Giao tranh ác liệt và tương lai khó đoán định của Libya

07:48 10/04/2019
Lãnh đạo lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), Tướng Khalifa Haftar, ngày 4-4 thông báo về chiến dịch quân sự nhằm giành lại Tripoli, tuyên bố thủ đô sẽ sụp đổ trong 48 giờ kèm theo một video cho thấy 10 phương tiện vũ trang có biểu tượng của lực lượng LNA đang tiến vào thủ đô của Libya, một động thái làm bùng lên nguy cơ nội chiến đẫm máu ở đất nước vốn trải qua nhiều năm xung đột.


Trong bối cảnh đó, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận lại dường như khá bất ngờ trước động thái này. GNA đã huy động các lực lượng dân quân khác nhau để bảo vệ thủ đô và quyết định tiến hành các cuộc không kích nhằm chống lại lực lượng của Tướng Haftar. 

Ngày 8-4, lực lượng LNA đã thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng dân quân của chính phủ lâm thời Libya ở phía Nam thủ đô Tripoli và sân bay ở trung tâm thành phố. Theo các chuyên gia, cuộc tấn công của lực lượng LNA nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli chỉ là vấn đề thời gian. Giành được kiểm soát toàn bộ khu vực Benghazi ở phía Đông Libya năm 2017, Tướng Haftar trong năm qua đã tăng cường mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát, đồng thời vẫn tham gia thảo luận với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya. 

Lực lượng của Tướng Haftar cho biết đã chiếm giữ khu vực xung quanh sân bay của Tripoli, trong khi phía GNA bác bỏ tuyên bố này. Ảnh minh họa Reuters

Tháng 1-2019, lực lượng của Tướng Haftar tiến hành một cuộc tấn công để giành quyền kiểm soát các mỏ dầu quan trọng ở phía Nam. Vào cuối tháng đó, lực lượng này đã tiến vào Sabha, thành phố lớn nhất miền Nam Libya. Cuộc nổi dậy và tấn công do Tướng Haftar khởi động diễn ra trong bối cảnh người dân ở phía Tây Libya đang ngày càng thất vọng và phẫn nộ trước thực trạng đất nước.

Tình hình tại Tripoli cũng như các thành phố khác của Libya đang ngày càng bất ổn khi tội phạm, tình trạng mất an ninh và tham nhũng có xu hướng gia tăng trong khi điều kiện sống của người dân đi xuống, kinh tế suy giảm và các dịch vụ y tế, xã hội gần như tê liệt. Riêng thủ đô Tripoli cũng bị chia rẽ bởi các lực lượng dân quân khác nhau và bản thân Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya cũng ngày một suy yếu với nạn tham nhũng tràn lan. 

Trong bối cảnh đó, Tướng Haftar lại đang nỗ lực xây dựng hình ảnh như một nhà lãnh đạo quân sự mạnh mẽ, một người có thể thống nhất đất nước và mang lại sự ổn định cho Libya.

Trong tình hình giao tranh dữ dội, giới chức hàng không Libya ngày 8-4 đã đình chỉ các chuyến bay đến thủ đô Tripoli sau trận không kích nhằm vào Mitiga, sân bay duy nhất còn hoạt động tại thành phố này. Theo số liệu của Bộ Y tế Libya, tính đến ngày 8-4, ít nhất 32 người thiệt mạng và khoảng 50 người khác bị thương trong các vụ giao tranh. 

Tuy vậy, các phản ứng quốc tế trước tình hình tại Libya được cho là còn khá e dè. Liên hợp quốc ngày 8-4 đã kêu gọi các bên tham chiến ở Libya tạm ngừng chiến sự để lực lượng cứu hộ khẩn cấp có thể giải cứu những người dân còn mắc kẹt lại ở thủ đô Tripoli trong khi khoảng 3.400 người khác đã tháo chạy khỏi khu vực này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày cho biết ông hết sức quan ngại và đang theo dõi sát sao tình hình ở Libya. 

Ông cho biết phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình ở thủ đô Tripoli. Cũng trong ngày 8-4, Điều phối viên Liên hợp quốc về Hoạt động Nhân đạo ở Libya, bà Maria Ribeiro đã nhắc lại các bên tham chiến phải có trách nhiệm bảo vệ dân thường theo các đạo luật về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế. Trong khi đó, đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách khu vực Trung Đông và châu Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết, Moscow kêu gọi toàn bộ các lực lượng ở Libya tìm kiếm các giải pháp chính trị, và nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố. 

Đồng quan điểm, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Libya cần giữ bình tĩnh. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đã lên tiếng kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Libya cũng như quay trở lại các cuộc đàm phán chính trị. Động thái gần đây của Mỹ trước tình hình này là rút quân đóng tại quốc gia Bắc Phi này về nước. 

Cùng với đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington “quan ngại sâu sắc” về diễn biến giao tranh gần thủ đô Tripoli, đồng thời cho biết Mỹ đang tìm cách “chấm dứt” cuộc tấn công này. Ông cũng hối thúc tất cả các bên liên quan “ngừng khẩn cấp leo thang những căng thẳng”.

Giữa lúc lửa đạn vẫn chưa yên tại Libya, giới quan sát đã vẽ ra nhiều viễn cảnh có thể xảy ra tại đất nước này. Cuộc tấn công Tripoli nhiều khả năng sẽ giống những gì từng xảy ra ở Benghazi trong 3 năm qua; gây ra thương vong lớn cho dân thường cũng như phá hủy các cơ sở hạ tầng và thậm chí là làm tiêu tan những kỳ vọng của Tướng Haftar trong việc tiến vào thủ đô Tripoli như một “người hùng”.

Trong viễn cảnh khác, Tướng Halfta được cho là khó có thể giành được chiến thắng nhanh chóng khi điều này phụ thuộc vào việc liệu ông có thể huy động các lực lượng dân quân tham gia và giúp ông giành quyền kiểm soát Tripoli hay không. Rút quân sớm là một viễn cảnh khác được tính đến. 

Theo đó, lực lượng Quân đội Quốc gia Libya sẽ dừng cuộc tấn công của họ và tiếp tục củng cố các vị trí chiến lược nhằm gây sức ép cho thủ đô Tripoli. Điều này có thể diễn ra sau một vài vòng đàm phán với sự xuất hiện của Liên hợp quốc hoặc không và Tướng Haftar sẽ ở thế “tay trên”, theo Al Jazeera.

Tình hình thực tế ở Libya đang thay đổi nhanh chóng và rất khó đoán định. Dù bất kỳ viễn cảnh nào xảy ra, Libya vẫn sẽ tiếp tục là “chảo lửa” của cuộc khủng hoảng ở Bắc Phi và là mối quan tâm lớn với các quốc gia láng giềng. Cùng thời điểm, lo ngại cuộc xung đột Libya có thể lan sang Algeria, các nhà lãnh đạo nước này hối thúc việc đưa ra một giải pháp chính trị ở Libya và chủ trì một số cuộc họp giữa các chủ thể của Libya.

Với Algeria, lực lượng GNA và lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Libya phải dàn xếp các cuộc xung đột ổn thỏa thì quốc gia này mới có thể đảm bảo sự ổn định. Algeria cũng hiểu rõ rằng chiến dịch của Tướng Haftar đang gây nguy hiểm và có nguy cơ đe dọa sự ổn định này. Hơn nữa, trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Bắc Phi, Algeria coi các đồng minh Arab của Tướng Haftar như Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia là những kẻ thù địa chính trị.

Duy Tiến (Tổng hợp)

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文