Đình chỉ INF: Nga không khoan nhượng trước Mỹ và NATO!
- NATO úp mở cách thức cứu vãn Hiệp ước INF vào phút chót
- Nga ra cảnh báo 'lạnh gáy' với NATO
- Nhìn lại 30 năm hiệp ước hạt nhân Mỹ-Liên Xô
“Rắn giọng” với NATO
Trong thông báo chính thức về dự luật do Chính phủ Nga công bố hôm 3-7 (giờ địa phương), song song với việc đình chỉ thực thi INF, Nga sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe dọa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan đến hiệp ước này, mặc dù khẳng định Moscow không muốn dấn thân vào một cuộc chạy đua vũ trang.
Động thái trên được tiến hành trong bối cảnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi cuối tháng 6 từng khẳng định liên minh quân sự sẽ có phản ứng phối hợp nếu Nga không tuân thủ INF và không phá hủy tên lửa mới Novator 9M729 trong vòng 5 tuần tới.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký phê chuẩn Dự luật đình chỉ thực thi Hiệp ước INF được cho là nhằm đáp trả những hành động đơn phương của Mỹ và mối đe dọa từ phía NATO. Ảnh: RT |
Cụ thể, NATO sẽ xem xét tiến hành các cuộc tập trận, hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như các biện pháp phòng không nếu INF đổ vỡ. NATO cũng không loại trừ khả năng điều chỉnh hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa, nhằm đối phó những mối đe dọa tiềm tàng từ hệ thống tên lửa mới của Nga. Cần nói thêm rằng, các quan chức NATO luôn có xu hướng cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về việc Mỹ quyết định rút khỏi INF.
Phản ứng trước những tuyên bố có tính đe dọa từ phía NATO, hãng tin Nga TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, việc NATO cố gắng mô tả những gì đang diễn ra như một biện pháp chính trị-quân sự đáp trả các hành động của Nga về bản chất là hành động đánh lạc hướng dư luận thế giới. Vì vậy, Nga cần triển khai các biện pháp quân sự đối kháng trước các mối đe dọa này.
Quan chức ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh trong những năm gần đây, các nước NATO đã thể hiện thái độ nước đôi trong quan hệ với Nga, vừa răn đe vừa đối thoại. Vì lẽ đó, Nga cũng sẽ thể hiện thái độ tương tự. Theo đó, Nga sẽ vừa kiềm chế các ý định gây hấn của NATO, vừa thúc đẩy đàm phán với các nước thành viên của tổ chức này.
Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ giới chức NATO đang muốn thảo luận về các vấn đề liên quan Ukraine trong cuộc đối thoại với quan chức Hội đồng An ninh Nga. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là điện Kremlin sẵn sàng thực hiện điều này.
Không khoan nhượng trước Mỹ
Các chuyên gia nhận định, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn Dự luật đình chỉ INF không chỉ đáp trả lời đe dọa của NATO, mà quan trọng hơn là nhằm vào Mỹ, trong bối cảnh những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu đang gia tăng sau khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.
Mỹ đã chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong Hiệp ước INF từ ngày 2-2 với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng. Quyết định bất ngờ của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến hàng loạt nước quan ngại, trong đó có cả các đồng minh châu Âu của Washington.
Các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đặt hi vọng vào việc Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ảnh: CNN |
Nga ngay lập tức bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm hiệp ước. Ngày 6-2, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một đòn trả đũa tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Sau đó, Tổng thống Putin ngày 4-3 đã ký sắc lệnh về việc Nga đình chỉ tham gia hiệp ước này. Theo sắc lệnh này, Tổng thống Putin đã chỉ đạo đình chỉ hiệp ước INF cho đến khi Washington ngừng những hành động vi phạm INF.
Đến ngày 18-6 vừa qua, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã phê chuẩn dự luật đình chỉ việc thực thi Hiệp ước INF, mở đường cho việc Dự luật đình chỉ thực thi INF ra đời. Phát biểu sau khi Duma thông qua dự luật, Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin nhấn mạnh: "Chúng tôi thông qua dự luật này xuất phát từ sự cần thiết bảo vệ lợi ích quốc gia. Việc Mỹ thông qua quyết định đình chỉ INF đã đe dọa toàn bộ hệ thống an ninh toàn cầu”.
Chỉ một ngày sau, Hội đồng An ninh Nga cũng buông lời cảnh báo rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể dẫn tới nguy cơ trở lại thế đối đầu giữa các cường quốc thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào xoay quanh động thái này của Nga. Trong khi đó, những diễn biến mới xoay quanh căng thẳng về INF đang khiến nhiều nước trên thế giới nghi ngại rằng một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu đang gia tăng.
Mặc dù vậy, trả lời phỏng vấn tờ báo Corriere della Sera của Italia hôm 4-7, Tổng thống Putin cho biết, Nga sẵn sàng tăng cường các cuộc đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ quân bị và ổn định chiến lược; nhấn mạnh rằng việc Nga và Mỹ đạt được các giải pháp cụ thể trong các vấn đề chiến lược và giải trừ quân bị sẽ góp phần tăng cường ổn định quốc tế.
Trước đó, phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật Bản hôm 29-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố, Nga sẽ làm tất cả để có thể cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Đây là lúc các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đặt hi vọng vào việc Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km. |