Lối thoát cho vấn đề Syria?
- Chiến dịch của Israel nhằm ám sát giới chức quân đội Syria
- Hậu cáo buộc quân đội Syria dùng vũ khí hóa học: Lính đặc nhiệm và các đơn vị CIA đã tiến vào Syria
Các cuộc gặp với đại diện của Quân đội Syria tự do (FSA) do Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov thực hiện trong gần 2 tuần qua được coi là hướng đi mới của Moskva trong vấn đề Syria.
Theo tin từ tờ Rudaw, hôm 26/10, đại diện FSA đã tới Thủ đô Moskva và đàm phán với quan chức ngoại giao Nga để tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Trước đó, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với FSA nhằm thu hẹp các khoảng cách và bất đồng đang nảy sinh. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov còn khẳng định, lực lượng không quân Nga sẵn sàng hỗ trợ FSA tiến quân để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nguồn tin từ tờ Sputnik thì cho hay, hôm 26/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, đồng thời là Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Trung Đông, ông Mikhail Bogdanov đã có các cuộc tiếp xúc với một số đại diện FSA. Đây là lần tiếp xúc thứ 3 của ông Mikhail Bogdanov với FSA trong gần 2 tuần qua. Lần tiếp xúc đầu tiên diễn ra vào ngày 17/10, tại Thủ đô Cairo của Ai Cập.
Khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã nhấn mạnh vai trò trung gian của Moskva, củng cố lập trường muốn cùng với FSA và các lực lượng đối lập ở Syria thành lập một mặt trận thống nhất chống kẻ thù chung là IS. Cuộc gặp thứ 2 diễn ra tại Thủ đô Paris của Pháp và ông Mikhail Bogdanov đã được tiếp xúc với Fahd al-Masri, một trong những sáng lập viên của FSA.
Ông Fahd al-Masri đã bày tỏ thiện chí bằng việc đề xuất tổ chức cuộc đàm phán tại Cairo để thương lượng về sự hiệp lực trong việc giải quyết tình hình Syria… Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nga còn có cuộc tiếp xúc với đại diện một số phe nhóm đối lập khác như Manaf Tlass - cựu sĩ quan lực lượng vũ trang của Chính phủ Syria và Salah Muslim, đại diện đảng liên minh dân chủ của Syria.
FSA đã bày tỏ thiện chí bằng việc đề xuất với Nga tổ chức cuộc đàm phán tại Cairo. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, từ đầu năm nay, Nga đã nhiều lần tiến hành các phiên tiếp xúc với đại diện lực lượng đối lập tại Syria theo nhiều hình thức khác nhau. Việc này càng được đẩy mạnh trong thời gian 4 tuần qua, khi Moskva quyết định tiến hành không kích vào các căn cứ của IS tại Syria. Với lợi thế đẩy lùi sự bành trướng của IS, gây được thanh thế trong cái gọi là cuộc chiến chống IS ở Syria, Nga bắt đầu tính đến bước dùng ảnh hưởng này để tạo dấu ấn trong các cuộc đàm phán.
Hôm 23/10, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố, Moskva không xem FSA là nhóm khủng bố và sẵn sàng ủng hộ các cuộc đàm phán giữa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và tất cả các nhóm đối lập ở Syria.
Ông Sergei Lavrov nói: “Lập trường chung của chúng tôi là cần thúc đẩy các nỗ lực cho việc giải quyết tiến trình chính trị ở Syria. Trước mắt là việc khởi động các cuộc đàm phán toàn diện giữa đại diện của Chính phủ Syria và tất cả các nhóm đối lập, cả ở trong và ngoài nước - với sự hỗ trợ của quốc tế. Tiếp đó là cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội sớm”.
Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết đã nhận được sự hợp tác của Jordan trong vấn đề này và có thể 2 nước sẽ thiết lập một cơ chế làm việc đặc biệt về vấn đề Syria. Hiện ông Sergei Lavrov cũng đang cố gắng tìm được tiếng nói chung với người đồng cấp John Kerry trong vấn đề này. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin thì đã lần thứ 2 trong vòng 5 ngày tiến hành điện đàm với Quốc vương Salman của Saudi Arabia, quốc gia hậu thuẫn các thành phần chống đối chính quyền Damascus.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng tuyên bố tổ chức một cuộc họp về Syria tại Paris vào ngày 27/10 với sự tham gia của “các đối tác quan trọng trong khu vực”. Mỹ thì thông báo cuộc đàm phán tiếp theo về tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Syria sẽ diễn ra sớm nhất là vào cuối tuần này, đồng thời thừa nhận sự tham dự của Iran vào tiến trình đàm phán về một giai đoạn quá độ chính trị tại quốc gia Trung Đông này là cần thiết. Còn Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Oman Yusuf bin Alawi ở Thủ đô Damascus thì khẳng định, loại bỏ khủng bố sẽ giúp mọi lộ trình chính trị ở Syria thành công.
Giới quan sát thì nhận định, Nga và Syria không thể bỏ qua lực lượng đối lập trong việc giải quyết vấn đề hiện nay. Vì thế, bằng cách đối thoại với FSA, Nga đang tạo một bước đột phá mới ở Syria, biến cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua trở thành chiến dịch chống khủng bố. Nhưng Moskva không thể hành động một mình mà cần rất nhiều đến sự hỗ trợ của nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.