Nỗ lực “chưa từng có” liệu có giúp Mỹ chiến thắng COVID-19?

07:56 27/03/2020
Thượng viện Mỹ ngày 26/3 đã bỏ phiếu với kết quả ủng hộ áp đảo dự luật ngân sách trị giá 2.000 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang huỷ diệt kinh tế đất nước, đánh dấu gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thế nhưng, nỗ lực “chưa từng có” này liệu có giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19?


Gian nan để được sự đồng thuận

Theo Reuters, dự luật cứu trợ với khoản ngân sách khổng lồ đã được thông qua tại Thượng viện sau nhiều ngày tranh luận nảy lửa giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ với 96 phiếu thuận và 0 phiếu chống. Trước đó, dự luật này đã hai lần không được thông qua tại Thượng viện.

Ông Trump nói sẵn sàng đặt bút ký gói cứu trợ lịch sử 2.000 tỷ USD ngay khi nó được Hạ viện thông qua. Nguồn: Gettyimages.

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho rằng, dự luật không hỗ trợ đủ tiền cho các tiểu bang, các bệnh viện và thiếu khoản tiền hỗ trợ đầy đủ cho người Mỹ thất nghiệp và không bao gồm sự giám sát đầy đủ của một quỹ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ làm việc, các nhà lập pháp hai đảng đã đạt được sự thống nhất và giải quyết được bất đồng về những điều khoản trong thỏa thuận. Một cách tổng thể, gói hỗ trợ sẽ cung cấp các khoản chi trực tiếp cho hầu hết người dân Mỹ. Mỗi người lớn sẽ được hỗ trợ 1.200USD và mỗi trẻ em sẽ được hỗ trợ 500USD, tất cả sẽ được chi trả trực tiếp một lần duy nhất. Washington cũng nâng mức trợ cấp thất nghiệp và cung cấp gói hỗ trợ 367 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ để đảm bảo các nhân viên làm việc tại nhà vẫn được trả lương.

Ngoài ra, gói hỗ trợ còn chi ra 500 tỷ USD dưới dạng các khoản vay có bảo lãnh cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có các hãng hàng không. Các bệnh viện tham gia chống dịch cũng là đối tượng được hỗ trợ trong gói giải cứu kinh tế này.

Tuy nhiên, cần phải được Hạ viện phê chuẩn và có chữ ký của Tổng thống Trump, dự luật cứu trợ kể trên mới chính thức có hiệu lực. Theo dự kiến, phiên bỏ phiếu dự luật tại Hạ viện sẽ được diễn ra vào 9 giờ sáng 27/3 (theo giờ Mỹ). 

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cam kết ông sẽ phê chuẩn dự luật này ngay khi nó được chuyển tới.

"Tôi sẽ ký ngay lập tức", ông tuyên bố trước báo giới ngày 25/3, đồng thời cho rằng đây sẽ là một ngày tuyệt vời cho người lao động Mỹ và các gia đình người Mỹ.

Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ 3 của Chính phủ Mỹ trong nỗ lực giảm nhẹ tác động từ dịch COVID-19 và là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước này, lớn hơn tổng giá trị gói giải cứu các ngân hàng chịu tác động của cuộc đại suy thoái năm 2008 và các chính sách thúc đẩy hồi phục kinh tế năm 2009 cộng lại.

Thế nhưng dù có giá trị tới 2.000 tỷ USD, gói cứu trợ khẩn cấp này dự kiến chỉ là một giải pháp tạm thời để giúp bình ổn lại nền kinh tế đang có dấu hiệu mất kiểm soát. Các thượng nghị sĩ Mỹ đã đánh tín hiệu rằng họ sẽ sớm làm việc để soạn thảo ra một gói cứu trợ tiếp theo.

Chờ đợi một kết quả tốt

Có thể nói, những tranh cãi xung quanh câu hỏi khi nào dịch COVID-19 mới lên đỉnh điểm và tác động của điều này đối với nền kinh tế ra sao là nguyên nhân chính mà nhiều nhà phân tích cho rằng gói cứu trợ trên chỉ là một giải pháp tạm thời, nhất là trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang ngày càng phức tạp.

