Liên Hợp Quốc xem xét lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên
- CHDCND Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch: Những dư chấn ở Đông Bắc Á
- Chủ tịch Triều Tiên thăm các đơn vị quân đội sau vụ thử bom nhiệt hạch
- Sau vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên: ‘Cơn mưa’ trừng phạt và những nghi vấn
Dự thảo nghị quyết này sẽ được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ xem xét vào sáng 27-2 và có thể bỏ phiếu ngay trong phiên họp vào cuối tuần. Hãng tin Foxnews dẫn lời của Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết, dự thảo nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên dài 22 trang với mục đích là cấm các hoạt động cung cấp về năng lượng hàng không, nguyên liệu phát triển tên lửa và đưa vào danh sách đen các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Bà Samantha Power nhấn mạnh: “Dự thảo này cần phải thực hiện ngay để chấm dứt các hoạt động trong chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên”.
Đồng thời, Đại sứ Mỹ tại LHQ cũng cảnh báo rằng việc Bình Nhưỡng tuyên bố lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H) đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Vì thế, trong dự thảo nghị quyết này, Mỹ đã đề xuất tăng cường một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có kiểm tra tất cả các chuyến hàng biển tới và rời khỏi CHDCND Triều Tiên. Lệnh này cũng cấm đối với các tàu của Bình Nhưỡng bị nghi là chở những mặt hàng phi pháp được rời các bến cảng trên khắp thế giới. Các nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ nếu giao dịch với Bình Nhưỡng cũng sẽ phải chịu sự trừng phạt.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một chương trình huấn luyện phi công của quân đội CHDCND Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA. |
Bà Samantha Power nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời CHDCND sẽ bị thanh tra. Chúng tôi cũng đề xuất áp đặt lệnh cấm vận CHDCND Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm…”. Thêm vào đó, văn kiện này sẽ liệt vào danh sách đen 17 cá nhân và 12 thực thể CHDCND Triều Tiên.
Hãng tin Reuters cho biết, dự thảo nghị quyết này được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ sau khi Mỹ và Trung Quốc (đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng) nhất trí được gói biện pháp trừng phạt sau 7 tuần đàm phán căng thẳng. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre đã gọi những đề xuất này là “chưa từng có” và cho rằng động thái cứng rắn này của Washington-Bắc Kinh có thể “phá vỡ chu kỳ các hành vi thiếu trách nhiệm của CHDCND Triều Tiên, đưa họ trở lại bàn đàm phán”.
Tờ The Guardian của Anh thì gọi đây là “sự đột phá” bởi trong dự thảo nghị quyết, Mỹ và Trung Quốc đã đề nghị đưa vào danh sách đen 3 cơ quan chủ chốt của Bình Nhưỡng liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa. Đó là Tổng cục Trinh sát, Bộ Công nghiệp Năng lượng nguyên tử và Cơ quan Phát triển không gian vũ trụ quốc gia.
Hãng AP thì dẫn lời một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói: “Đây là một bản dự thảo nghị quyết quan trọng và đầy đủ” và nếu được thông qua, đây cũng sẽ là những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất mà LHQ áp dụng đối với CHDCND Triều Tiên. Còn Trung Quốc thì bày tỏ hy vọng rằng, một nghị quyết mới sẽ có lợi và phát huy tác dụng kiềm chế chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên để các bên có thể quay trở lại bàn đàm phán, đối thoại nhằm giải quyết hoàn toàn vấn đề này.
Được biết, hôm 6-1, CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch, đánh dấu vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của nước này. Sau đó, đến ngày 7-2, CHDCND Triều Tiên tiếp tục phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất. Vụ phóng này bị Mỹ và Hàn Quốc cho là vỏ bọc của một vụ thử tên lửa tầm xa, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngay sau đó, tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã đưa ra những cảnh báo mới về nguy cơ Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân lần thứ 5 mà không báo trước. Đồng thời, giới chức Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có nhiều cuộc gặp gỡ để bàn thảo về các biện pháp trả đũa CHDCND Triều Tiên và cách thức hợp tác nhằm gia tăng tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới chống lại CHDCND Triều Tiên, trong đó gồm cấm các tàu của nước thứ ba đi vào Nhật Bản sau khi đã qua các cảng CHDCND Triều Tiên, cấm chuyển hàng hóa hoặc tiền tới CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc thì ngừng hoàn toàn các hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong nằm trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.