Mỹ làm gì để “tái hòa nhập” nhóm G7 thời Joe Biden?

07:47 15/03/2021
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 cường quốc công nghiệp phát triển (G7 - gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Italy, Canada và Nhật Bản) vừa qua đánh dấu hoạt động đa phương lớn đầu tiên của ông Joe Biden kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Các đồng minh của Washington hy vọng rằng, việc Mỹ tái can dự với thế giới sau những năm tháng theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump có nghĩa rằng Mỹ sẽ có một phản ứng mang tính phối hợp hơn về các vấn đề như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo G7 đã hứa hẹn sẽ chủng ngừa COVID-19 cho những người đang cần đến loại vaccine này nhất trên thế giới bằng cách cung cấp tiền và những liều vaccine quý giá cho một nỗ lực phân phối vaccine do Liên hợp quốc thúc đẩy. Tuy nhiên, dưới áp lực của các chiến dịch tiêm chủng ở trong nước, các nhà lãnh đạo này vẫn chưa sẵn sàng tuyên bố chính xác số lượng vaccine mà họ có thể chia sẻ với thế giới đang phát triển hoặc khi nào họ sẽ làm điều đó.

Tổng thống Joe Biden.

Sau cuộc họp đầu tiên trong năm nay, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vì đại dịch, các nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ đẩy nhanh việc phát triển và triển khai vaccine trên toàn cầu, hỗ trợ quyền tiếp cận công bằng vaccine với giá cả hợp lý và các biện pháp điều trị bệnh COVID-19.

Tại cuộc họp của G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đóng góp 4 tỷ USD cho chương trình COVAX của Liên hợp quốc (LHQ) để mua vaccine phân phối cho toàn cầu. Đức tuyên bố sẽ bổ sung 1,5 tỷ euro giúp các nước nghèo tiếp cận với vaccine phòng COVID-19, còn Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gấp đôi ngân sách mà họ đóng góp cho COVAX lên 1 tỷ euro. Trong một tuyên bố sau hội nghị, G7 cho biết, tổng số tiền mà họ cam kết đã lên tới 7,5 tỷ USD.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Đây là một đại dịch toàn cầu, và không có ích lợi gì khi một quốc gia vượt xa quốc gia khác”. Vương quốc Anh đang giữ chức Chủ tịch G7 trong năm nay. Ông nói thêm: “Chúng ta phải tiến lên cùng nhau. Vì vậy, một trong những điều mà tôi biết rằng các đồng nghiệp sẽ muốn làm đó là đảm bảo rằng chúng ta sẽ phân phối vaccine với giá gốc cho toàn thế giới”.

Các quốc gia giàu có đã có vài tỷ liều vaccine COVID-19, trong khi một số quốc gia ở thế giới đang phát triển có rất ít hoặc không có liều vaccine nào. Các nhà lãnh đạo G7 muốn tránh bị coi là “tham lam” và không muốn nhường “địa thế” ngoại giao vaccine cho các nước kém dân chủ hơn nhưng hành động nhanh hơn như Trung Quốc và Nga. Thủ tướng Boris Johnson hứa hẹn sẽ chuyển “phần lớn số vaccine dư thừa trong tương lai” cho chương trình COVAX để tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh James Cleverly nói rằng “rất khó để nói một cách chắc chắn” nước Anh có thể quyên góp khi nào hay bao nhiêu liều vaccine. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một mục tiêu vững chắc hơn, nói rằng châu Âu và Mỹ nên phân bổ tới 5% nguồn cung cấp vaccine COVID-19 hiện tại của họ cho các quốc gia nghèo nhất một cách nhanh chóng. Ông phát biểu sau cuộc họp: “Đây là con số rất lớn. Nó thể hiện sự tín nhiệm của chúng ta”. Ông nói thêm rằng “nếu chúng ta làm được điều này thì phương Tây sẽ hiện diện ở các nước châu Phi”, nhưng nếu không làm được, những quốc gia đó sẽ chuyển sang sử dụng vaccine của Trung Quốc và Nga và “sức mạnh của phương Tây sẽ... không trở thành hiện thực”.

Văn phòng của ông Emmanuel Macron cho biết, Pháp đã sẵn sàng chuyển giao 5% số vaccine của nước này nhưng không đưa ra con số chính xác hoặc thời gian cụ thể. Khi lục địa châu Phi đang chờ được phân phối vaccine thông qua chương trình COVAX, một lực lượng đặc biệt phụ trách vấn đề vaccine do Liên minh châu Phi (AU) thành lập ngày 19/2 cho biết họ sẽ nhận được 300 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga vào tháng 5 tới. AU trước đó đã bảo đảm được 270 triệu liều từ AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson cho lục địa 1,3 tỷ dân này.

