Nga – Thổ hi vọng một khởi đầu mới
- Thổ Nhĩ Kỳ cám ơn Nga sau cuộc đảo chính
- Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bàn việc đền bù trong vụ bắn hạ máy bay Su-24
Các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Mỹ, hiện đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mối quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang dần được cải thiện sau vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố gần biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, nhờ vào nỗ lực của cả hai bên.
Cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7 tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đẩy nước này tiến gần hơn với Nga. Việc Tổng thống Erdogan khẩn trương xúc tiến cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin sau vụ đảo chính cũng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ Nga, trong bối cảnh thời gian qua Ankara liên tục chịu sự chỉ trích của phương Tây do các hoạt động truy quét và trấn áp hậu đảo chính. Thậm chí nhiều nước phương Tây còn kêu gọi dừng các cuộc đối thoại về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Ankara cho rằng, các đồng minh phương Tây không chia sẻ và ủng hộ Ankara sau cuộc đảo chính, thậm chí còn cáo buộc một số nước phương Tây “hậu thuẫn” các phần tử đảo chính. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 8-8, Tổng thống Erdogan thẳng thừng tuyên bố EU đã không thực hiện những lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ và “đánh lừa” Ankara suốt 53 năm qua.
Tổng thống Erdogan (trái) và người đồng cấp Putin trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 12-2014. Ảnh: Reuters |
Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ cũng bước vào giai đoạn sóng gió sau vụ đảo chính bất thành vừa qua, khi Washington chưa thực hiện yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính, bất chấp lời cảnh báo của Ankara rằng, điều đó sẽ gây thiệt hại đến mức không thể khắc phục cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Chính vì vậy, việc Tổng thống Erdogan quyết định thăm Nga vào thời điểm này có thể là thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ gửi các đối tác phương Tây, trong đó có Mỹ, rằng, nước này có thể có những lựa chọn chiến lược khác.
Có thể khẳng định rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga quay trở lại chu kỳ hợp tác và phát triển đáp ứng lợi ích quốc gia của cả hai bên. Có lẽ, Ankara đã được nếm trải “trái đắng” trong thời gian bị Moskva áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế. Theo thống kê, chỉ riêng ngành Du lịch, vốn đóng góp 4,5% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chịu tổn thất nghiêm trọng khi mỗi năm có tới gần 5 triệu lượt du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 12% tổng du khách nước ngoài của nước này.
Do lệnh cấm vận của Moskva, tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến giảm 0,3% trong năm 2016, với thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD. Tình trạng bất ổn trong nước, liên tiếp các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ cùng quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Ankara với các đối tác phương Tây đã khiến Ankara nhận ra sai lầm trong chính sách của mình và động thái quay lại khôi phục quan hệ với Nga là bước đi hợp logic.
Còn đối với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác kinh tế - thương mại chủ chốt, là khách hàng tiêu thụ năng lượng quan trọng hàng đầu của Nga. Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội trở thành cầu nối trung chuyển khí đốt của Nga sang thị trường châu Âu nếu dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được thực hiện.
Không phải ngẫu nhiên mà trước thời điểm xảy ra khủng hoảng, Moskva và Ankara đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD. Việc ngừng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga bị thiệt hại đáng kể trong bối cảnh Moskva đang phải hứng chịu sức ép kinh tế khá nặng nề do bị phương Tây bao vây, cô lập, cũng như giá dầu mỏ lao dốc làm “bốc hơi” của Nga khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm Nga, Tổng thống Erdogan bày tỏ hi vọng đây sẽ là chuyến thăm lịch sử, một khởi đầu mới mẻ, mở ra một trang mới trong mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên liệu những bất đồng còn tồn tại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, có thể chuyển đổi thành mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn chỉ trong một chuyến thăm hiện vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Lập kênh liên lạc quân sự riêng Trong một diễn biến liên quan, theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, nước này có thể đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một cơ chế riêng để tránh các vụ đụng độ tương tự như vụ máy bay quân sự Su-24 của Nga bị bắn hồi tháng 11-2015. Gói văn kiện liên quan đã được soạn thảo xong, nếu chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 9-8 đạt được một kết quả mang tính nguyên tắc, gói đề xuất này sẽ được chuyển cho Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Gói đề xuất bao gồm thành lập kênh trao đổi thông tin giữa hai cơ quan quốc phòng, các quy chuẩn hành động trên không, những ghi nhớ cho phi công để hành động trong tình huống nguy hiểm sao cho không lặp lại thảm họa máy bay Su-24 năm ngoái. Hiện Nga đã có cơ chế tránh đụng độ trên không phận Syria với Israel và Mỹ. PV(theo Izvestia) |