Lệnh ngừng bắn thứ hai giữa Armenia-Azerbaijan đổ vỡ

08:48 20/10/2020
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh đã tiếp diễn chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn nhân đạo thứ hai có hiệu lực lúc rạng sáng 18/10, bất chấp những lời kêu gọi cương quyết của cộng đồng quốc tế.

Các vụ đụng độ giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tiếp tục diễn biến phức tạp trong ngày 19 và 18/10 tại khu vực Nagorno-Karabakh, khi cả hai bên cùng cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn nhân đạo mới có hiệu lực từ 0h ngày 18/10, Sputnik đưa tin.

Trong thông báo trên Twitter ngày 18/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia nói rằng, “Azerbaijan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn chỉ sau 4 phút” khi nã pháo vào phía Bắc và phóng pháo phản lực về phía Nam vùng Nagorno-Karabakh, gây nhiều thiệt hại. Lực lượng thân Armenia ở khu vực khẳng định, các đợt pháo kích vẫn được Azerbaijan tiến hành trong ngày 19/10, đồng thời thừa nhận đã mất 710 binh sĩ trong đợt giao tranh mới với Azerbaijan.

Ở chiều ngược lại, Azerbaijan ra tuyên bố chỉ trích các lực lượng Armenia đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận mới khi khai hỏa vào khu vực Jabrayil “2 phút” sau khi lệnh ngừng bắn bắt đầu và liên tiếp tấn công trong ngày 18/10.

“Azerbaijan cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, Azerbaijan có quyền triển khai các biện pháp đối phó để bảo vệ dân thường và vị trí của mình”, Bộ Ngoại giao Azerbaijan nhấn mạnh. Hôm 18/10, phía Azerbaijan cũng khẳng định họ đã bắn hạ một máy bay cường kích Su-25 của Armenia khi nó đang hoạt động gần Nagorno-Karabakh.

Các binh sĩ Azerbaijan tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường một vụ tấn công rocket ở thành phố Ganja. Ảnh: Reuters

Ngày 19/10, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thông báo, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát thêm nhiều khu định cư, làng mạc dọc đường giới tuyến Tây Nam Nagorno-Karabakh.

AlJazeera cho biết đây là lệnh ngừng bắn nhân đạo thứ hai có dấu hiệu đổ vỡ từ khi Armenia và Azerbaijan lao vào đợt xung đột mới nhất ở Nagorno-Karabakh hôm 27/9. Theo các tuyên bố độc lập của hai bên, số người chết vì đợt giao tranh này, bao gồm cả dân thường, có thể đã lên đến gần 4.000 người.

Cách đây hơn một tuần, sau cuộc gặp chính thức ở Moscow dưới vai trò trung gian của Nga, Armenia và Azerbaijan đã thông qua lệnh ngừng bắn vì lý do nhân đạo đầu tiên để mở đường cho hoạt động trao đổi tù binh và thi thể người thiệt mạng, có hiệu lực từ hôm 10/10, nhưng văn kiện này đã lập tức sụp đổ khi hai bên tham chiến cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước.

Theo TASS, hai bên đi đến thỏa thuận thứ hai sau các cuộc điện đàm ngày 17/10 của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với người đồng cấp Armenia và Azerbaijan, trong đó, ông Lavrov đã phát thông điệp rõ ràng rằng, cả hai phải tuân thủ nghiêm các đồng thuận đạt được ở Moscow.

Phản ứng trước việc các đợt giao tranh đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan chưa được kiềm chế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 18/10 đã lên án “tất cả các cuộc tấn công nhằm vào những khu vực dân cư” ở trong và xung quanh vùng xung đột Nagorno-Karabakh.  Ông Guterres nêu rõ, việc dân thường, gồm trẻ em, phải thiệt mạng vì giao tranh là điều không thể chấp nhận được. Người đứng đầu cơ quan LHQ bày tỏ “hối tiếc khi các bên xung đột tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi nhiều lần của cộng đồng quốc tế về việc ngừng giao tranh ngay lập tức”.

Trong các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan, ông Guterres nhấn mạnh, cả hai nước đều có trách nhiệm bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng theo luật nhân đạo quốc tế; đồng thời kêu gọi cả hai sớm nối lại đàm phán dưới sự chủ trì của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Pháp Mỹ làm đồng Chủ tịch.

Từ Brussels, đại diện Liên minh châu Âu (EU) một mặt hoan nghênh Armenia và Azerbaijan tiến đến một lệnh ngừng bắn mới, nhưng cũng chỉ trích việc các bên vi phạm thỏa thuận này.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, ông vừa có các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan, trong đó kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn một cách “nghiêm ngặt và vô điều kiện”. Vài tuần qua, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia có ảnh hưởng cũng đều lên tiếng hối thúc hai bên kiềm chế xung đột.

Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được quốc tế công nhận thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi.

Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Tranh cãi về vùng đất này khiến hai bên lao vào cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Sau cuộc chiến, phần lớn diện tích Nagorno-Karabakh do lực lượng thân Armenia kiểm soát. Chính quyền ở Nagorno-Karabakh thành lập Cộng hòa Artsakh tự xưng, theo Sputnik, nhưng không được quốc tế công nhận.

Giới quan sát đánh giá, việc cả hai thỏa thuận ngừng bắn mới nhất đều bị vi phạm nhanh chóng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng và phức tạp của cuộc xung đột giữa hai quốc gia Nam Kavkaz, một trong những hành lang đường ống vận chuyển dầu và khí đốt quan trọng của thế giới. Trong bước đi khác nhằm tìm cách hóa giải khủng hoảng, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã đề nghị triển khai quan sát viên thuộc quân đội Nga tới khu vực Nagorno-Karabakh để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn, song ý tưởng này không nhận được sự ủng hộ của Azerbaijan.

Ngày 19/10, một nguồn tin tiết lộ với Sputnik rằng, 1.000 tay súng từ Syria đã được triển khai đến Nagorno-Karabakh hôm 16/10. Pháp hồi đầu tháng tuyên bố các tay súng Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu bên cạnh lực lượng Azerbaijan chống lại Armenia, nhưng Tổng thống Azerbaijan Aliyev đã bác bỏ thông tin. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phủ nhận trực tiếp tham gia xung đột ở Nagorno-Karabakh, dù cam kết hỗ trợ Azerbaijan bằng mọi biện pháp.

Từ Yerevan, Tổng thống Armenia Armen Sarkissian ngày 18/10 tuyên bố, Armenia có thể cân nhắc công nhận chủ quyền của vùng Nagorno-Karabakh nếu Azerbaijan không tuân thủ cam kết đã nêu trong các cuộc đối thoại, bước đi chắc chắn sẽ khiến Baku phản ứng dữ dội.

Thiện Nhân

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文