Liên minh cầm quyền ở Đức “phân cực” vì chính sách nhập cư

09:31 25/06/2018
Vấn đề tị nạn hiện đang là tâm điểm căng thẳng tại châu Âu khi gây ra các bất đồng nghiêm trọng giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Không những thế, còn đe dọa gây ra khủng hoảng chính trị tại Đức khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel đang có những bất đồng sâu sắc về chính sách tị nạn với đồng minh trong liên minh cầm quyền là đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Những bất đồng này được nhận định sẽ cản trở việc đạt được một thỏa thuận di cư ở cấp độ toàn châu Âu.

Ba năm sau quyết định mở cửa biên giới Đức cho người di cư từ Syria, Iraq và nhiều nơi khác, bà Angela Merkel vẫn đang vật lộn để tìm 1 giải pháp bền vững nhằm chấm dứt làn sóng chỉ trích của các đồng minh trong liên minh cầm quyền, do sự phản đối của đảng liên minh CSU đối với các chính sách tị nạn.

Thủ lĩnh đảng CSU và cũng là Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Horst Seehofer, là một trong những người kịch liệt chỉ trích lập trường tự do của đương kim Thủ tướng Đức, cho phép hàng triệu người tị nạn vào nước này từ năm 2015. 

Thủ tướng Angela Merkel (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer. Ảnh: DPA.

Lãnh đạo đảng CSU và Bộ trưởng Horst Seehofer nhất trí gia hạn việc thực hiện kế hoạch tị nạn mà ông Seehofer đưa ra đến sau Hội nghị thượng đỉnh của EU, dự kiến diễn ra vào 28 – 29-6 tới.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức, CSU sẽ chờ đợi giải pháp từ Thủ tướng Angela Merkel cho các bất đồng giữa Liên minh Dân chủ (CDU) và CSU trong chính sách tị nạn của Đức. Ông cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới, không tiếp nhận những người nhập cư vào tháng 7 tới nếu Thủ tướng Angela Merkel không tìm được giải pháp với các đối tác châu Âu.

Thậm chí, đảng CSU đã ra tối hậu thư đối với nữ Thủ tướng, trong đó buộc bà phải tìm được một giải pháp toàn diện về vấn đề này trong thời gian 15 ngày, nếu không muốn chính phủ liên minh tại Đức tan rã.

Tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới đối với những người di cư cũng chính là điều mà bà Angela Merkel phản đối, vì cho rằng, quyết định như vậy sẽ ngăn cản khả năng đạt được 1 thỏa thuận toàn diện hơn về vấn đề tị nạn ở cấp độ toàn EU tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tháng 6.

Bà cho biết đã nhận được sự ủng hộ đàm phán các thỏa thuận song phương với các đối tác châu Âu về vấn đề di cư tại hội nghị trên, đồng thời xem đây là một trong những vấn đề mang tính quyết định nhất trong việc đoàn kết châu Âu.

Bà nêu rõ: “Hành động đơn phương của Đức sẽ chỉ gây ra 1 cuộc khủng hoảng lớn hơn”.

Ở cấp độ châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Italy Giuseppe Conte đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tị nạn.

Thủ tướng Đức cho biết, trong cuộc hội đàm hôm 19-6, hai nước hoàn toàn nhất trí rằng, biên giới bên ngoài châu Âu cần được đảm bảo tốt hơn và Frontex - Cơ quan biên phòng và phòng vệ biển của châu Âu cần phải được củng cố. Ngoài ra, cả hai bên thống nhất rằng, các nước phải hành động chống lại những kẻ buôn người và hỗ trợ cho quốc gia châu Phi.

Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết sẽ hỗ trợ Italy trong việc giải quyết những vấn đề với người tị nạn. Thủ tướng Đức muốn đạt được thỏa thuận hồi hương song phương và đa phương với các nước láng giềng châu Âu rằng, những người tị nạn đã đăng ký là người xin tị nạn ở các quốc gia khác có thể bị từ chối tại biên giới Đức và được gửi trở lại các nước này.

Tuy nhiên, điều này có thể làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa CDU của Thủ tướng Angela Merkel và CSU bởi CSU không muốn Đức có thỏa thuận song phương nhằm gây áp lực để EU trở nên tích cực hơn trong chính sách tị nạn.

Hơn 2 năm qua, EU đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc quản lý các khía cạnh về di dân ở bên ngoài. Các thể chế EU đã trở nên hiệu quả hơn khi hoạt động với các nước thứ 3 để chiến đấu với các mạng lưới đưa lén người di cư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi hương của những người di cư bất hợp pháp và phát triển các công cụ giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của di dân.

Vẫn có những khoảng cách lớn trong quan hệ đối tác của EU với các nước châu Phi, châu Á và Trung Đông, nhưng hiện có sự hiểu biết lớn hơn mà việc quản lý di dân bên ngoài sẽ đòi hỏi một sự huy động rất lớn các nguồn lực và sự can dự về chính trị tiếp tục.

Bất chấp sự tiến triển này ở mặt trận ngoài, nhưng những làn sóng di dân đột ngột hướng đến châu Âu vẫn có thể xảy ra. Trong dài hạn, hệ thống Schengen sẽ chỉ bền vững nếu nó được củng cố bởi các chính sách chung rõ ràng và các thể chế mạnh mẽ với các ủy quyền quản trị. Tất cả nỗ lực xây dựng thể chế và lập pháp trong những năm gần đây đã không giải quyết thiếu sót cơ bản của hệ thống.

Một không gian chung, như một quốc gia sẽ không đương đầu được với các thách thức di dân nghiêm trọng chừng nào còn tùy thuộc vào từng nước thành viên để bảo vệ đường biên giới bên ngoài và đưa ra các quyết định về tị nạn và di dân.

Cách tiếp cận dần dần của các nỗ lực lập pháp hiện nay sẽ không mong đem lại một hệ thống chống khủng hoảng, ngay cả khi đạt được một số hình thức thỏa hiệp. Để Schengen bền vững sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận tham vọng hơn nhiều ở 3 lĩnh vực quan trọng: bảo vệ đường biên giới bên ngoài, thủ tục về tị nạn, và chính sách di dân.

Frontex không nên chỉ giúp đỡ các chính quyền quốc gia bằng việc kiểm soát đường biên giới bên ngoài, mà còn cần dần dần tiếp quản lại công việc này. 

Việc hợp nhất gần 100.000 lính biên phòng quốc gia thành một lực lượng châu Âu cố kết rõ ràng sẽ đòi hỏi thời gian và nguồn lực đáng kể nhưng cuối cùng chỉ một thể chế có tổ chức tập trung với những nhân viên được đào tạo tốt mới có thể quản lý nhất quán được toàn bộ các đường biên giới bên ngoài của EU.

Như Ủy ban châu Âu đã đề xuất vào năm 2016, trách nhiệm giải quyết đơn xin tị nạn về lâu dài nên được chuyển sang cho một cơ quan ra quyết định của EU có các chi nhánh ở tất cả các nước thành viên. Điều này sẽ cho phép làm cân đối hoàn toàn các thủ tục và đánh giá nhất quán nhu cầu bảo vệ.

Một cơ quan như vậy cũng có thể thực hiện các chương trình chung để trực tiếp tái định cư cho những người tị nạn từ các khu vực khủng hoảng tới EU, do đó hạn chế hoạt động đưa lậu người trên các chuyến đi nguy hiểm.

Khổng Hà (tổng hợp)

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文