Hoa Kỳ đẩy mạnh cuộc chiến chống IS
Theo lời một quan chức quốc phòng cấp cao, nỗ lực này của Bộ Quốc phòng Mỹ, với mục tiêu chặn đứng các kế hoạch truyền thông của IS vốn đã và đang là thách thức lớn đối với các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ, hiện đang được tiến hành với sự hợp tác cao độ, và đang có hiệu quả.
Phó chỉ huy lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu về hoạt động và tình báo, Thiếu tướng Không quân Mỹ Peter Gersten cho biết, hiện một đội gồm 65 chuyên gia thuộc Bộ Tư lệnh An ninh mạng đang hoạt động tại Trung Đông chịu trách nhiệm về chiến dịch tấn công này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu hôm 25-4 tại Hannover, Đức. |
Tuy Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và cũng là người đứng đầu Bộ Tư lệnh An ninh mạng Michael Rogers từ chối cung cấp thêm chi tiết về các chiến dịch tấn công trên, nhưng tờ Thời báo New York hôm 24-4 đã công bố một báo cáo cho biết Bộ trên đã cài phần mềm theo dõi vào mạng lưới của IS.
Phần mềm này cho phép các chuyên gia có thể giám sát và mô phỏng các hoạt động mạng của IS, thậm chí thay đổi các tin nhắn từ các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này, nhằm “bẫy” các tay súng IS đến các khu vực Mỹ tiến hành không kích. Việc sử dụng các công nghệ mạng ngăn chặn IS vốn đã được giới chức Mỹ nhắc đến từ trước.
Hồi tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joe Dunford cho biết, Washington đã quyết định đẩy mạnh cuộc chiến chống IS, đồng thời ám chỉ chiến tranh mạng sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến với tổ chức này.
Trong một nỗ lực khác, phát biểu tại Hannover (Đức) hôm 25-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo đã phê chuẩn kế hoạch triển khai thêm 250 binh sĩ đến Syria, trong đó có cả các đơn vị đặc nhiệm, nâng tổng số binh sĩ Mỹ đang chiến đấu chống lại IS tại quốc gia Trung Đông này lên 300 người.
Theo ông chủ Nhà Trắng, việc triển khai này là nhằm đẩy mạnh đà tiến của các lực lượng đặc nhiệm vốn đã hoạt động tại Syria để đánh đuổi IS ra khỏi những khu vực chủ chốt. Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì những thành tựu đã đạt được trong cuộc chiến chống IS, nhưng các lực lượng Mỹ sẽ “không đóng vai trò tiên phong” trong cuộc chiến này, mà chỉ “đào tạo và hỗ trợ các lực lượng địa phương”.
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng, Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể làm nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS. Tuyên bố của ông Obama đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders.
Nhóm đối lập tại Syria mang tên “Liên minh các lực lượng dân chủ Syria” (SDF) cũng hoan nghênh tuyên bố trên, song hối thúc Washington hỗ trợ nhiều hơn nữa, kể cả việc cung cấp các tên lửa chống tăng dẫn đường. Người phát ngôn SDF Talal Silo nói: “Bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ (Mỹ) cung cấp đều tích cực, nhưng chúng tôi hi vọng sẽ có sự hỗ trợ lớn hơn nữa. Cho tới nay, chúng tôi mới chỉ được cung cấp đạn dược, và chúng tôi hi vọng sẽ nhận được thêm các thiết bị quân sự”.
Về hoạt động của IS, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nhận định rằng, tổ chức khủng bố này có mạng lưới ở khắp lãnh thổ các quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Italy và Bỉ; đồng thời tuyên bố Washington tiếp tục có các bằng chứng chứng minh IS đang lên kế hoạch tấn công tại Anh, Đức và Italy.
Theo Giám đốc Clapper, ở một số cấp độ, các tay súng IS đang lợi dụng cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu để thực hiện âm mưu tấn công khủng bố vào những quốc gia ở “lục địa già”.
Trung Đông trở thành hang ổ của khủng bố Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế đang diễn ra ở Moskva, ngày 27-4, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov cho rằng, việc Mỹ can thiệp vào Trung Đông là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn leo thang tại khu vực này. Mỹ đã biến nhiều quốc gia trong khu vực thành hang ổ của khủng bố. Tướng Gerasimov chỉ ra rằng, việc Washington tiến hành “dân chủ hóa” các quốc gia Trung Đông bằng cách can thiệp sâu vào nội bộ, đồng thời thủ tiêu các nhà lãnh đạo của những nước này đã khiến lực lượng các quốc gia này bị phân tán, dẫn đến tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm khủng bố như cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra đời, và bành trướng lực lượng. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga cũng nêu rõ, cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn tại khu vực Trung Đông. Trần Linh (theo Nước Nga ngày nay) |