Leo thang xung đột giữa Lebanon và Israel

07:14 03/09/2019
Đấu pháo vẫn dữ dội và ác liệt ở khu vực biên giới Lebanon-Israel bất chấp lời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa của phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (LHQ) ở Lebanon. Thậm chí, chính quyền Tel Aviv còn đặt quân đội nước này trong tình trạng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.


“Ăn miếng trả miếng”

Hãng tin Sputnik hôm 1-9 cho hay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo quân đội sẵn sàng ứng phó với bất kỳ kịch bản nào sau vụ phong trào Hồi giáo Hezbollah nã tên lửa vào nước này.

Ông Benjamin Netanyahu thậm chí còn viết một status trên mạng xã hội Twitter với hàm ý rằng, một khi bị tấn công, Israel sẽ đáp trả bằng 100 quả đạn pháo. “Chúng ta đã bị tấn công bởi một số tên lửa chống tăng. Chúng ta đã đáp trả bằng 100 quả đạn pháo, hoả lực trên không và nhiều biện pháp khác. Chúng ta đang tiến hành tham vấn về những bước đi tiếp theo.

Gần thị trấn Avivim ở phía Bắc Israel, sát biên giới với Lebanon đã xuất hiện những cột lửa khi hai bên đấu súng. ảnh: Getty

Tôi đã chỉ thị cho quân đội sẵn sàng cho mọi kịch bản và chúng ta sẽ quyết định tương lai phù hợp với diễn biến tình hình”, Thủ tướng Benjamin Netanyahu viết. Tin từ hãng Reuters cho hay, trong hôm 1-9, các xe tăng của Israel đã pháo kích nhiều cứ điểm của Hezbollah, gần ngôi làng Maroun al-Ras ở Lebanon – nơi được cho là địa điểm mà Hezbollah đã phóng các tên lửa chống tăng để tấn công miền Bắc Israel. Trước đó, từ hôm 27-8, quân đội Israel đã được triển khai dọc biên giới với Lebanon.

Các khí tài quân sự cũng được di chuyển quanh khu vực này. Trong thông cáo đưa ra hôm 28-8, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho hay, đơn vị này quyết định rằng việc di chuyển các phương tiện quân sự dọc tuyến đường biên giới cần phải được sự đồng ý của từng cá nhân. Còn người dân khu vực này vẫn duy trì các hoạt động hàng ngày nhưng phải luôn đề phòng.

Về phía Hezbollah, phong trào này cho rằng, các tên lửa được phóng từ Lebanon đã phá hủy một chiếc xe tăng, giết chết và làm bị thương một số quân nhân của Israel. Người phát ngôn của Hezbollah nói với các phóng viên rằng, tên lửa Hezbollah đã gây ra thiệt hại trên căn cứ quân sự của Israel, bắn trúng xe cứu thương quân sự và trở thành “mối đe doạ chiến lược” đối với IDF…

Phóng viên Zeina Khodr của hãng Al Jazeera, báo cáo từ thủ đô Beirut của Lebanon, cho biết Hezbollah đang đổ lỗi cho Israel đã giết chết hai thành viên của tổ chức này ở Syria và đang đổ lỗi cho Israel về sự kiện hai máy bay không người lái xâm phạm không phận khi đi vào vùng ngoại ô phía Nam Beirut để lấy cớ trả thù.

"Đây là lần đầu tiên Hezbollah tuyên bố một cuộc tấn công vào Israel kể từ cuộc chiến năm 2006 giữa Hezbollah và Israel”, Zeina Khodr nói. Còn Harry Fawcett, phái viên của hãng Al Jazeera ở miền Bắc Israel cho biết, Israel đã chuẩn bị trả thù bởi hôm 25-8, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah nói trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng Israel "phải trả giá" và rằng "cần phải trả lời quyết định".

Và lời kêu gọi của Liên hợp quốc

Trên thực tế, xung đột ở biên giới Lebanon-Israel luôn liên quan đến một loạt các cuộc đụng độ quân sự giữa Israel, Lebanon và Syria, tổ chức Hezbollah, cũng như các tổ chức dân quân phi quốc gia khác hoạt động bên trong Lebanon từ năm 1978. Năm 1982, Israel xâm chiếm Lebanon một lần nữa và chỉ rút hết quân vào năm 1985, nhưng vẫn kiểm soát vùng đệm an ninh 12 dặm, được tổ chức với sự trợ giúp của các chiến binh ủy nhiệm trong Quân đội Nam Lebanon (SLA).

Năm 1985, Hezbollah, một phong trào cực đoan Hồi giáo dòng Shiite kêu gọi đấu tranh vũ trang để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với lãnh thổ Lebanon. Khi cuộc nội chiến ở Lebanon kết thúc và các phe phái chiến tranh khác đồng ý giải giáp vũ khí, Hezbollah và SLA đã từ chối tham gia.

Chiến đấu với Hezbollah đã làm suy yếu quyết tâm của Israel và dẫn đến sự sụp đổ của SLA và một cuộc rút quân của Israel năm 2000 về phía biên giới do LHQ chỉ định. 6 năm sau đó, Hezbollah vẫn tiếp tục các cuộc tấn công xuyên biên giới không liên tục; tìm cách thả công dân Lebanon bị giam giữ trong các nhà tù của Israel và sử dụng thành công chiến thuật bắt lính Israel làm đòn bẩy cho một cuộc trao đổi tù nhân năm 2004.

Nhưng việc bắt giữ hai binh sĩ Israel của Hezbollah đã kích hoạt Chiến tranh Lebanon năm 2006. Lệnh ngừng bắn sau đó kêu gọi giải giáp Hezbollah và Israel tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Lebanon. Kể từ năm 2015 đến nay, tình hình nói chung vẫn không mấy yên ắng vì cả hai bên đã nhiều lần vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn.

Lần này, căng thẳng Lebanon-Israel bùng phát từ hôm 25-8 khi chính quyền Beirut liên tiếp cáo buộc máy bay không người lái của Tel Aviv xâm phạm không phận. Khi Israel gia tăng thêm các hoạt động quân sự, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã gọi cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp để thảo luận về các sự kiện và ngăn chặn tình hình leo thang thành một cuộc chiến toàn diện.

Ông Saad Hariri cũng yêu cầu Mỹ, Pháp và cộng đồng quốc tế can thiệp vào các vấn đề giữa hai nước ở biên giới phía Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp thì cho hay, nước này vẫn đang thường xuyên liên lạc với Lebanon để theo đuổi nỗ lực giải quyết hoà bình mâu thuẫn giữa hai quốc gia láng giềng Trung Đông.

Trong khi đó, Mỹ tuy bày tỏ quan ngại về an ninh khu vực này nhưng lại cho biết họ ủng hộ quyền tự vệ của Israel và rằng tổ chức Hezbollah nên kiềm chế các hành động thù địch đe dọa đến an ninh, ổn định và chủ quyền của Lebanon.

Người đứng đầu lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ (UNIFIL) ở Lebanon, Thiếu tướng Stefano Del Col hôm 1-9 đã hối thúc các bên kiềm chế tối đa và khẳng định “UNIFIL đang theo dõi vụ nổ sung qua Ranh giới Xanh giữa Lebanon và Israel”.

Còn người phát ngôn của UNIFIL Andrea Tenenti nhấn mạnh: “Đây là một sự cố nghiêm trọng, vi phạm nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ và rõ ràng hướng vào việc phá hoại sự ổn định trong khu vực. Các bên cần phải kiềm chế hành động vì hoà bình và an ninh trong khu vực”.

Phan Hiển

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文