Hội nghị G20: Những lo lắng về xung đột thương mại leo thang
- Những cuộc gặp đậm dấu ấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20
- 20.000 cảnh sát bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh G-20
Tại hội nghị kéo dài 2 ngày này, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã tái khẳng định mối lo ngại về sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại sẽ đe dọa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhấn mạnh rằng, với những biện pháp hạn chế thương mại đang được triển khai và đang trong quá trình chuẩn bị, IMF đã dự báo về một kịch bản tồi tệ khi GDP toàn cầu có nguy cơ sụt giảm tới 430 tỷ USD.
Có quan điểm tương đồng, Bộ trưởng Tài chính Brazil Eduardo Guardia cho rằng, căng thẳng thương mại gia tăng và chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang tạo ra nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông nói: “Căng thẳng trong thương mại không có tác động tích cực đối với thương mại toàn cầu, sự cởi mở của các nền kinh tế hay tăng năng suất. Thương mại tự do là một trong những động lực cho tăng năng suất - đó là những gì chúng ta cần. Tăng năng suất nhiều hơn sẽ dẫn đến tăng trưởng. Vì vậy, bất cứ những bước đi nào chống lại thương mại tự do, kéo theo đó là tăng trưởng và sản xuất cũng là một vấn đề khiến chúng ta lo ngại”.
Bộ trưởng Tài chính Brazil kêu gọi các nước thảo luận sự cần thiết phải thúc đẩy cải cách để bảo vệ các nền kinh tế, đặc biệt tại các quốc gia có thị trường đang nổi lên bị tác động mạnh trong những tháng gần đây
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 21-7. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN |
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã lên tiếng chỉ trích các động thái của Mỹ gần đây khi tăng thuế đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu.
Ông nhấn mạnh các chính sách hướng nội không mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, đồng thời kêu gọi duy trì đà tăng trưởng kinh tế thông qua “thương mại dựa trên các quy tắc tự do và công bằng”.
Theo ông, Washington không nên áp thuế với mục đích giảm thâm hụt thương mại mà nên sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô. Bất chấp những lời kêu gọi trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vẫn tỏ ra cứng rắn khi không phát đi tín hiệu nào cho thấy Mỹ sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề thương mại.
Ông Mnuchin hối thúc Trung Quốc và EU tôn trọng “thương mại tự do, công bằng và tương xứng”. Đối với Trung Quốc, Bộ trưởng Mnuchin cũng để ngỏ khả năng lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 500 tỷ USD sẽ được hiện thực hóa.
Tuyên bố của ông Mnuchin đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire. Ông Bruno Le Maire cho rằng chính Mỹ phải có bước đi đầu tiên nhằm giảm leo thăng căng thẳng.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22-7, Hiệp hội các ngành công nghiệp Đức (BDI) cảnh báo Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính việc đe dọa và áp thuế gần đây của Tổng thống Donald Trump đối với châu Âu. Cảnh báo trên được đưa ra ngay trước cuộc đàm phán về thương mại giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junke với người đứng đầu Nhà Trắng, dự kiến diễn ra vào ngày 25-7 tới.
Chủ tịch BDI Dieter Kempf cho rằng, các loại thuế dưới vỏ bọc an ninh quốc gia cần phải được dỡ bỏ, đồng thời nhấn mạnh tại cuộc gặp mang tính quan trọng này, Chủ tịch EC Jean-Claude Junke cần làm rõ với Tổng thống Mỹ rằng Washington sẽ tự gây hại bằng chính việc áp thuế nhập khẩu ôtô và phụ tùng ôtô.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại DIHK của Đức, Eric Schweitzer cho hay ông hoan nghênh nỗ lực của Chủ tịch EC Jean-Claude Junke trong việc thuyết phục Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ các mức thuế đối với thép và ngừng áp thuế đối với ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ EU.
Thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng mà khởi đầu là biện pháp áp thuế nhôm, thép nhập khẩu lần lượt là 10% và 25% do Mỹ đưa ra nhằm điều chỉnh cán cân thương mại giữa quốc gia này và các đối tác trên thế giới, tạo ra một chuỗi liên hoàn các biện pháp đối kháng.
Đầu tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 20% đối với mọi ôtô lắp ráp tại EU. Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ôtô của chính nước Mỹ và có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại trị giá lên tới 294 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.