Mỹ nỗ lực chấm dứt thù hận nhằm vào người gốc Á

10:24 28/03/2021
Tối 26/3 (giờ địa phương - sáng 27/3 giờ Việt Nam), tòa nhà biểu tượng thành phố New York Empire State được thắp sáng với hai màu đen và vàng. Đây là một trong nhiều sự kiện được tổ chức trong “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” (National Day of Action and Healing) nhằm kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á.

Đây là sáng kiến của nghị sĩ bang New York Grace Meng và thành viên quốc hội bang California Evan Low, đưa ra sau khi xảy ra các vụ xả súng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người chết, trong đó 6 người là phụ nữ gốc Á cũng như một loạt các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á ở các thành phố lớn trên cả nước Mỹ trong thời gian vừa qua. Sáng kiến trên khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag “StopAsianHate” (Chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm nâng cao tinh thần và nâng cao nhận thức của những người theo dõi họ (follower) về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á. 

Sự kiện này được tổ chức đúng ngày Đạo luật Nhập tịch ban đầu của Mỹ được ký thành luật vào năm 1790, theo đó cấm những người không phải da trắng trở thành công dân của Mỹ. Ban tổ chức sự kiện cho biết: “Hơn 200 năm sau, những người châu Á ở Mỹ vẫn đang phải chịu những tác động của nạn phân biệt chủng tộc... Những người lớn tuổi châu Á đang bị hành hung trên đường phố. Trẻ em người Mỹ gốc Á sợ đi học trở lại”. 

New York sẽ có đội cảnh sát mặc thường phục gồm toàn người gốc Á. Ảnh: Reuters

Cùng với việc thắp sáng tòa nhà Empire State, nhiều hội thảo và các sự kiện trực tuyến cũng được tổ chức với sự chủ trì của các nhà lãnh đạo và tổ chức người Mỹ gốc Á. “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” kết thúc với một lễ cầu nguyện trên toàn thế giới cho các nạn nhân trong vụ xả súng ở bang Georgia do Hiệp hội Người Mỹ gốc Hàn ở Greater Atlanta tổ chức và được truyền hình trực tuyến.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, tỷ lệ các vụ tấn công thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng vọt. Một nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan của Đại học bang California cho thấy mặc dù tội phạm thù hận nói chung giảm nhẹ vào năm 2020, tuy nhiên tội phạm thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất ở Mỹ lại tăng vọt, gần 150%. 

Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng này, Stop AAPI Hate, một trung tâm theo dõi các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương, cho biết đã nhận được báo cáo gần 3.800 vụ  tấn công thù hận nhằm vào người châu Á kể từ tháng 3-2020. Theo trang web của Ngày Hành động người Mỹ gốc Á, đã có khoảng 500 vụ việc mang tính chất thù hận nhằm vào người châu Á kể từ đầu năm tới nay. 

Theo Liên đoàn Chống phỉ báng, 17% người Mỹ gốc Á được thăm dò ý kiến cho biết trong năm qua, họ từng bị quấy rối tình dục, rình rập, đe dọa thể xác, quấy rối liên tục hoặc bị tung thông tin cá nhân lên mạng mà không có sự đồng ý của họ - tăng 6% so với năm ngoái. Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu về Thù hận và Chủ nghĩa cực đoan, năm 2020, tội ác hận thù nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng 149% so với năm trước đó tại 16 thành phố lớn.

Trước tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á gia tăng, cũng trong ngày 26-3, một nhóm quan chức lưỡng đảng gồm 26 Thống đốc bang đã ra tuyên bố chung lên án bạo lực gia tăng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á. Tuyên bố đã được ký bởi 24 Thống đốc đảng Dân chủ, trong đó có cả Thống đốc Lourdes Leon Guerrero của lãnh thổ Guam, cùng với 2 Thống đốc của đảng Cộng hòa là Larry Hogan (bang Maryland) và Charlie Baker (bang Massachusetts). 

Nội dung tuyên bố chung trên nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi lên án phân biệt chủng tộc, bạo lực và thù hận đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (AAPI) và sẽ hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ, nâng cao, hỗ trợ cộng đồng này”. Trước đó, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã có cuộc gặp với giới lãnh đạo và các nhà lập pháp bang từ cộng đồng AAPI. Tổng thống Joe Biden khẳng định tình trạng bạo lực trên phải chấm dứt, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật chống thù hận liên quan tới đại dịch COVID-19.

Hưởng ứng lời kêu gọi trên, giới chức thành phố New York cho biết sẽ triển khai một đội cảnh sát ngầm toàn người gốc châu Á mang tên Public Safety Patrol (PSP), bổ sung phiên dịch viên thành thạo hơn 200 ngôn ngữ trực tổng đài 911 để chống lại làn sóng tấn công thù hận hiện nay. Ủy viên Sở cảnh sát New York Dermot Shea tuyên bố: “Nếu ai đó đang âm mưu tội ác thù hận tại New York, chúng tôi sẽ tìm thấy ngay. Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành vi nhắm vào bất kỳ ai vì màu da, tôn giáo, thiên hướng tình dục hoặc bất cứ điều gì khác”.

Chỉ vài ngày sau khi xảy ra loạt vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á ở thành phố New York vào cuối tuần trước, Ông Dermot Shea cho biết, ông đang đẩy mạnh triển khai lực lượng cảnh sát mặc thường phục và tất cả đều là người gốc Á. Kể từ cuối tuần này, họ sẽ tuần tra tại các tuyến tàu điện ngầm, cửa hàng thực phẩm cùng nhiều địa điểm khác để ngăn chặn các vụ bạo lực chống lại người châu Á. Đáng chú ý, do các vụ tấn công thù hận thường không được báo cáo, giờ đây bất kỳ ai bấm gọi 911 và nói được tên tiếng Anh của ngôn ngữ mẹ đẻ thì điều phối viên cảnh sát sẽ bố trí các phiên dịch viên nói được hơn 200 ngôn ngữ giúp đỡ.

PV (tổng hợp)

Đêm 21/11 rạng sáng 22/11, các tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng tuần tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên địa bàn đơn vị quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý, cánh tài xế “méo mặt” bởi mức phạt nặng.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文