Palestine khẳng định không đánh đổi quyền lợi chính trị để lấy kinh tế

08:16 26/06/2019
Ngày 25-6, Hội nghị kinh tế mang tên “Từ Hòa bình tới Thịnh vượng” do Mỹ khởi xướng đã khai mạc tại Thủ đô Manama của Bahrain. Hội nghị tập trung vào khía cạnh kinh tế của bản kế hoạch do Mỹ soạn thảo nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, chính quyền Palestine và giới doanh nghiệp nước này đã quyết định không cử đại diện tham dự khi cho rằng, sự kiện đã “bỏ qua” khía cạnh chính quan trọng của cuộc xung đột hiện nay giữa Palestine và Israel.

Ngay trước thềm Hội nghị, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner – con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã công bố chi tiết những dự định kinh tế trong kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó bao gồm việc đầu tư 50 tỷ USD vào các nền kinh tế đang gặp khó khăn tại Trung Đông trong 10 năm tới.

Sẽ không có hòa bình Trung Đông nếu không lập nhà nước Palestine. Nguồn: Foreign Policy Journal

Ông cho biết, hơn một nửa quỹ đầu tư (28 tỷ USD) sẽ được cấp cho Bờ Tây và khu vực Dải Gaza, 22 tỷ USD còn lại sẽ chuyển tới Jordan, Ai Cập và Liban. Kế hoạch kinh tế “Hòa bình vì Thịnh vượng” của Nhà Trắng tập trung vạch ra chi tiết những sáng kiến để đẩy mạnh “tiềm năng kinh tế” của Palestine.

Theo bản tài liệu này, 15 tỷ USD trong tổng số 50 tỷ USD sẽ đến từ các khoản tài trợ, 25 tỷ USD từ các khoản vay được trợ cấp và khoảng 11 tỷ USD từ vốn tư nhân. Kế hoạch dự kiến hỗ trợ 179 dự án kinh tế trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nguồn nước, nguồn điện, viễn thông, du lịch và cơ sở y tế. 147 dự án trong số đó sẽ được xây trên lãnh thổ Palestine.

heo cố vấn Jared Kushner, kế hoạch kinh tế của Nhà Trắng tại Trung Đông sẽ tạo ra khoảng 1 triệu việc làm tại Gaza và khu vực Bờ Tây, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại đây từ 30% xuống mức một con số và tỷ lệ nghèo đói xuống một nửa.

Tuy nhiên, việc không bao gồm một giải pháp chính trị đã khiến kế hoạch của Nhà Trắng bị Palestine chỉ trích. Giới chức Palestine miêu tả đó là “những lời hứa hẹn phù phiếm” và thiếu thực tế. Trong khi đó, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas khẳng định vấn đề kinh tế sẽ không được đàm phán trước khi có một giải pháp chính trị.

“Chúng tôi không cần cuộc họp tại Bahrain để xây dựng đất nước mình, cái chúng tôi cần là hòa bình và những kết quả mà kế hoạch đưa ra là không thực tế và ảo tưởng”, Bộ trưởng Tài chính Palestine Shukri Bishara phát biểu hôm 24-6. Thủ tướng Palestine Mohammad Shatayyed thì nhấn mạnh, hội nghị về kinh tế này là hoàn toàn vô nghĩa.

Điều mà Israel và Mỹ đang cố gắng làm chỉ đơn giản là bình thường hóa các mối quan hệ của họ với các nước Arab, chứ hoàn toàn không phải vì người Palestine.

Trước đó, Palestine cũng tuyên bố không đánh đổi quyền lợi chính trị để lấy kinh tế. Ủy viên Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine đồng thời là cố vấn của Tổng thống Palestine, bà Hanan Ashrawi, cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ, nhấn mạnh việc mà Washington cần làm trước tiên là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine.

Jordan cũng khẳng định không giải pháp nào có thể thay thế giải pháp hai nhà nước, qua đó đảm bảo quyền của một nhà nước Palestine và quyền tự do của người dân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan nhấn mạnh nước này chỉ ủng hộ giải pháp hai nhà nước dẫn đến việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Theo quan chức trên, mọi sự hỗ trợ về kinh tế đều không thể thay thế được sự dàn xếp chính trị dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc hôm 24-6 một lần nữa khẳng định Bắc Kinh luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính đáng của Palestine nhằm khôi phục các quyền hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Lập trường của Trung Quốc liên quan tới vấn đề Palestine là vững chắc và nhất quán. Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính đáng của người Palestine nhằm khôi phục các quyền hợp pháp của mình và thành lập một nhà nước độc lập. Trung Quốc luôn dành những sự hỗ trợ tốt nhất cho người dân Palestine”.

Nga và Ai Cập thì tuyên bố đều ủng hộ các quyền lợi chính đáng của Palestine, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một giải pháp lâu dài cho sự nghiệp của người dân Palestine, đồng thời thiết lập một nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem.

Hồi đầu tháng này, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit cảnh báo những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine sẽ trở nên vô ích nếu một nhà nước Palestine không được thành lập trên tất cả những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ông tuyên bố bất kỳ đề xuất nào mà người Palestine hoặc Arab bác bỏ đều là “không thể chấp nhận”.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính các nước Arab công bố kích hoạt một mạng lưới an toàn tài chính để hỗ trợ 100 triệu USD mỗi tháng cho Palestine. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp cấp Bộ trưởng Tài chính các nước Arab tại Cairo (Ai Cập) ngày 23-6.

Theo đó, cơ chế thanh toán sẽ hoặc thông qua Ban Thư ký của AL hoặc trực tiếp đến Bộ Tài chính Palestine. Các nước Arab cũng cam kết hỗ trợ đầy đủ để nhà nước Palestine đảm bảo sự độc lập chính trị, kinh tế và tài chính.

Hội nghị cũng kêu gọi các quỹ và các tổ chức tài chính Arab, cũng như các ngân hàng Arab đóng góp vào mạng lưới an toàn tài chính để cung cấp các khoản vay mềm cho Nhà nước Palestine.

Đại sứ Palestine tại Cairo Diab Al Luha cho biết: “Hội nghị được tổ chức với sự hỗ trợ của Tổng Thư ký AL và Tunisia - Chủ tịch luân phiên Liên đoàn, nhằm xây dựng mạng lưới tài chính an toàn cho Palestine. Bởi vì hiện nay, chính quyền Palestine rất cần các khoản hỗ trợ tài chính để duy trì hoạt động của cơ quan chính phủ cũng như đảm bảo các hoạt động của người dân. Cuộc gặp là cơ hội để các nước Arab hỗ trợ tài chính cho Palestine và thúc đẩy nỗ lực dân tộc Palestine xây dựng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước trong tương lai”.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Ahmed Aboul Gheit nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ người Palestine thông qua mạng lưới an toàn tài chính hoặc dưới bất kỳ hình thức hỗ trợ tài chính nào, thông qua các khoản tài trợ hoặc thậm chí cho vay để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Ông nói rằng, thâm hụt ngân sách của Palestine khoảng 700 triệu USD trong năm nay do nguồn lực và doanh thu hạn chế.

Khổng Hà (tổng hợp)

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文