hoặc chưa có chính sách cụ thể đối với quốc đảo này. 

Hơn nữa, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với Cuba trong hơn 50 năm qua, một trở ngại vô cùng lớn trong quan hệ song phương, sẽ không thể thực hiện trong một sớm một chiều khi đảng Cộng hòa vốn luôn cứng rắn với Cuba lại là phe có tiếng nói quyết định trong Quốc hội Mỹ hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文