Mỹ - Trung tiếp tục đàm phán thương mại vào tháng 10
- Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Từ thuế sang tiền tệ
- Rạn nứt quan hệ đồng minh, Mỹ - EU đứng trước nguy cơ “chiến tranh thương mại”
Hôm 5-9, trang blog Taoran Notes, do Nhật báo Economic Dailys của Trung Quốc vận hành viết trong một bài bình luận dài 1.200 chữ rằng, “nhiều khả năng” sẽ có “những phát triển mới” trong các cuộc đàm phán sắp tới (giữa Mỹ và Trung Quốc - PV). Taoran cũng lưu ý về một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay hai bên sẽ tiến hành tham vấn vào giữa tháng 9 để chuẩn bị cho “tiến bộ ý nghĩa” trong cuộc đàm phán tháng 10.
“Tiến bộ ý nghĩa” là một cách diễn đạt chưa từng được sử dụng sau khi vòng đàm phán hồi tháng 5 thất bại. “Liệu chiến tranh thương mại sẽ chuyển hướng tích cực hay lập lại từ đầu, tôi e rằng điều đó phụ thuộc vào cách chọn lựa của một số nhân vật”, trang blog viết.
Trang blog này được nhiều nhà phân tích về Trung Quốc và giới đầu tư theo dõi để tìm kiếm manh mối mới trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Một lời tiên đoán tươi sáng khác tới từ Tổng biên tập tờ Global Times (phiên bản tiếng Anh của tờ Thời báo Hoàn Cầu) Hồ Tích Tiến.
Thông qua mạng xã hội Twitter, ông Hồ Tích Tiến dự đoán nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được bước đột phá trong lần gặp tới. Tài khoản Twitter của ông Hồ Tích Tiến được nhiều thương nhân và nhà đầu tư Phố Wall theo dõi để nắm thêm được tình hình chiến tranh thương mại. Gần đây, ông cảnh báo về đòn đáp trả thuế quan của Trung Quốc chỉ ít giờ trước khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố.
Hôm 5-9, kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc đưa tin các nhà đàm phán của nước này và Mỹ đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán thương mại cấp cao tại Washington vào đầu tháng 10, thay vì tháng 9 như dự kiến. Cuộc trao đổi sẽ là lần thứ 13 các nhà đàm phán thương mại Mỹ - Trung gặp nhau.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc gặp. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu tích cực, nhưng các biện pháp đáp trả thuế quan mới đang khiến hai bên khó có thể đạt được một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại. Chuyên gia kinh tế và thương mại Edward Alden tới từ Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định rằng: “Cách duy nhất có thể đạt được một thỏa thuận trong tình hình hiện nay là: Hoặc Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ, điều mà rõ ràng sẽ không xảy ra bởi Bắc Kinh hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ. Khả năng thứ 2 là Tổng thống Donald Trump sẽ chấp nhận một thỏa thuận “cho có” với Trung Quốc - điều mà chắc chắn sẽ vấp phải chỉ trích từ đảng Dân chủ và có thể là cả đảng Cộng hòa nếu thành hiện thực”. Tuy nhiên, ông Walter Lohman - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản nhận định, Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay do những tổn thất mà cuộc chiến thương mại gây ra với cả 2 nền kinh tế. Dù vậy, chuyên gia này cũng cho biết, triển vọng cho thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên bất khả thi theo thời gian. “Tôi nghĩ sẽ có một thỏa thuận vào cuối năm nay. Tổng thống Donald Trump chắc chắn muốn trở thành một người làm nên thỏa thuận”, vị chuyên gia cho biết.
Những tuần sắp tới sẽ là thời điểm quan trọng cho chính quyền Tổng thống Trump bởi các quan chức Mỹ đang nỗ lực nối lại đàm phán với Trung Quốc để thúc đẩy quá trình đưa ra thỏa thuận.
Một phát ngôn viên thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhận định với The Hill rằng, “cả hai bên vẫn đang thảo luận ở các cấp độ khác nhau” song không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào về tình trạng thỏa thuận hiện nay.
Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc song Tổng thống Donald Trump vẫn bị chỉ trích khi dùng thuế quan như một “vũ khí” để đối phó với Bắc Kinh bởi điều này đang làm tổn hại đến người dân Mỹ và không được thực hiện một cách chiến lược.
Ông Walter Lohman cho rằng: “Chiến lược này đang trừng phạt người dân Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc. Nó đang làm tổn hại người tiêu dùng Mỹ, việc sản xuất của Mỹ và sự đáp trả đang gây tổn hại cho người nông dân Mỹ”.
Trong khi đó, theo nhận định của nhà phân tích David A. Andelman, thương mại cũng giống như ngoại giao, không bao giờ nên diễn ra theo quy luật của trò chơi có tổng bằng 0.
Tổng thống Donald Trump - người luôn tự nhận mình là một “người làm nên thỏa thuận” nên biết rằng những thỏa thuận tốt nhất luôn là những thỏa thuận mà cả hai bên đều cảm thấy mình là người chiến thắng. Vấn đề ở đây không phải là Mỹ hay Trung Quốc sẽ là bên nhượng bộ trước mà là khi nào hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung để đưa ra những nhượng bộ hợp lý khiến đối phương chấp nhận.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều nhưng rõ ràng kiềm chế leo thang căng thẳng vẫn là một giải pháp tạm thời hiệu quả đem lại lợi ích cho các bên, không chỉ riêng Mỹ hay Trung Quốc.
Ngày 1-9 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu đợt áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên, mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.