Một “Kế hoạch Marshall” mới cho châu Âu?

07:47 07/04/2020
Lục địa già đang phải trải qua cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19. Đây là lúc EU cần thiết lập một “Kế hoạch Marshall” mới để phục hồi nền kinh tế của mái nhà chung.

Sự tồn vong của Liên minh châu Âu (EU) đang bị đe dọa, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez lên tiếng cảnh báo, trong bối cảnh lục địa già đang phải trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ II – cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19. Đây là lúc EU cần thiết lập một “Kế hoạch Marshall” mới để phục hồi nền kinh tế của mái nhà chung.

Châu Âu đang đối diện cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Trong đó, Tây Ban Nha và Italia đang là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với thiệt hại to lớn cả về đời sống, lẫn tài chính, kinh tế. Trong bối cảnh đó, là người đứng đầu của ổ dịch lớn thứ 2 thế giới hiện nay, Thủ tướng Tây Ban Nha buộc phải lên tiếng.

Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 5/4 (giờ địa phương) cho rằng về trung hạn, châu Âu cần một cơ chế mới để “chung tay giải quyết nợ”, trong đó kêu gọi lập một ngân sách mới của EU dưới hình thức “Kế hoạch Marshall” để giúp thúc đẩy sự phục hồi của châu Âu sau khủng hoảng. 

Kế hoạch Marshall là một chương trình viện trợ do Mỹ khởi xướng năm 1948 để giúp các nước ở Tây Âu phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ II. Ông Sanchez nhấn mạnh: “Nếu virus không dừng lại ở biên giới, thì các cơ chế tài chính cũng không được dừng ở biên giới”.

Thủ tướng Tây Ban Nha cũng khẳng định: “Giờ là lúc phải hành động đoàn kết, bằng cách thiết lập một cơ chế mới chung tay giải quyết nợ, bằng cách đồng hành trong việc mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu, bằng cách thiết lập các chiến lược phối hợp chống tội phạm mạng và bằng cách chuẩn bị một kế hoạch tổng thể quy mô lớn cho sự phục hồi nhanh chóng và vững chắc của châu lục”.

Từ đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi EU sớm phát hành “trái phiếu Corona” để huy động nguồn tài chính tái thiết nền kinh tế châu Âu sau khủng hoảng dịch bệnh. Việc phát hành trái phiếu ghi nợ chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ cho phép các nước bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh huy động các nguồn quỹ trên thị trường tài chính dưới sự bảo trợ của EU.

Chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh COVID-19 về lâu dài có thể dẫn tới sự sụp đổ của EU nếu châu Âu không có một chương trình hỗ trợ kinh tế giống như Kế hoạch Marshall. Ảnh: RTE.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Tây Ban Nha đến chỉ vài tiếng sau khi bài viết của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen được đăng tải trên thời báo Welt am Sonntag, theo đó đề cập đến kế hoạch đầu tư khổng lồ trong ngân sách của EU. “Chúng ta cần một kế hoạch Marshall cho châu Âu”, bà nói.

Trước đó, hôm 2/4, bà Leyen tuyên bố: “Cho đến nay, EU  đã huy động được 2.770 tỷ euro. Đây là câu trả lời lớn nhất từ trước đến giờ cho một cuộc khủng hoảng châu Âu. Nhiều người đang kêu gọi về một điều gì đó giống như “Kế hoạch Marshall”, và tôi nghĩ ngân sách châu Âu chính là kế hoạch Marshall mà tất cả chúng ta cùng lập nên cho người dân châu Âu”.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh đề xuất về “trái phiếu Corona” đang gây mâu thuẫn gay gắt giữa hai nhóm nước, một bên là các nước tích cực ủng hộ như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, với một bên là các nước cực lực phản đối gồm Đức, Hà Lan, Áo, Phần Lan.

Theo đó, Ủy viên thị trường nội khối người Pháp Thierry Breton và Ủy viên Kinh tế người Italia Paolo Gentiloni đã kêu gọi các nước thành viên thành lập một quỹ trái phiếu cho vay dài hạn, được gọi là “trái phiếu Corona”, để tái thiết nền kinh tế châu Âu sau khủng hoảng COVID-19. 

Bảy nhà kinh tế tên tuổi, như Michael Hüther, Viện trưởng Viện Kinh tế Đức (IW), Peter Bonfinger, Gabriel Feblermayr, Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW), hiện đều công khai ủng hộ trái phiếu này.

“Nước mạnh phải giúp nước yếu. Bây giờ là thời điểm để cộng đồng EU, vốn đã gắn chung số phận và vốn được ngợi ca nhiều, thể hiện đúng màu cờ sắc áo của mình”, các nhà kinh tế này nhấn mạnh. Nhưng đáng tiếc, đề xuất trái phiếu này lại đón nhận lời khước từ thẳng thắn từ Berlin và Amsterdam. 

Giới quan sát nhận định, cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 đã một lần nữa phơi bày chuyện “lục đục” tài chính giữa các thành viên EU, bộc lộ rõ sự mất đoàn kết về tài chính trong nội bộ khối.

Trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, còn nội khối vẫn hứng chịu bất đồng về tài chính, hai cựu Ngoại trưởng Đức là Joschka Fischer và Sigmar Gabriel cảnh báo dịch bệnh COVID-19 về lâu dài có thể dẫn tới sự sụp đổ của EU nếu châu Âu không có một chương hỗ trợ kinh tế giống như Kế hoạch Marshall khổng lồ trước đây.

Trong bài bình luận đăng trên báo Tagesspiegel, hai cựu ngoại trưởng nhận định: “Dịch COVID-19 có khả năng đẩy nhanh hai tiến trình đối nghịch nhau. Một là có thể làm sâu sắc thêm các rạn nứt tồn tại ở châu Âu và dẫn tới sự sụp đổ của liên minh; hai là EU và các quốc gia thành viên có thể đoàn kết để cùng nhau chống dịch cũng như hậu quả của dịch”.

Theo hai nhà ngoại giao, số tiền hỗ trợ mà EU dành cho Tây Ban Nha và Italia - hai quốc gia EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19- là không đủ và cần phải có nhiều hơn nữa. Viện dẫn sự thành công về kinh tế của Đức sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ II có được phần lớn là nhờ tình đoàn kết của châu Âu, hai nhà ngoại giao cho rằng Berlin cần phải có trách nhiệm đặc biệt hỗ trợ các quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Đây cũng là lý do mà Đức, cùng với Pháp, cần phải thể hiện sự sẵn sàng lãnh đạo châu Âu, với hai nhiệm vụ chính là hợp tác để cung cấp viện trợ trong khủng hoảng và đề ra một chương trình tái thiết chung sau khủng hoảng. Còn theo ông Michael Hüther, Viện trưởng Viện Kinh tế Đức (IW), trái phiếu Corona giống như “một phép thử mang tính chất quyết định về tình đoàn kết của châu Âu”, và một “Kế hoạch Marshall” mới cho châu Âu có chăng sẽ là câu trả lời cho tất cả?

An Nhiên

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文