Thêm những cảnh báo về hành vi trái phép của Trung Quốc tại Trường Sa

09:24 01/04/2017
Theo tờ The Japan Times, phân tích hình ảnh vệ tinh của AMTI cung cấp những “bằng chứng thuyết phục nhất” rằng, trái với cam kết, Trung Quốc đã tiếp tục quân sự hóa khu vực trong nỗ lực củng cố sự khống chế trên thực tế với phần lớn Biển Đông.

Hôm 28-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ từ trước đến nay của Trung Quốc. Do đó, việc Bắc Kinh có triển khai các cơ sở phòng thủ cần thiết trên lãnh thổ của nước này hay không là vấn đề thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Nhiều nước, tổ chức quốc tế đã lên tiếng về vấn đề này.

Bà Hoa Xuân Oánh cũng biện hộ các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nhằm để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các lực lượng đồn trú trên đảo, cải thiện công năng dân sự của các đảo, nâng cao khả năng cung cấp nhiều loại hàng hóa phục vụ dân sinh và thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của nước này.

Đây được xem là động thái “phản pháo” của Trung Quốc đối với báo cáo mới đây của Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), trong đó cho rằng Bắc Kinh sắp hoàn tất việc xây dựng các cơ sở tấn công và phòng thủ trên quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, hôm 27-3, AMTI công bố báo cáo cho biết, Trung Quốc dường như đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự chính trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép ở Biển Đông và hiện đã có thể triển khai máy bay chiến đấu, thiết bị quân sự trên các đảo này bất cứ lúc nào.

Theo bản báo cáo, nhiều hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và lưỡng dụng chủ yếu trên khu vực “Bộ Ba”, gồm Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phần lớn là các cơ sở cho hải quân, không quân, radar và phòng thủ mà AMTI đã theo dõi trong gần 2 năm qua.

Những bức ảnh vệ tinh tố cáo Trung Quốc tiếp tục xây công trình trái phép mới ở Biển Đông. Ảnh: Planet Labs/Reuters.

Giám đốc AMTI Greg Poling cho biết, những hình ảnh vệ tinh thu được trong tháng 3 cho thấy, Trung Quốc đã triển khai các ăng-ten radar mới trên Đá Chữ Thập và Đá Subi. “Vì vậy, chúng ta có thể sẽ chứng kiến việc triển khai trong tương lai gần”, ông Poling nói.

Báo cáo của AMTI cho biết thêm rằng, 3 căn cứ không quân của Trung Quốc ở Trường Sa và trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa sẽ cung cấp cơ sở cho phép máy bay quân sự nước này kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông – một trong những tuyến thương mại hàng hải quan trọng bậc nhất mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.

“Điều này cũng đúng với tầm bao phủ của radar Trung Quốc, nhờ vào các cơ sở radar giám sát/cảnh báo sớm hiện đại trên Chữ Thập, Xu Bi, Châu Viên, cũng như Phú Lâm và các cơ sở nhỏ hơn ở những nơi khác”, AMTI nhận xét.

Theo tờ The Japan Times, phân tích hình ảnh vệ tinh của AMTI cung cấp những “bằng chứng thuyết phục nhất” rằng, trái với cam kết, Trung Quốc đã tiếp tục quân sự hóa khu vực trong nỗ lực củng cố sự khống chế trên thực tế với phần lớn vùng biển này.

Về phía Mỹ, mặc dù từ chối bình luận về báo cáo cũng như hình ảnh vệ tinh của AMTI nhưng người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross nhận định: “Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng trên Biển Đông càng lộ rõ bằng chứng về việc nước này tiếp tục các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Việt Nam bấy lâu nay luôn kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những hành động như vậy đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10-2011. 

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động đó, đóng góp xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng các công trình trái phép ở Biển Đông, Australia đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc hoàn thành bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý ở Biển Đông càng sớm càng tốt.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop khẳng định, trên cương vị của mình sẽ thúc giục ASEAN tiến xa hơn và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt. Ngoại trưởng Bishop cũng khẳng định, Australia chắc chắn không ủng hộ hoạt động quân sự hóa của bất cứ bên nào trên các đảo nhân tạo và kết cấu khác ở Biển Đông vì điều này sẽ gây căng thẳng và làm gia tăng khả năng xung đột.

Theo Ngoại trưởng Australia, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ là nền tảng cho sự thịnh vượng và ổn định của các quốc gia trong khu vực và “tất cả nên ủng hộ, bảo vệ luật pháp quốc tế, thậm chí đấu tranh vì nó nếu cần thiết”.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, dự thảo COC đã được hoàn thành và căng thẳng “đã giảm rõ rệt”.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Philippines lại cho biết, Trung Quốc và ASEAN chỉ mới hoàn tất một “đề cương chuyên đề”, chứ không phải là dự thảo của COC. Tất cả các bên hy vọng sẽ hoàn thành khung sườn bộ quy tắc ứng xử qua một loạt cuộc họp giữa Trung Quốc với ASEAN trong năm nay.

Minh Nhật (tổng hợp)

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文