Những cuộc gặp được trông đợi ở Thượng đỉnh G20

07:41 27/06/2019
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản là cơ hội hiếm hoi để lãnh đạo các cường quốc gặp mặt trực tiếp, qua đó giải quyết bất đồng từ thương mại, chính trị, ngoại giao đến vấn đề biên giới, lãnh thổ.


Trong hai ngày 28 và 29-6, Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Osaka của Nhật Bản, với sự góp mặt của nguyên thủ các nền kinh tế thành viên cùng 8 quốc gia khách mời, trong đó có Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Theo Reuters, với tư cách chủ nhà, tại các phiên làm việc chung, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ cùng các nhà lãnh đạo G20 thảo luận về những thách thức mới và đề ra phương hướng phát triển kinh tế toàn cầu theo đúng mục tiêu trung tâm của G20 là “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”.

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên G20 trao đổi bên lề hội nghị ở Argentina năm 2018. Ảnh: AP.

Cách đây không lâu, trong chuyến công du tới châu Âu và Bắc Mỹ trước thềm Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng thông báo nước này muốn kêu gọi sự ủng hộ của các thành viên trong nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do và cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhất là khi loạt cuộc thương chiến giữa các cường quốc kinh tế đang tác động tới nền kinh tế toàn cầu.

Ông Abe cũng cho hay, Nhật Bản hi vọng tạo ra được một khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm thống nhất quy tắc liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm phát triển AI công bằng, có trách nhiệm, minh bạch, tôn trọng luật về an ninh, sự riêng tư…; vấn đề áp thuế kỹ thuật số mà mục tiêu chính là nhằm điều chỉnh hành vi của các “ông lớn công nghệ”; vấn đề quản lý nguồn dữ liệu số, quản lý tiền điện tử, cũng như đối phó hiệu quả với rác thải nhựa – vấn nạn đang được nhiều chính phủ thúc đẩy giải quyết thời gian qua. Bloomberg nhận định, khả năng đạt được nhiều đồng thuận ở Osaka không cao, song việc lồng ghép đa mục tiêu vào chương trình nghị sự sẽ mở đường cho các cuộc thảo luận về những vấn đề trên trong tương lai.

Bên cạnh những nỗ lực đầy tham vọng của Tokyo, điều mà thế giới đặc biệt quan tâm tại Thượng đỉnh G20 là các cuộc tiếp xúc song phương bên lề. Theo Bloomberg, chỉ riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhân dịp tới Nhật Bản lần này, Mỹ xác nhận ông Trump có kế hoạch gặp mặt ít nhất 6 lãnh đạo, đầu tiên là cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xoay quanh vấn đề căng thẳng thương mại chưa hạ nhiệt giữa hai nước.

Sau những tranh cãi qua lại từ khi vòng đàm phán thương mại thứ 10 kết thúc thất bại hồi tháng 5, kéo theo việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp thuế “khủng” lên hàng hóa của nhau, truyền thông Mỹ hôm 26-6 tiết lộ, Washington đã quyết định hoãn các bước đi áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc trong một khoảng thời gian để tạo điều kiện nối lại đàm phán trước và sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước ở Osaka.

Trong khi đó, cuộc gặp lần thứ tư giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng được thế giới “nín thở” chờ đợi bởi nó diễn ra trong bối cảnh Washington đang cần tìm kiếm sự ủng hộ, hoặc ít nhất là nhượng bộ phần nào của Moscow trong vấn đề Iran, Venezuela và Syria. Cách đây vài tuần, ông Trump nói rằng, ông hi vọng sẽ cùng Tổng thống Putin cải thiện quan hệ Nga-Mỹ.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga hôm 24-6 lại nhấn mạnh, Moscow sẽ không để Washington thay đổi quan điểm trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế. “Không ai có thể lôi kéo Nga về bất cứ chuyện gì, họ cần hiểu rằng đó là một hi vọng hão huyền”, ông Putin nói.

 Ngoài cuộc gặp với lãnh đạo Nga và Trung Quốc, Tổng thống Trump sẽ tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước đồng minh như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Ông cũng có kế hoạch hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để đánh giá mối quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO, sau khi Ankara khước từ đề nghị của Mỹ liên quan đến hợp đồng mua tên lửa phòng không S-400 từ Nga.

Về phần mình, bên cạnh cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Putin sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để tìm hướng đi cho một Hiệp ước Hòa bình thực sự giữa hai nước. Hơn 7 thập kỉ từ khi Thế chiến II kết thúc, Nga và Nhật vẫn chưa tìm được lối ra cho việc phân định 4 hòn đảo do Nga kiểm soát trên Thái Bình Dương, được Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Trước thềm G20, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng, để giải quyết vấn đề trên là không dễ, song cả hai nước đều đang nỗ lực hết mình.

Nhân dịp này, ông Putin cũng sẽ tổ chức một cuộc gặp đáng chú ý khác theo định dạng 3 bên với Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ. Cả 3 nước lâu nay đều cho rằng họ cần hành động để chống lại chủ nghĩa bảo hộ bằng cách tăng cường sự tin tưởng và phối hợp trước tình hình phức tạp trên trường quốc tế.

Bất chấp lịch trình nghị sự dày đặc, Thủ tướng Nhật Bản cũng thông báo ông sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc gặp sẽ dựa trên nội dung trao đổi giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong chuyến thăm của ông Tập tới Bình Nhưỡng hồi tuần trước.

Đây được xem là cơ hội hiếm để Tokyo bày tỏ quan điểm cũng như thể hiện vai trò không thể thiếu trong giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản huy động 32.000 cảnh sát bảo vệ Thượng đỉnh G20

Để đảm bảo an ninh cho chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định huy động hơn 32.000 sĩ quan cảnh sát từ 46 tỉnh, thành tới thành phố Osaka. Con số này gấp rưỡi 23.000 sĩ quan cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2016. 

Trong 3 ngày 27, 28 và 29-6, hàng chục ngàn học sinh của gần 700 trường học ở thành phố Osaka sẽ được nghỉ học vì lí do an ninh. Giới chức địa phương cũng đề nghị người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khi ra đường và khuyến cáo các cửa hàng gần khu diễn ra hội nghị tạm đóng cửa. (T.M.)

Thiện Minh

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文