Nhật-Hàn tìm lối thoát cho vòng xoáy căng thẳng thương mại

07:57 12/07/2019
Hôm nay (12-7), đoàn đàm phán cấp cao của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gặp mặt trực tiếp để giải quyết các tranh cãi thương mại, vốn bắt đầu từ những vấn đề tồn đọng từ quá khứ, nhưng được cho là có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu trong tương lai.

Trong thông báo phát đi ngày 11-7, Hàn Quốc cho biết sẽ cử phái đoàn thương mại cấp cao tới thủ đô Tokyo trong ngày 12-7 để trao đổi trực tiếp với quan chức Nhật Bản về một lối thoát khả dĩ cho cuộc khủng hoảng đang tăng nhiệt giữa hai quốc gia, hai nền kinh tế lớn cùng là đồng minh của Mỹ ở châu Á, Reuters đưa tin. 

Hiện nội dung và hình thức đàm phán chưa được tiết lộ cho báo giới. Trước đó, sau cuộc điện đàm tối muộn 10-7 giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo họ đã chính thức đề nghị Mỹ giúp nước này đàm phán với Nhật Bản. Bộ này khẳng định, Mỹ nhận thức rõ quan điểm của Hàn Quốc, đồng thời hứa sẽ đứng ra giải quyết khúc mắc giữa Seoul và Tokyo bằng con đường ngoại giao. 

Ngày 10-7, Phó chánh văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Kim Hyun-chong cũng đã đến thủ đô Washington của Mỹ. Ông này nói rằng, căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là vấn đề chính được đề cập trong các cuộc làm việc với quan chức cấp cao của Washington.

Các bước đi trên là một phần nỗ lực của Hàn Quốc trong việc ngăn ngừa nguy cơ một cuộc “chiến tranh thương mại” mới bùng nổ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, sau khi Tokyo tuần trước siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình, gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu). 

Lệnh hạn chế được ban hành sau khi Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách “Quốc gia trắng”, gồm các nước mà Tokyo đánh giá là có hệ thống kiểm soát xuất khẩu đáng tin cậy. 

Phía Nhật Bản cáo buộc một phần chất hydrogen fluoride được bán cho Hàn Quốc có thể đã bị tuồn sang Triều Tiên, theo đó vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng. Nhật Bản khẳng định, lệnh hạn chế được áp dụng không ngoài mục đích đảm bảo an ninh, còn Hàn Quốc lên án hành động của Tokyo mang màu sắc chính trị. 

Hôm 9-7, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo yêu cầu phía Tokyo chấm dứt ngay lệnh hạn chế, nhưng Nhật Bản lại tuyên bố họ đã “mất lòng tin” với Hàn Quốc và rằng các hạn chế này không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu có nguy cơ hứng thiệt hại vì căng thẳng Hàn-Nhật. Ảnh: Nikkei.

Được biết, dưới lệnh hạn chế mới, các nhà xuất khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản phải xin giấy phép cho mỗi đơn hàng bán sang Hàn Quốc, vốn sẽ mất tới 90 ngày để được thông qua. 

Các hãng công nghệ Hàn Quốc hiện phụ thuộc rất lớn, nếu không nói là hoàn toàn vào Nhật Bản khi nhập từ 92-94% loại nhiên liệu trên từ nước láng giềng. Việc nguồn cung nguyên liệu cho Hàn Quốc bị hạn chế đã dấy lên lo ngại chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử toàn cầu bị đình trệ.

Loạt động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc lại một lần nữa tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản kiểm soát Bán đảo Triều Tiên trước Thế chiến II. 

Năm ngoái, Tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật, gồm hãng thép Nippon, phải bồi thường thêm cho các nạn nhân Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định vấn đề bồi thường liên quan thời chiến đã được giải quyết dứt điểm theo hiệp định bình thường hóa quan hệ năm 1965. 

Theo Reuters, mâu thuẫn về những vấn đề trong quá khứ từng kéo theo các cuộc tranh cãi giữa hai nước, nhưng các cuộc va chạm trước đây thường không ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế. Bởi vậy, lần xung đột này kéo theo lo ngại căng thẳng giữa hai bên có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Cách đây 2 ngày, Bloomberg dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp khẩn tối 10-7 với lãnh đạo 30 tập đoàn công nghệ hàng đầu nước này, gồm cả Samsung, LG, SK, Hyundai và Lotte, đã bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng leo thang với Nhật Bản có thể trở thành một cuộc đối đầu kéo dài. 

“Chính phủ đang thiết lập một hệ thống phản ứng để yêu cầu Nhật Bản xóa bỏ biện pháp hạn chế xuất khẩu bất công này, theo một tinh thần khẩn trương”, ông Moon trấn an giới doanh nghiệp, song thừa nhận tình thế hiện nay ở mức “khẩn cấp chưa từng có”. 

Tổng thống Moon cũng cam kết Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi hàng trăm triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ứng phó với lệnh hạn chế của Nhật Bản, mặt khác chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu tình thế bắt buộc.

Giới chuyên gia cảnh báo, dù hai bên sắp bước vào bàn đàm phán, song những bước đi của Nhật Bản cùng tuyên bố cứng rắn của Hàn Quốc khiến khả năng lập tức đạt được thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng là rất khó. 

Ngày 10-7, phía Nhật Bản tuy thể hiện thiện chí đàm phán, nhưng thông báo họ sẽ mở rộng các mặt hàng hạn chế xuất khẩu đến Hàn Quốc nếu phía Seoul không có những bước đi phù hợp. Tờ SCMP ngày 11-7 thì lại dẫn nguồn tin Hàn Quốc cho hay, Seoul có thể đang tính tới việc hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản để trả đũa. 

Thêm vào đó, những diễn biến căng thẳng được cho là sẽ sớm khiến giới doanh nghiệp hai bên sớm hứng thiệt hại kinh tế. Hiện tại, ngành công nghệ của cả hai nước đều kết nối và bổ sung chặt chẽ cho nhau. Nhật Bản là nguồn cung quan trọng của Hàn Quốc và ngược lại Seoul cũng là thị trường chủ chốt của Tokyo. Blooberg lấy ví dụ, các hãng công nghệ Hàn Quốc đang nắm giữ tới 90%-95% thị phần màn hình OLED toàn cầu. 

Việc tiếp cận khó khăn nguồn nhiên liệu của Nhật Bản sẽ làm đình trệ việc cung cấp màn hình cho nhiều sản phẩm điện tử, bao gồm cả các mẫu TV do doanh nghiệp Nhật sản xuất. Hơn nữa, giới chuyên gia cũng cảnh báo, nếu sự tham gia của Hàn-Nhật trong thị trường toàn cầu bị hạn chế vì vòng xoáy căng thẳng lần này, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên và chiếm lĩnh thị phần, điều mà cả Tokyo, Seoul và Washington không dễ dàng chấp nhận.

Thiện Nhân

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文