Không kích IS hiệu quả, uy tín của Tổng thống Nga tăng cao
Chỉ trong hơn một tuần, các cuộc không kích của Nga đã đánh trúng hơn 110 mục tiêu của IS, san phẳng hơn 40% công trình của tổ chức này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov ngày 13/10 xác nhận: “Trong 24h qua, các chiến đấu cơ Su-34, Su-24M và Su-25SM đã ném bom vào 86 mục tiêu của tổ chức khủng bố ở Rakka, Hama, Idlib, Lakatia và Alepo”.
Tướng Konashenkov cho biết, trong những ngày tới, các chiến đấu cơ của Nga sẽ tăng số lượng chuyến bay trên bầu trời Syria, tập trung không kích vào các trụ sở chỉ huy, kho đạn dược, nhà máy, các trại huấn luyện, các khu tập trung và tài chính của IS. Thực tế cho thấy, chiến dịch không kích của Nga đã giúp người dân Iraq và Syria thấy được một bước ngoặt sau hơn một năm nỗ lực tấn công nhưng phần lớn là không hiệu quả của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Hay nói cách khác, họ đã nhìn ra được chính sách của Mỹ tại hai nước này là “mò mẫm và lúng túng”.
Những người ủng hộ chính quyền Syria đi tuần hành, cầm biểu ngữ với dòng chữ “Cảm ơn nước Nga”. Ảnh: AP. |
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng như người dân hai nước Syria và Iraq đã lên tiếng ủng hộ ông chủ Điện Kremlin, coi ông là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Chuyên gia Sohban Elewi của Syria cùng ngày nói với hãng tin AP rằng: “(Tổng thống) Putin làm nhiều hơn là chỉ nói”. Tiến sĩ Samir Haddad đến từ Homs (Syria) nhận định, Nga đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân đội và người dân Syria.
Tiến sĩ Hadda bày tỏ: “Tổng thống Putin có một tính cách nổi bật và quyến rũ, và rõ ràng là dần dần các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu ghi nhận sự can thiệp của Nga vào Syria, hoặc công khai hoặc chưa công khai”. Tại Iraq dường như để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Putin, giữa các bức tranh kiến trúc Baghdad, nhà thờ Hồi giáo và tranh phong cảnh ở thủ đô Baghdad, một số cửa hàng mỹ thuật đã bắt đầu bán các bức chân dung của nhà lãnh đạo Nga.
Anh Hussein Krim, một sinh viên y khoa 21 tuổi từ Baghdad, nhận định: “Nga không chơi trò chơi. Họ là những người giải quyết vấn đề, và họ làm những việc đó âm thầm và hiệu quả, không giống như người Mỹ thích làm tất cả mọi thứ trước máy quay phim, chụp ảnh”.
Với tiêu đề “Đường tới Damascus phải qua Moskva”, tờ The Los Angeles Times (Mỹ) ngày 13/10 đăng tải bài bình luận trong đó nêu rõ, Nga đã thành công trong việc xoay chuyển cục diện tại Syria, khôi phục ảnh hưởng của Moskva và đặt Washington vào thế khó xử. Chính phủ Nga thậm chí còn tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền Iraq: “Một số chính trị gia Iraq thậm chí còn mời Nga tiến hành hoạt động không kích chống IS ở nước này”.
Tác giả bài báo chỉ ra rằng, sự chậm chạp trong hành động của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạo điều kiện cho Nga dễ dàng nói rằng, chiến lược tốt nhất chống lại IS là hỗ trợ cho chính quyền hiện nay của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bài báo còn nhận định việc phân biệt rạch ròi cái gọi là những chiến binh “ôn hòa” với IS cực đoan không hề đơn giản. Bài báo kết luận, nỗ lực chung Nga - Mỹ tuy không phải là phương thức hoàn hảo, nhưng là con đường “hứa hẹn nhất để tìm ra một giải pháp cho khủng hoảng Syria – nơi cả hai hiện có những mặt lợi ích trùng lặp. Muốn vậy, giới chức Mỹ cần từ bỏ lối “đập bàn đập ghế” khi nói về Nga “xâm lấn” Syria, nhận thức rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và giờ là lúc ngồi vào bàn để thể hiện tài năng, nghệ thuật lãnh đạo”. Tư lệnh Quân đội Mỹ tại châu Âu Ben Hodges trong một bài phỏng vấn gần đây cũng khẳng định sự góp mặt của Nga trong chiến dịch chống IS ở Syria là rất cần thiết: “Chúng tôi cần có Nga trong cuộc chiến chống lại IS”. Một tờ báo khác của Mỹ, tờ Washington Post cũng trong ngày 13-10 đưa tin Nhà Trắng hiện đang lo ngại không quân Iran bắt đầu cùng Nga không kích IS ở Syria, với sự hỗ trợ của trung tâm tình báo mới lập ở Badghad, Nga, Iran, Syria và Iraq điều hành. Một quan chức quân sự khu vực Trung Đông trước đó tiết lộ: “Những sự chuẩn bị cho trận đánh lớn tại khu vực là quá rõ ràng. Đã có sự điều động quy mô lớn của quân đội Syria... các tay súng Hezbollah tinh nhuệ, và hàng nghìn lính Iran đã tới (Syria) trong những ngày gần đây”.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Putin cho biết Nga đang tìm cách nâng mức độ hợp tác song phương với Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Theo nhà lãnh đạo Nga, cần phải hợp tác nhiều hơn nữa với Mỹ trong việc chia sẻ thông tin tình báo để hai bên có thể thông báo cho nhau các mục tiêu tấn công tại Syria, nhằm tránh những va chạm không đáng có. Để cuộc chiến chống khủng bố đạt hiệu quả, cần phải khuyến khích các lực lượng trong nước cùng hợp tác tiêu diệt kẻ thù chung rồi sau đó mới tính đến giải pháp chuyển giao chính trị. Ngoài Mỹ, ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất trong cuộc chiến chống IS.