Cơ hội cho thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit

13:52 28/05/2020
Một loạt các trang thông tấn châu Âu mới đây đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng xem xét lại lập trường của khối này liên quan đến vấn đề nghề cá đối với Anh, vốn được coi là "bài kiểm tra" về cái gọi là "sân chơi công bằng" giữa hai bên.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Brusels thực sự nhượng bộ London trong lần đàm phán vào tuần tới thì cơ hội cho một thỏa thuận Anh - EU hậu Brexit là rất lạc quan.

EU sẽ đưa ra nhượng bộ đầu tiên đối với Anh trong vòng đàm phán vào đầu tháng 6 tới? Nguồn: AP.

Nhượng bộ đầu tiên từ EU

Theo thông tin từ nguồn thân cận mà Reuters, Euronews, DW đăng tải ngày 27-5 thì các lãnh đạo EU hiện có quan điểm tích cực hơn đối với Anh trong việc đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai bên hậu Brexit. Cụ thể, nguồn tin nêu rõ rằng EU sẵn sàng xem xét lại lập trường chính sách trong việc tiếp cận đầy đủ các ngư trường của Anh.

Nguồn tin này cũng cho hay, phía EU có động thái linh hoạt hơn như vậy là bởi phát ngôn mà ông Michael Gove, người được Thủ tướng Boris Johnson giao phụ trách việc chuẩn bị cho tình huống Brexit không thoả thuận đưa ra.

"Chính phủ Anh vẫn duy trì cam kết đạt được một thỏa thuận thương mại tự do, song thành công phụ thuộc vào việc EU thừa nhận nước Anh bình đẳng với họ về chủ quyền", ông Michael Gove tuyên bố.

Một quan chức EU giấu tên đánh giá, đây đều là những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong lập trường hai phía. Thứ nhất, cả hai cùng nhận ra rằng đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng ra sao. Thứ hai, EU muốn tìm kiếm một sự thỏa hiệp là bởi họ tính toán được rằng nếu duy trì lập trường ban đầu với những điều kiện hiện nay về đánh bắt cá thì sẽ rất khó thực hiện.

Giới phân tích chính trị thế giới bình luận, nếu Brussels thực sự nhượng bộ London trong lần đàm phán vào tuần tới thì cơ hội cho một thỏa thuận Anh - EU hậu Brexit là rất lạc quan. Quan trọng hơn hết, để đàm phán thương mại có tiến triển, cả Anh và EU cùng phải nhượng bộ. Trong khi EU cần thể hiện sự thỏa hiệp hơn nữa, thì Chính phủ Anh cũng cần linh hoạt hơn trong đường hướng của mình.

Trước đó, vòng đàm phán hôm 15-5 về vấn đề này đã gây bất đồng sâu sắc giữa hai bên, làm gia tăng nguy cơ không thỏa thuận. EU muốn giữ nguyên trạng các quy định để ngư dân của ít nhất tám quốc gia thành viên có quyền tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của Anh và xem đây như một phần của một thỏa thuận thương mại tổng thể.

Tuy nhiên, phía Anh phản đối và đòi hỏi áp dụng mô hình hợp tác giữa EU và Na Uy hiện nay, tức là hai bên sẽ thảo luận từng năm một để đưa ra phạm vi và hạn mức đánh bắt cá cho từng bên, đồng thời muốn tách bạch riêng vấn đề đánh bắt cá khỏi thỏa thuận tự do thương mại.

Và những nỗ lực của nước Anh

Telegraph mới đây đã có bài phỏng vấn với ông Fabian Zuleeg, Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu về thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit. Bàn về những nỗ lực của Chính phủ Anh trong việc đàm phán với EU, ông Fabian Zuleen nói: "Đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới phải thiệt hại quá nhiều. Những người đứng đầu nước Anh cũng không phải ngoại lệ với loại virus này. Thế nhưng, dù nhiễm COVID-19, ông Boris Johnson và cộng sự giữa bộn bề khó khăn vẫn đưa ra được văn bản dự thảo dài hàng trăm trang để đàm phán, tránh việc phải yêu cầu EU gia hạn giai đoạn chuyển tiếp. Dù kết quả ra sao, nỗ lực này đều đáng được ghi nhận".

Theo Reuters, việc Anh khởi động thương lượng với Mỹ thời gian gần đây chính là bước đi khôn khéo, góp phần tạo lợi thế cho London trên bàn đàm phán với EU. Tờ này cũng nhận định, việc cố tình và chủ ý bồi thêm một cú sốc kinh tế nữa trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay sẽ là cực kỳ liều lĩnh. Ông Boris Johnson hiểu rõ, tình hình thậm chí sẽ lộn xộn hơn khi Anh bước vào năm 2021 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào để giải quyết thương mại song phương.

Về lý thuyết, Anh có thể yêu cầu gia hạn chuyển tiếp trong một hoặc hai năm, nhưng phải thông báo cho EU về yêu cầu của họ trước ngày 1-7. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho đến nay đã loại bỏ khả năng gia hạn thời kỳ chuyển tiếp Brexit vào cuối năm, kể cả khi EU yêu cầu để giảm bớt sức nóng chính trị của vấn đề này tại Anh, hay chính ông cho rằng 11 tháng là không đủ để đạt được một thỏa thuận thương mại "không thuế, không hạn ngạch" giữa Anh và EU. Trong trường hợp đạt được một thỏa thuận thương mại, quan hệ giữa Anh và EU sẽ bị cắt đứt vào cuối năm 2020.

Một thỏa thuận mới sẽ cho phép hai bên bắt đầu một quan hệ đối tác mới. Nếu không, hoạt động trao đổi thương mại, di chuyển và vô số các mối quan hệ khác giữa hai bên sẽ thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm. Hàng hóa trao đổi giữa Anh và 27 nước EU sẽ bị đánh thuế, kiểm soát nhập khẩu theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Linh Đan (Tổng hợp)

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文