Ngày Quốc tế Hòa bình 2019: Hành động vì khí hậu, hành động vì hòa bình!
Hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả cần nỗ lực hướng tới của mọi dân tộc, mọi quốc gia. Gần 40 năm kể từ khi được Liên Hợp Quốc (LHQ) khởi xướng năm 1981, ngày Quốc tế Hòa bình 21-9 giờ đây đã gắn với một thông điệp mới: Hòa bình chính là hành động vì khí hậu.
- Khoá họp Hội đồng Nhân quyền LHQ 42 tập trung bàn về biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu: Hãy hành động trước khi quá muộn
- “Khủng hoảng kép” do làn sóng di cư và biến đổi khí hậu ở Honduras
- Biến đổi khí hậu đang thách thức hòa bình và an ninh quốc tế
Từ thông điệp
Ngày Quốc tế Hòa bình được tổ chức thường niên vào ngày 21-9 trên toàn thế giới. Được khởi xướng vào năm 1981 dựa trên Nghị quyết của LHQ và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9-1982, Ngày Quốc tế Hòa bình là cơ hội để toàn nhân loại cùng chung tay nêu cao cam kết hòa bình, vượt lên mọi khác biệt, đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa toàn cầu vì hòa bình.
Ngày Quốc tế Hòa bình hàng năm luôn nỗ lực cụ thể hóa định nghĩa “hòa bình” bằng những chủ đề khác nhau, gắn liền với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Và năm nay, mục tiêu thứ 13 “Hành động khí hậu” đã được lựa chọn làm nền tảng cho Ngày Quốc tế Hòa bình 2019, với chủ đề “Hành động Khí hậu vì hòa bình”, nhằm thu hút sự quan tâm toàn cầu về tầm quan trọng của việc chống lại biến đổi khí hậu như một cách để bảo vệ và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.
Logo của Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay. Ảnh: UN |
Trong thông điệp đánh dấu 100 ngày đếm ngược đến Ngày Quốc tế Hòa bình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh: “Hòa bình của ngày hôm nay đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm mới: Tình trạng khẩn cấp về khí hậu, vốn đang đe dọa đến an ninh, sinh kế và cuộc sống của chúng ta. Đó là lý do vì sao khí hậu lại là trọng tâm của Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay”.
Theo ông Guterres, “Hành động Khí hậu vì Hòa bình” gửi đi một thông điệp không thể rõ hơn: “Chính biến đổi khí hậu và hậu quả tàn khốc của nó đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ các vùng duyên hải cũng như đất liền, vốn không còn phù hợp với việc sinh sống, để tìm kiếm một nơi an toàn và một cuộc sống tốt hơn. Các thảm họa tự nhiên và hình thái thời tiết cực đoan cũng xảy ra thường xuyên với xu hướng dữ dội hơn. Nghiêm trọng hơn, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến những tranh chấp và xung đột, khi mà các nguồn tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt”.
Từ đó, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh lên tiếng kêu gọi: “Hành động vì khí hậu không chờ đợi được nữa. Đó là nhiệm vụ của tất cả mọi người!” trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu sẽ diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) hôm 23-9 tới.
Đến hành động
Theo The Guardian, ước tính người dân tại 185 quốc gia đã cùng tham gia hưởng ứng sự kiện Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay, biến đây trở thành cuộc tuần hành liên quan đến khí hậu được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, những cuộc tuần hành này được “truyền lửa” bởi cô nữ sinh 16 tuổi Greta Thunberg, người đã từng cắm trại bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển vào năm ngoái với tấm bảng viết tay “Đình công lớp học vì khí hậu”. Hình ảnh ấy đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với thế hệ trẻ hiện này, trước những phản ứng được cho là chậm chạp mà các thế hệ trước đó đã triển khai để bảo vệ khí hậu, Reuters nhận định.
Những người tuần hành giơ cao các khẩu hiệu chống biến đổi khí hậu tại Croatia. Ảnh: Reuters |
Điều này cũng phù hợp với những chia sẻ được Tổng Thư ký LHQ Guterres đưa ra, đó là kể từ nay, cộng đồng toàn cầu sẽ được hỗ trợ bởi nhiệt huyết của người trẻ trên khắp thế giới, những người hiểu rằng tương lai của họ đang bị đe dọa.
Trong ngày 20-9 (giờ địa phương), tại nhiều quốc đảo Thái Bình Dương, những người dân thuộc quần đảo Solomon hay Papua New Guinea đã xuống đường tham gia các cuộc tuần hành trong im lặng, đề nghị chính phủ các nước ngăn chặn tình trạng mực nước biển dâng cao, với hàng loạt biểu ngữ mang thông điệp: “Chúng tôi đang không chìm, mà chúng tôi đang chống chọi!”.
Các cuộc tuần hành cũng lan rộng khắp Australia, với hơn 300,000 người đổ xuống đường trong 100 cuộc tuần hành lớn nhỏ, mang theo thông điệp “Bảo vệ trái đất, công lý vì khí hậu!”. Tại Thái Lan và Ấn Độ, những người biểu tình còn tổ chức các cuộc biểu tình “giả chết” để yêu cầu chính phủ có hành động thiết thực hơn bảo vệ môi trường.
Dòng người tham gia tuần hành vì khí hậu tại Brisbane, Australia. Ảnh: Reuters |
Các cuộc tuần hành cũng diễn ra rầm rộ tại nhiều nước châu Âu, với hơn 1,4 triệu người đã lên tiếng tại Đức, buộc Thủ tướng nước này Angela Merkel công bố gói hỗ trợ 50 tỷ Euro nhằm định giá khí thải carbon để hỗ trợ tài chính cho các biện pháp bảo vệ khí hậu.
Tại khu vực Mỹ Latinh, các cuộc tuần hành cũng được tổ chức ở quy mô lớn, nhất là ở Brazil - quốc gia vừa phải đối mặt với thảm họa cháy rừng Amazon. Hàng nghìn người đã xuống đường kêu gọi Chính phủ thay đổi các chính sách nhằm hạn chế khủng hoảng khí hậu, bảo vệ lá phổi xanh. “Chúng ta có phương án B cho mình. Nhưng chúng ta không có phương án B cho Trái Đất. Thế hệ trẻ sẽ phải gánh chịu, nếu họ không hành động!”, một người tham gia tuần hành chia sẻ.
Tại Ghana, hàng trăm sinh viên cũng đã tuần hành ở thủ đô Accra kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến tình trạng biến đổi khí hậu, bởi theo ước tính có đến 44% dân số Ghana chưa từng nghe đến những tác hại mà biến đổi khí hậu gây ra.
Khi gõ từ khóa “ngày hòa bình” (#peaceday) trên trang tìm kiếm ngày hôm nay, một trong những nội dung bạn tìm thấy sẽ là thông điệp mà Tổng Thư ký LHQ Guterres chia sẻ, được hiện thực hóa bằng hàng nghìn cuộc tuần hành trên khắp các châu lục. Thông điệp đó, không gì khác, chính là: “Sẽ hoàn toàn khả thi để chúng ta đạt được các mục tiêu, nhưng chúng ta cần đưa ra quyết định, cần bản lĩnh vững vàng và cần những sự thay đổi trong chính sách, để cho phép chúng ta được sống hòa bình với khí hậu của chính chúng ta”.