Mỹ nêu sáng kiến mới thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan

07:56 09/03/2021
Mỹ kêu gọi thiết lập cơ chế đối thoại do Liên Hợp Quốc (LHQ) chủ trì, với sự tham gia của các cường quốc có ảnh hưởng khác, nhằm khẩn trương giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, trong bối cảnh hạn chót để nước này rút toàn bộ lực lượng khỏi quốc gia Nam Á đang đến gần.


Thay cho các cuộc đối thoại ở cấp độ song phương hoặc ba bên giữa Mỹ, Chính phủ Afghanistan và Taliban, New York Times ngày 8/3 cho biết, chính quyền Mỹ muốn thiết lập cơ chế hòa đàm do LHQ chủ trì nhằm hướng tới một giải pháp lâu dài và toàn diện cho vấn đề Afghanistan.

Trong một bức thư vừa được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, ông Blinken đã đề nghị triệu tập một hội nghị do LHQ chủ trì, có sự góp mặt của ngoại trưởng, đặc phái viên các nước Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mỹ nhằm tìm kiếm "một cách tiếp cận thống nhất" hướng tới thiết lập hòa bình cho quốc gia Nam Á bất ổn.

Lâu nay, các cuộc đàm phán liên quan tình hình Afghanistan thường diễn ra ở Doha, Qatar, nhưng theo đề xuất mới của Ngoại trưởng Blinken, các hội nghị tương lai về Afghanistan sẽ do Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai, với mục tiêu đầu tiên là đạt được đồng thuận về 90 ngày giảm bạo lực.

Binh sĩ Mỹ khai hỏa pháo ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh, Mỹ đang cân nhắc, nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc rút nốt 2.500 lính Mỹ còn lại khỏi Afghanistan vào ngày 1/5 theo thỏa thuận mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đạt được với Taliban tháng 2/2020. Mỹ bày tỏ lo ngại Taliban có thể nhanh chóng đánh chiếm thành công các vùng lãnh thổ ngay khi lực lượng Mỹ rời đi, yếu tố chắc chắn sẽ khiến tình hình an ninh Afghanistan xấu đi. Trước viễn cảnh Mỹ có thể sẽ không rút quân như đã cam kết, Taliban gần đây cảnh báo nhóm sẽ lập tức tiếp tục cuộc "thánh chiến" đã kéo dài hàng chục năm qua, vốn đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Về đề xuất tham gia các cuộc đàm phán do LHQ chủ trì, Taliban ngày 8-3 nói họ vẫn chưa có câu trả lời và đang "tiếp tục thảo luận".

Theo New York Times, bức thư của Ngoại trưởng Blinken gửi ông Ghani đã cho thấy sự mất kiên nhẫn của chính quyền Mỹ đương nhiệm với các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, nơi đội ngũ của Tổng thống Ghani thường xuyên thể hiện lập trường thiếu kiên định. Các cuộc đối thoại giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban đã khởi động từ tháng 9/2020 theo đúng thỏa thuận hồi tháng 2/2020 giữa Taliban và Mỹ, nhưng đã không đạt được tiến triển đáng kể nào do bất đồng trong vấn đề trao đổi tù binh và giảm bạo lực.

Mới đây nhất, Tổng thống Afghanistan Ghani ngày 6/3 tuyên bố chính phủ của ông đã sẵn sàng thảo luận về việc tổ chức cuộc bầu cử mới, đồng thời khẳng định tất cả các chính phủ mới đều nên được thành lập thông qua tiến trình dân chủ. Tuy nhiên, Taliban không đưa ra phản hồi cụ thể nào về phát biểu của ông Ghani.

Giới chuyên gia nhận định, việc đưa cộng đồng quốc tế vào cùng giải quyết bất ổn ở Afghanistan là bước đi cần thiết vào lúc này, trong bối cảnh cách hành xử của Mỹ ở Afghanistan đã trở thành một trong những thách thức đối ngoại khó khăn nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nguyên nhân là bởi công chúng Mỹ đã quá mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài gần 20 năm ở Afghanistan, nhưng việc Mỹ rút quân quá sớm có thể sẽ trao cho Taliban quá nhiều ưu thế, đồng thời phủ bóng lên những hi sinh của quân đội Mỹ cùng liên quân cũng như dân thường Afghanistan.

Cần lưu ý rằng, ngoài lực lượng Mỹ, thỏa thuận giữa chính quyền ông Trump với Taliban cũng quy định các lực lượng nước ngoài khác đang tham gia chiến dịch quân sự do Washington dẫn đầu tại quốc gia Nam Á đều phải rút lui trước tháng 5/2021. Taliban coi đây là nội dung quan trọng nhất của thỏa thuận và hối thúc các bên thực hiện đúng cam kết.

Từ khi đạt thỏa thuận với Mỹ, Taliban tuy dừng tấn công lực lượng NATO, nhưng vẫn liên tiếp đột kích các khu vực do lực lượng Afghanistan nắm giữ, khiến nhiều binh sĩ và thường dân thiệt mạng. Tình thế bế tắc trên bàn đàm phán, cùng hành động khó đoán của Taliban đã khiến nhiều bên quan ngại. Một số thành viên NATO có triển khai binh sĩ tại Afghanistan, bao gồm Đức, đã cảnh báo hạn chót rút quân vào tháng 5-2021 do chính quyền Mỹ tiền nhiệm đưa ra là vội vàng, đồng thời nói họ sẽ không lập tức rút quân theo Mỹ.

"Nếu Mỹ rút lực lượng trong khi các đồng minh NATO khác chưa thể tiếp quản an ninh trong ngắn hạn, thì tình hình sẽ trở nên cực kỳ bất ổn", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói. Ông cũng cho rằng cách giải quyết hợp lý là phải thực hiện cùng lúc cả hai tiến trình, gồm rút lực lượng nước ngoài gắn với các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong diễn biến liên quan, Nga, quốc gia có ảnh hưởng lớn ở khu vực, gần đây thể hiện quan điểm sẵn sàng can dự sâu hơn vào tình hình Afghanistan. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Afghanistan Mohammad Haneef Atmar ở thủ đô Moscow hồi cuối tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, nước này sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán đang bế tắc giữa Kabul và Taliban.

Theo AP, các đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng đã tới Pakistan để thảo luận về Afghanistan. Trên thực tế, Nga đã và đang thể hiện vai trò trung gian ngày càng lớn, kể từ sau khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận hòa bình. Hồi tháng trước, Moscow đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa một số chính trị gia Afghanistan và trưởng đoàn đàm phán Taliban. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận này lại vắng mặt đại diện Chính phủ Afghanistan.

Thiện Minh

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文