Hội nghị COP24: Nỗ lực hồi sinh Thỏa thuận Paris
- Triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại miền Trung - Tây Nguyên
- G7 quyết thúc đẩy thỏa thuận Paris vắng mặt Mỹ
200 tỷ USD của WB
Ngày 4-12, WB đã công bố những mục tiêu mới về ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2021-2025, với số vốn tài trợ trong 5 năm tăng gấp đôi, lên khoảng 200 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các nước thực hiện những hành động đầy tham vọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch mới tăng đáng kể nguồn tài chính cho các hoạt động thích ứng và nâng cao khả năng chịu đựng, do tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất thế giới.
Kế hoạch này cũng thể hiện kỳ vọng đang gia tăng mạnh mẽ của WB, đồng thời gửi một tín hiệu quan trọng đến cộng đồng toàn cầu nhằm cùng hành động. Số tiền 200 tỷ USD của WB bao gồm khoảng 100 tỷ USD tài chính trực tiếp từ WB (IBRD/IDA) và khoảng 100 tỷ USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA), cùng với số vốn của các nhà đầu tư tư nhân do WB huy động.
Những nước nghèo như Bangladesh sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Shutterstock. |
Một trong những ưu tiên quan trọng là tăng cường hỗ trợ để nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu, do hàng triệu người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Với việc tăng mạnh nguồn tài chính trực tiếp cho các hoạt động thích ứng lên đến khoảng 50 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2025, đây sẽ là lần đầu tiên WB coi vấn đề này quan trọng ngang với các hoạt động đầu tư giảm phát thải.
“Nhiều người đang mất đi mạng sống và sinh kế do những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân, nhưng đồng thời cũng phải thích nghi với những hậu quả, thường ảnh hưởng nghiêm trọng nhất lên những người nghèo nhất trên thế giới,” bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc WB nói: "Đây là lý do tại sao WB cam kết tăng nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD. Các hoạt động hỗ trợ sẽ giúp xây dựng hệ thống dự báo chất lượng cao, hệ thống cảnh báo sớm và dịch vụ thông tin khí hậu để hơn 250 triệu người tại 30 nước đang phát triển sẽ được chuẩn bị tốt hơn trước những rủi ro khí hậu. Ngoài ra, các hoạt động đầu tư dự kiến cũng sẽ phát triển các hệ thống bảo trợ xã hội thích ứng với khí hậu hơn tại 40 quốc gia, và đầu tư cho nông nghiệp thông minh với khí hậu ở 20 quốc gia".
Được biết, trong năm 2018, WB đã cấp số vốn kỷ lục 20,5 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng gấp đôi ngân sách thực hiện trong năm trước khi ký Thỏa thuận Paris và hoàn thành mục tiêu của năm 2020 trước 2 năm.
Và quyết tâm của Liên hợp quốc
Trên thực tế, nhiệt độ tăng, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất dày đặc và diễn biến phức tạp đã khiến biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới trong thế kỷ 21. Báo cáo của 27 chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường được đăng trên tạp chí "The Lancet" cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống của hàng trăm triệu người, thay đổi cấu trúc gen của các virus bệnh truyền nhiễm, tác động đến vấn đề an ninh lương thực, nước sạch và không khí.
Nước biển dâng cũng là một hệ lụy của biến đổi khí hậu. Ước tính vào năm 2030, lượng khí nhà kính có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất ở ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Để giữ nhiệt độ thế giới tăng dưới 2 độ C, các nước cần phải nỗ lực gấp 3 hiện nay.
Ba năm trước, tại Hội nghị COP 21, đại diện 195 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Nhưng việc hiện thực hóa những nhiệm vụ này lại không hề đơn giản, nhất là khi Mỹ vừa tái khẳng định không tham gia thỏa thuận, còn Brazil đe dọa cũng có hành động tương tự.
Ngay tại ngày làm việc đầu tiên hôm 3-12 của Hội nghị COP 24 diễn ra tại thành phố Katowice, Ba Lan, LHQ cũng đã hối thúc đại biểu các nước nhanh chóng thảo luận và thông qua Bộ Quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres còn kêu gọi các nước hành động khẩn cấp để đối phó với tình trạng Trái đất ấm lên.
Ông Guterres cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới cần nghiêm túc nhìn nhận mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với thiên nhiên và con người và đồng thời yêu cầu các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký LHQ cũng nhấn mạnh cần thiết phải có sự chuyển đổi toàn diện cách khai thác và sử dụng năng lượng trong nền kinh tế toàn cầu, cũng như có những biện pháp nhằm quản lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ khóa 73 Maria Espinosa khẳng định, các nước sẽ phạm sai lầm nếu lựa chọn giữa mục tiêu kiềm chế tốc độ ấm lên của Trái đất và vấn đề việc làm.
"Các xã hội cần phải thích ứng, tăng cường nhận thức về vấn đề này, nếu không sẽ phải đối mặt với những nguy cơ lớn đe dọa sự sống của con người và hành tinh Xanh. Một báo cáo gần đây của LHQ đã cảnh báo rằng, thời gian sắp hết nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu đầy tham vọng trong Thỏa thuận Paris, giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp", bà Maria Espinosa nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận Paris 2015 đối với thế giới, sau khi trình bày Tuyên bố mang tên "Sự chuyển tiếp công bằng" kêu gọi giảm phát thải khí nhà kính, có tính đến nhu cầu của người dân và nền kinh tế của từng quốc gia, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đồng thời bày tỏ hy vọng một cuốn cẩm nang với những hướng dẫn quy chuẩn sẽ được thông qua tại hội nghị.
Ông nói: "Đối phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đối thoại và hợp tác của nhiều thực thể, trong đó có các chính phủ và tổ chức xã hội. Tôi kêu gọi có sự đồng thuận của tất cả những nước tham gia thỏa thuận, cũng như sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, giới doanh nghiệp và người dân, để thực thi thỏa thuận có hiệu quả". Nhiều nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu cũng đã đăng đàn tại Hội nghị, kêu gọi các nước nhất trí với mục tiêu giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường cùng những cam kết để thực hiện mục tiêu nói trên.
Diễn ra vào đúng thời điểm then chốt trong cuộc chiến của nhân loại nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu, Hội nghị COP 24 tại Ba Lan đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận quốc tế. Tuy nhiên, sự thành công của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chính trị. Nhưng trên hết, chỉ có sự hợp tác cùng nhau giữa các quốc gia mới là cách duy nhất giải quyết mối đe dọa toàn cầu về biến đổi khí hậu.