Mỹ “khen” Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Ngay trước thềm cuộc gặp lịch sử này, Mỹ tuyên bố Bình Nhưỡng “đang đi đúng hướng” trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington cũng không quên khi nhắc lại rằng, Mỹ sẽ không ngừng chiến dịch gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng “cho đến khi thấy Triều Tiên biến lời nói thành hành động cụ thể”.
Cùng với đó, Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định ngừng các hoạt động tập trận quân sự chung thường niên vào ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều (27-4). Trong thông báo ra ngày 26-4, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, vào ngày diễn ra cuộc gặp lịch sử trên, thay vì tiến hành các hoạt động tập trận, quân đội Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc thực hiện “hỗ trợ ổn định” cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, được tổ chức tại làng đình chiến Panmunjom nằm trên đường biên giới giữa hai miền Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in sẽ chào đón Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại biên giới 2 miền Triều Tiên vào ngày 27-4. |
Thông cáo của JCS nêu rõ: “Giới chức quân sự Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định tiến hành phần một của cuộc tập trận này đến hết ngày 26-4, cùng nhau kết luận rằng đã đạt được các mục tiêu đặt ra cho cuộc tập trận”.
Washington và Seoul dự định sẽ tiếp tục phần hai của cuộc tập trận này sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định này rõ ràng cho thấy Hàn Quốc và Mỹ đang tìm cách giảm bớt thái độ “lên gân” trong bối cảnh bầu không khí hòa bình đang tràn ngập trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo giới chuyên gia, cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều có khả năng đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình chấm dứt thế đối đầu hiện nay, chứ không phải là điểm kết thúc của tiến trình này. Ông Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao Viện Kinh tế Hàn Quốc - viện nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận đặt tại Washington, cho rằng, các lĩnh vực cấp bách nhất mà hai miền Triều Tiên phải bắt đầu thảo luận là phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Chia sẻ quan điểm này, Phó Giáo sư Yi Ki Ho tại Đại học Hanshin ở Seoul bình luận nhiệm vụ của Tổng thống Moon Jae-in là đặt nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, do đó điều quan trọng là cam kết của Bình Nhưỡng tiến tới phi hạt nhân hóa sẽ được xác nhận rõ ràng tại cuộc gặp liên Triều.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Yi Ki Ho nhận định mặc dù vấn đề hạt nhân sẽ là trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều, song thảo luận khó có thể đi sâu chi tiết bởi vấn đề này có thể làm gia tăng bất đồng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, chuyên gia chính trị cấp cao Michael J. Mazarr thuộc Tập đoàn U.S. RAND nhận định rằng, yếu tố hàng đầu khiến cuộc gặp liên Triều trở nên khả thi là Nhà lãnh đạo Kim Jong-un “rõ ràng mong muốn cải thiện quan hệ với khu vực và có thể cả với Mỹ, do đó cũng như với Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, ông Mazarr dự đoán việc các nước gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên không làm thay đổi những điều cơ bản trong chiến lược của Bình Nhưỡng. Còn ông Dan Mahaffee, quan chức cấp cao phụ trách chính sách thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội Mỹ, thì nhấn mạnh, các nỗ lực tiếp tục giảm căng thẳng và đảo chiều căng thẳng liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là cần thiết để cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra thành công. Việc xây dựng lòng tin giữa hai miền cũng được coi là sẽ giúp thúc đẩy quá trình thúc đẩy Bình Nhưỡng tiến tới phi hạt nhân hóa.
Chi tiết kế hoạch về cuộc gặp lịch sử liên Triều cũng đã được phía Hàn Quốc công bố. Theo đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử vào lúc 9h30 (giờ địa phương – 11h30 giờ Việt Nam) ngày 27-4.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ bước qua đường phân định ranh giới quân sự giữa hai miền, trở thành nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc sẽ đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên ngay trước đường phân định ranh giới làm bằng bê tông này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được mời duyệt đội quân danh dự và hai nhà lãnh đạo sẽ bước vào Nhà Hòa bình, một tòa nhà ở phía Nam làng đình chiến Panmunjom để bắt đầu hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hai nhà lãnh đạo sẽ đối thoại chính thức vào lúc 10h30' sau cuộc gặp sơ bộ tại Nhà Hòa bình. Sau khi kết thúc phiên hội đàm đầu tiên, 2 nhà lãnh đạo sẽ ăn trưa trước khi dự lễ trồng cây vào chiều cùng ngày.
Hai bên sẽ công bố thỏa thuận chung sau khi kết thúc hội đàm chính thức. Cũng nhân dịp này, Tổng thống Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tiến hành lễ trồng cây, qua đó thể hiện ước vọng hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Bán đảo Triều Tiên. Hai bên đã chọn một cây nảy mầm từ năm 1953 khi lệnh ngừng bắn chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên kéo dài ba năm được ký kết.
Đất dùng để trồng cây thông này được lấy từ núi Halla ở Hàn Quốc và núi Baekdu ở Triều Tiên. Ông Kim Jong-un sẽ tưới cho cây bằng nước lấy từ sông Hàn ở Hàn Quốc và ông Moon Jae-in sẽ dùng nước lấy từ sông Daedong ở CHDCND Triều Tiên. Nhiều thông tin còn nói thêm rằng, tên của hai nhà lãnh đạo sẽ được khắc vào một tảng đá đặt trước cái cây này cùng với dòng chữ “Vun trồng hòa bình và thịnh vượng”.
An ninh cũng đã được thắt chặt tại khu vực biên giới liên Triều, trước khi các nhà lãnh đạo 2 miền Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh. Khoảng 2.800 phóng viên đã đăng ký đưa tin về sự kiện lịch sử này tại trung tâm báo chí chính của hội nghị được mở cửa ở Ilsan, ngoại ô Thủ đô Seoul (Hàn Quốc).