Chính phủ Canada và các quốc gia châu Âu trong G7 đang chịu áp lực phải đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng trong nước sau khi bị Anh và Mỹ vượt mặt. Ngày 19/2, khi được hỏi về đề xuất của ông Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng tôi vẫn chưa thảo luận về tỷ lệ bao nhiêu phần trăm”, và rằng: “Chúng tôi cũng chưa nói về vấn đề thời gian. Điều đó vẫn cần phải được thảo luận”.

Các nhóm viện trợ và phát triển hoan nghênh các cam kết trên nhưng cho rằng các nước phương Tây giàu có cần phải hành động nhiều hơn và sớm hơn nữa. Bà Gayle Smith, Giám đốc điều hành của nhóm chống đói nghèo - Chiến dịch ONE, cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới cuối cùng đã nhận thức được quy mô của cuộc khủng hoảng này. Bà nói: “Những quốc gia nghèo hơn tin rằng giữa một đại dịch toàn cầu, một số ít quốc gia đã tích lũy hơn một tỷ liều vaccine nhiều hơn mức họ sẽ cần, trong khi 130 quốc gia khác không có vaccine”.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua đánh dấu hoạt động đa phương lớn đầu tiên của ông Joe Biden kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ. Các đồng minh của Mỹ hy vọng rằng, việc Mỹ tái can dự với thế giới sau những năm tháng theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump có nghĩa rằng Mỹ sẽ có một phản ứng mang tính phối hợp hơn về các vấn đề như đại dịch và biến đổi khí hậu. Tổng thống Joe Biden đã ký kết tham gia sáng kiến COVAX, chương trình mà ông Donald Trump từng từ chối hỗ trợ, và Washington cam kết đóng góp 4 tỷ USD cho chương trình này.

Cuộc họp của G7 “và một bài phát biểu của ông Biden tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2” diễn ra vào ngày Mỹ chính thức trở lại tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris - nỗ lực quốc tế lớn nhất nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2017. Chính quyền ông Joe Biden cũng cho biết, họ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Iran và các cường quốc thế giới để thảo luận về việc quay trở lại thỏa thuận năm 2015 nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran, thỏa thuận vốn đã bị ông Trump bác bỏ.

Trong một tuyên bố chung phản ánh việc Mỹ quay trở lại với các thể chế quốc tế, các nhà lãnh đạo G7 đã hứa hẹn sẽ biến 2021 thành một năm bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương và định hình sự phục hồi nhằm đảm bảo sức khỏe và sự thịnh vượng của người dân và thế giới. Các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch phải đặt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học vào trung tâm của các kế hoạch. Một hội nghị thượng đỉnh đầy đủ của G7 dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới tại khu nghỉ mát ven biển Carbis Bay ở Tây Nam nước Anh.

Mặc dù ngày 19/2 đánh dấu việc Mỹ chính thức tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris, tách khỏi nền chính trị thời ông Donald Trump, song ông Joe Biden vẫn duy trì sự nghi ngờ đối với Trung Quốc. Bắc Kinh không thuộc G7 và Washington đang tái định vị các nền dân chủ giàu có thành đối trọng với Trung Quốc trong bối cảnh nước này bị nghi ngờ vì cách xử lý dịch COVID-19 lúc ban đầu.

Theo sự thúc giục của Anh, G7 đã đồng ý xem xét một hiệp ước để tăng cường khả năng cảnh báo sớm và minh bạch dữ liệu trong trường hợp các đại dịch bùng phát trong tương lai. London phủ nhận họ nhắm vào Trung Quốc, nhưng cường quốc châu Á này đã bị nhiều nước cáo buộc là che đậy sự xuất hiện của dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 và không cung cấp những thông tin quan trọng lúc ban đầu cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Giờ đây, các chiến dịch tiêm chủng đang tăng tốc - ít nhất là ở phương Tây, các nhà lãnh đạo G7 cũng hy vọng sẽ vượt qua đại dịch để khôi phục tài chính sau khoảng thời gian nhiều nền kinh tế bị tàn phá bởi các lệnh phong tỏa.

PV (theo AP, AFP)

Temu - Ứng dụng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đổ bộ vào Việt Nam đang gây ra một cơn sốt cho các tín đồ mua sắm trực tuyến. Với kho hàng khổng lồ giá rẻ, hình thức linh hoạt, giao hàng nhanh chóng và đặc biệt là chính sách săn hoa hồng khủng đã khiến hàng triệu người “say men” vào lốc xoáy Temu…

Dự báo từ 3 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to. Từ 6/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Chiều 2/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CBCS của đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ đã giúp đỡ gia đình chị Đ.T.H.H. (SN 1982; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm thấy con trai đi lạc và đưa về nhà an toàn.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文