Nước Anh sẽ về đâu sau cuộc tổng tuyển cử “gấp”?
BBC cho biết, các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh sẽ mở cửa vào lúc 7h sáng và dừng nhận phiếu vào 10h tối cùng ngày, phục vụ 46 triệu cử tri chọn ra 650 nghị sĩ trên toàn nước Anh. Kết quả bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào rạng sáng hôm sau.
Cuộc bầu cử Quốc hội Anh được diễn ra sau khi Hạ viện Anh đêm 29-10 bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn mà Thủ tướng Boris Johnson đề xuất, với nhận định rằng nước Anh “cần một Quốc hội mới để phá vỡ thế bế tắc chính trị trong vấn đề Brexit”.
Các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh sẽ mở cửa từ 7h sáng đến 10h tối ngày 12-12. Ảnh: Shutterstock |
Kể từ năm 1923, đây là lần đầu tiên Anh tiến hành bầu cử vào tháng 12, thay vì tháng 5 như thường lệ. Đây cũng sẽ là cuộc bỏ phiếu lần thứ 3 diễn ra chỉ trong vòng 4 năm qua tại đảo quốc sương mù, với 2 đối thủ vốn “không đội trời chung” vì Brexit, đó là Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson và thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn.
Reuters nhận định, cuộc bầu cử lần này không chỉ quan trọng ở việc tìm ra đảng thắng cử, mà còn nằm ở quy mô chiến thắng ở của các đảng, bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền quyết định tương lai thỏa thuận Brexit. Việc lãnh đạo một chính phủ thiểu số từng khiến Thủ tướng Boris Johnson gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật về Brexit.
Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc tổng tuyển cử ngày 12-12. Thực tế, việc kêu gọi bầu cử sớm, theo Daily Mail, là một chiến lược ông Boris đưa ra nhằm tăng số lượng nghị sĩ bảo thủ, những người sẽ ủng hộ ông để thỏa thuận Brexit được Quốc hội thông qua.
Sau 5 tuần vận động tranh cử, các cuộc thăm dò dự báo kết quả đều cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền hiện đang dẫn trước Công đảng, song các nhà phân tích chính trị Anh vẫn đưa ra những dự đoán nhiều chiều về kết quả của cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 12-12.
Trong trường hợp Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson cùng Đảng Bảo thủ thắng cử với đa số phiếu, đây chắc chắn sẽ là cú chuyển mình ngoạn mục giúp ông hoàn thành mục tiêu rời EU đúng ngày 31-1 bằng mọi giá của mình.
Tuy nhiên, chuyên gia thăm dò dư luận về cuộc bầu cử sắp tới Sir John Curtice - hiện là Giáo sư Chính trị tại Trường Đại học Strathclyde, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu xã hội độc lập hàng đầu nước Anh NatCen Social Research, khẳng định rằng không có gì đảm bảo chắc chắn Thủ tướng Boris Johnson sẽ thành công như mong đợi.
Một ngày trước cuộc tổng tuyển cử, kết quả thăm dò dư luận do YouGov thực hiện cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson vẫn dẫn đầu song có thể chỉ giành chiến thắng với đa số tối thiểu, tức là 339 ghế tại Hạ viện 650 ghế, vượt đa số 28 ghế. Thế đa số tối thiểu này đủ “làm khó” ông Johnson trong nỗ lực thực hiện Brexit đúng hạn vào ngày 31-1.
Trong khi đó, Công đảng đang ngày càng chiếm được nhiều cảm tình của người dân, với một cuộc ganh đua sít sao, giành lấy 34% sự ủng hộ trong cuộc khảo sát mà YouGov thực hiện. Chuyên gia Sir John Curtice cũng nhận định rằng nếu Công đảng tăng được tỷ lệ ủng hộ trong nhóm các cử tri thuộc phe “ở lại EU” trong ngày bỏ phiếu thì điều này cũng không có gì là ngạc nhiên.
Kể từ cuộc bầu cử năm 2017, đảng Bảo thủ đã mất thế đa số cần thiết cũng như khả năng để thực hiện ý nguyện của đa số người dân nước này về việc đưa Anh rời EU. Từ đó, mọi kế hoạch Brexit do chính phủ đề ra đều bế tắc tại Quốc hội. Trong khi đó, Công đảng đối lập lại đang coi cuộc tổng tuyển cử lần này như thời cơ để lập nên một chính phủ do Công đảng lãnh đạo sau 9 năm.
Trong trường hợp ông Boris Johnson không thể tập hợp đủ thế đa số tuyệt đối cần thiết, Công đảng có thể liên minh với các đảng nhỏ hơn để trở thành đảng lãnh đạo. Điều đó đồng nghĩa với việc, chính sách Brexit sẽ hoàn toàn bị bẻ lái theo 2 hướng, hoặc là một kế hoạch Brexit hoàn toàn mới, hoặc là một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2. Bên cạnh đó, một kịch bản không hề mong muốn cũng được đặt ra.
Một số cuộc khảo sát còn chỉ ra kết quả tổng tuyển cử lần này sẽ vẫn là một quốc hội “treo” và sẽ chỉ làm cho chính trường Anh thêm rối loạn trong khi cộng đồng doanh nghiệp và EU tiếp tục nín thở trước những biến động khó lường. Đặc biệt, việc Quốc hội treo nhiều khả năng sẽ khiến kế hoạch rời EU của ông Johnson vào ngày 31-1-2020 phải dừng lại và mở ra một con đường có thể dẫn tới việc Anh ở lại trong EU.
Khác với cuộc tổng tuyển cử năm 2017, mối quan tâm của cử tri Anh đã thay đổi rất nhiều, vấn đề nhập cư hay dịch vụ y tế quốc gia NHS không còn là tối quan trọng với họ, theo BBC, mà lại là Brexit, là chính mớ rối ren đã kéo dài suốt 3 năm qua mang tên “Anh rời EU”. Từng lá phiếu của cử tri Anh trong ngày 12-12 chắc chắn sẽ mang tính quyết định, bởi nó gián tiếp mở ra tương lai của đảo quốc sương mù, “thay máu” cục diện Brexit hiện nay.