Theo số liệu thống kê từ Worldometers, tính đến chiều 26/3 (theo giờ Việt Nam), số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã lên tới 1.032 người trong khi số ca nhiễm trên toàn quốc vượt mức 68.500 ca. Mỹ hiện trở thành quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Italia. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Giới phân tích nhận định, gói hỗ trợ được thông qua khá kịp thời, nhưng chưa đủ để ngăn chặn tác động kinh tế ngắn hạn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng mà dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế Mỹ. Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông James Bullard nhìn nhận gói cứu trợ "khá hợp lí cho thời điểm hiện tại", nhưng ông cho rằng nó chỉ mang đến sự hỗ trợ tạm thời, con số 2.000 tỷ USD chưa đủ để kích thích nền kinh tế Mỹ.

Theo chuyên gia kinh tế Andrew Husby của Bloomberg Economics, khoản chi trả trực tiếp một lần duy nhất trong gói cứu trợ sẽ là không đủ nếu tình hình phong tỏa kéo dài và nền kinh tế không nhanh chóng hồi phục. Các nhà phân tích khác, bao gồm bà Claudia Sahm – nhà kinh tế từng làm việc cho FED, nói rằng chính phủ sẽ cần phải tiếp tục gửi thêm tiền cho người dân trong nhiều tháng tiếp theo trong giai đoạn kinh tế suy giảm.

Trong khi đó, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng chóng mặt, lên khoảng 1,5 triệu người hôm 21/3 và được dự báo có thể sẽ tăng tối đa lên mức 4 triệu người trong thời gian tới, điều này cũng sẽ khiến chính phủ Mỹ “đau đầu” trong việc tính toán khoản trợ cấp cho những người này.

Về phần mình, nhà kinh tế Stephen Stanley của Amherst Securities đánh giá rằng dự luật này cung cấp sự bảo vệ tốt cho các doanh nghiệp nhỏ bởi họ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi COVID-19. Khoản vay từ chính phủ giúp họ có thể tiếp tục thuê và trả lương cho nhân viên trong suốt thời gian gián đoạn kinh doanh.

Hiện tại, chính quyền Trump đang trong tình thế “khó khăn chồng khó khăn” khi vừa phải cố gắng đẩy lùi cuộc khủng khủng y tế trong nước, đồng thời tránh cuộc khủng hoảng kinh tế dài hạn. Những nỗ lực vực dậy nền kinh tế Mỹ trong thời điểm hiện tại cần phải là những bước đi chắc chắn của Tổng thống Trump để ông có thể nhận được nhiều hơn sự ủng hộ, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang tới gần.

Liên hợp quốc công bố “Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu”

Để đối mặt với thách thức chưa từng có trên toàn thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra, ngày 26-3, các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc đã đã công bố “Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu” với lời kêu gọi ủng hộ hơn 2 tỷ USD cho những nước kém phát triển nhất thế giới. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, toàn thể nhân loại cần phải hành động. Phản ứng riêng lẻ của mỗi quốc gia sẽ là không đủ. Hành động và tinh thần đoàn kết toàn cầu mang ý nghĩa sống còn trong cuộc chiến chống COVID-19.

“Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu” đối phó COVID-19 sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12 tới. Tổng số tiền kêu gọi là hơn 2 tỷ USD, trong đó dự kiến 450 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới, 405 triệu USD cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và 350 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới.

Mục tiêu của kế hoạch là nhằm giúp những nước nghèo nhất thế giới  đối phó với dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những người mắc bệnh mãn tính. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm hơn 22.000 người tử vong và 487.000 người nhiễm trên toàn thế giới kể từ khi xuất hiện trường hợp đầu tiên hồi cuối năm 2019 vừa qua.

Trung Nguyễn

Hồ Thiên (Tổng hợp)

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文