Nhiều nước hi vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai
Phát biểu trước báo giới tại Hawaii ngày 19-1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định: “Chúng tôi hy vọng sẽ có những kết quả cụ thể hơn nữa hướng tới phi hạt nhân hóa so với cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên”.
Nhật Bản vẫn giữ vững lập trường rằng cộng đồng quốc tế cần duy trì sức ép đối với CHDCND Triều Tiên để đạt được mục tiêu, đồng thời cố gắng đưa ra một mặt trận chính sách chung với Mỹ trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.
Tokyo dự kiến đề nghị Washington nêu vấn đề CHDCND Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970, 1980 tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định “chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ”.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất hồi tháng 6-2018. |
Cùng ngày, Hàn Quốc cũng bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai dự kiến diễn ra trong thời gian sắp tới, bày tỏ hy vọng cuộc gặp này sẽ là một bước ngoặt hướng tới hòa bình lâu dài tại Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, “người trong cuộc” Mỹ tuyên bố tiếp tục đạt được tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa với CHDCND Triều Tiên, song Washington sẽ duy trì trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Phát biểu với phóng viên sau khi Tổng thống Donald Trump gặp Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục đạt được tiến triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sức ép và trừng phạt đối với (CHDCND) Triều Tiên”.
Trước đó, bà Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Donald Trump đã gặp ông Kim Yong-chol vào lúc 17h15 ngày 18-1 (giờ GMT – 0h15 ngày 19-1 giờ Việt Nam) tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Cuộc gặp trên đã kết thúc sau 1,5 giờ để bàn về phi hạt nhân hóa và cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai.
Về phía Trung Quốc, nước này chỉ ra rằng, tình hình Bán đảo Triều Tiên hiện nay đã không còn bóng dáng các vụ thử tên lửa, vũ khí hạt nhân, không còn sự đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Đây là điều khó tưởng tượng khi Tổng thống Donald Trump mới lên cầm quyền. Mỹ cần coi trọng kết quả không dễ gì có được này, theo kịp sự phát triển của tình hình, nỗ lực thúc đẩy tạo ra những kết quả lớn hơn.
Từ đó, Trung Quốc đã bày tỏ một số mong muốn trong vấn đề Triều Tiên. Thứ nhất, Mỹ và Hàn Quốc nhận thức rõ về ý nghĩa mang tính xây dựng của việc phát triển quan hệ Trung-Triều đối với việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Thứ Bình Nhưỡng thiếu thốn nhất là niềm tin về vấn đề an ninh quốc gia, trong khi đó mối quan hệ Trung-Triều mật thiết là cội nguồn lớn nhất đối với cảm giác an toàn của Triều Tiên.
Không có sự ủng hộ, khích lệ của Trung Quốc, tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không thể được thúc đẩy thông qua biện pháp hòa bình. Do vậy, các bên cần kiên trì coi Trung Quốc là bên hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa. Việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên liên quan đến lợi ích quan trọng của Trung Quốc, ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo này là lập trường lâu dài, kiên định của Trung Quốc.
Nhu cầu địa chính trị ngắn hạn và lợi ích của việc coi vấn đề Bán đảo Triều Tiên là một quân bài đều không tương xứng với lợi ích của Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo này, Trung Quốc quyết không vì lợi ích ngắn hạn mà đánh mất lợi ích lâu dài, to lớn.
Thứ hai, Trung Quốc mong muốn đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều thu được tiến triển bởi vì cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên thực chất là do lâu nay hai nước này chưa thoát khỏi trạng thái đối địch từ Chiến tranh Lạnh. Việc Mỹ-Triều cải thiện quan hệ và đàm phán về lộ trình hòa giải, phi hạt nhân hóa mà hai bên đều có thể chấp nhận cũng là nguyện vọng của Trung Quốc.
Mỹ cần thoát khỏi tư duy Trung Quốc dùng thủ đoạn để gia tăng ảnh hưởng, bởi điều này trong năm 2018 đã liên tục tác động đến đánh giá của Mỹ đối với cục diện tình hình Triều Tiên. Và cuối cùng, để đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa, Mỹ cần thẳng thắn làm tròn trách nhiệm, chịu “trả giá” tương xứng, chứ không nên trông chờ Trung Quốc giúp Mỹ thực hiện mọi nghĩa vụ của Mỹ.
CHDCND Triều Tiên luôn lo ngại về khả năng giữ chữ tín của Mỹ, để làm tiêu tan mối lo ngại này, Mỹ cần hành động chứ không chỉ dựa vào những lời hứa suông. Việc Mỹ-Hàn ngừng tập trận chung đã tạo ra hiệu quả tốt, khiến việc Triều Tiên phá hủy cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, ngừng thử tên lửa đạn đạo nhận được sự đền đáp. Tiếp theo, Mỹ mong muốn CHDCND Triều Tiên làm nhiều hơn, song để đạt được mong muốn này, Washington cần áp dụng nhiều biện pháp tích cực đối với Bình Nhưỡng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu Mỹ vẫn theo đuổi lập trường cũ với CHDCND Triều Tiên thì sẽ không thể thoát khỏi “mê cung” mà Washington cần phải chấm dứt thời kỳ đối đầu của cấm vận và gây sức ép với Bình Nhưỡng. Cố vấn đặc biệt về vấn đề thống nhất, ngoại giao và an ninh Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) Moon Chung-in chỉ ra rằng, để tìm ra bước đột phá cho tình trạng bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều hiện nay, CHDCND Triều Tiên phải chứng tỏ bằng hành động mạnh mẽ, trong khi Mỹ cần phải dỡ bỏ một phần cấm vận với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, “sẽ rất khó để yêu cầu Mỹ hay CHDCND Triều Tiên phải nhượng bộ trước”. Theo phân tích của cố vấn Moon Chung-in, nếu Tổng thống Donald Trump nhượng bộ trước CHDCND Triều Tiên thì có thể sẽ làm dấy lên dư luận phản đối mạnh mẽ trong nội bộ nước Mỹ.
Trong khi nếu Bình Nhưỡng có hành động cụ thể trước thì tình hình sẽ có thể khác đi. Thay vì đàm phán bằng “lời nói suông” như hiện nay, hai nước phải chuyển sang đàm phán với những hành động cụ thể.
Trong khi đó, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nhận định rằng: “Một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai có thể sẽ không đáp ứng bất kỳ mục đích nào, nhưng có thể củng cố suy nghĩ của ông Donald Trump rằng, giữa ông và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang rất hòa hợp. Do đó, tôi nghĩ ông Donald Trump sẽ rất khó để tỏ ra cứng rắn và có thái độ cưỡng ép đối với CHDCND Triều Tiên”.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hàn Quốc (KBS) cho biết, ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo chiến lược chung khu vực Đông Á-Thái Bình Dương”, các hãng truyền thông tuyên truyền đối ngoại của CHDCND Triều Tiên đang tích cực hối thúc Washington phải dỡ bỏ cấm vận đối với Bình Nhưỡng nếu muốn đạt được tiến triển trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa hiện đang lâm vào bế tắc.